Trong bối cảnh tình hình nợ công châu Âu tiếp tục u ám, thị
trường thiếu vắng những thông tin kinh tế vĩ mô quan trọng, giới đầu tư đang tiếp
tục đổ tiền vào việc tích trữ USD, từ đó làm suy yếu các loại hàng hóa khác.
Hôm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phân bổ 489,2
tỷ Euro, tương đương 643,8 tỷ USD, cho 523 nhà băng thuộc Khu vực đồng tiền
chung châu Âu, tại các cuộc đấu giá khoản vay kỳ hạn 3 năm trong ngày.
ECB nêu rõ ngân hàng này sẽ phân chia khoản vốn trên cho 523
ngân hàng với mức lãi suất 1%. Khoản tiền này đã vượt quá mức dự báo 310 tỷ
Euro trong cuộc điều tra do hãng tin Reuters tiến hành với các chuyên viên giao
dịch.
Mục đích của việc phân bổ khoản vay với lãi suất 1% này là nhằm
gia tăng thanh khoản và đẩy lùi nguy cơ vỡ nợ của một số nước thành viên Khu vực
đồng Euro. Thị trường ban đầu phản ứng khá tốt với thông tin này.
Cùng ngày, Thủ tướng Nauy Jens Stoltenberg cho biết, nước này
đã cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vay khoảng 7 tỷ Euro, tương đương với 9,2 tỷ
USD, nhằm thúc đẩy nền kinh tế châu Âu phát triển.
Ông Stoltenberg cho biết, ngoài việc trợ giúp châu Âu, thì động
thái này của Nauy còn bởi “lợi ích của chính mình nhằm khôi phục ổn định của nền
kinh tế quốc tế để có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng mà chúng ta hiện đang bị
sa lầy".
Nauy không phải là một nước thành viên Liên minh châu Âu
(EU), song nền kinh tế Bắc Âu này phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu sang khối
EU.
Thị trường hôm qua ban đầu phản ứng khá tích cực với các
thông tin trên, nhưng sau đó đổi chiều đi xuống khi giới phân tích bắt đầu bình
luận trái chiều về tác động từ những khoản vay rẻ tới giá trị của đồng USD.
Việc đồng USD tăng hay giảm giá luôn được xem là yếu tố quyết
định tới sự lên xuống của các hàng hóa khác như vàng bạc. Hôm qua, chỉ số USD,
thước đo giá trị đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền khác, đã tăng trở lại mức
79,85 điểm.
Đóng cửa trước đó tại châu Á, đồng USD cũng đã tăng giá trở lại,
sau khi giảm mạnh trong phiên 20/12 sau đợt đấu giá trái phiếu Tây Ban Nha khá
thành công và số liệu chính thức cho thấy lòng tin kinh doanh bất ngờ tăng tại
Đức.
Trên thực tế, vài phiên gần đây, đồng USD đã tăng giá liên tục,
gây sức ép không nhỏ lên giá các mặt hàng khác. Đây là một trong những lý do
quan trọng khiến giá vàng giảm tới 6 phiên trong 8 phiên gần nhất, có lúc còn
xuống dưới 1.600 USD/ounce.
Mặc dù thi thoảng kinh tế châu Âu xuất hiện một số tin tức lạc
quan, song nhìn chung bối cảnh hiện tại và triển vọng tương lai của khu vực này
được nhận định là khá u ám. Đồng Euro cũng bị coi là sẽ giảm giá trong dài hạn.
Hôm 19/12, EU đã kêu gọi nhóm nền kinh tế phát triển và mới nổi
(G20) và các đối tác lớn tăng cường cứu trợ tài chính cho Khu vực đồng Euro
thông qua IMF, do EU không thể hiện thực mục tiêu huy động 200 tỷ Euro cho thể
chế tài chính này.
Theo ông Jean-Claude Juncker, việc Anh từ chối đóng góp tài
chính khiến việc huy động tiền cho IMF gặp khó khăn. Hiện 17 nước Khu vực đồng
Euro chỉ đủ khả năng hỗ trợ 150 tỷ Euro cho IMF thông qua các khoản cho vay
song phương.
Là trụ cột của Eurozone, Đức sẽ là nước đóng góp nhiều nhất với
41,5 tỷ Euro. Kế đó là Pháp với 31,4 tỷ Euro. Các nền kinh tế lớn thứ ba và thứ
tư là Italy và Tây Ba Nha được phân bổ 23,48 tỷ Euro và 14,86 tỷ Euro.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu ra lời cảnh báo trong
năm 2012, Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ phải đối mặt với những khó khăn
tài chính “lớn chưa từng có”, điều có thể dẫn tới một đợt suy thoái kinh tế mới.
Chủ tịch Mario Draghi nhấn mạnh, các ngân hàng và chính phủ
thuộc khối này sẽ phải vay thêm những khoản tiền khổng lồ trong năm 2012 để có
thể cân đối tài chính, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang rất ngần ngại bỏ tiền
vào khu vực này.
Vì vậy, sức ép trên thị trường trái phiếu sẽ rất lớn. Thực tế,
quá trình huy động vốn trên thị trường trái phiếu đối với ngay cả những thành
viên lớn của Khu vực đồng Euro như Italy và Tây Ban Nha đang ngày càng khó
khăn.
Theo ông Draghi, 2012 sẽ là một năm đầy khó khăn đối với các
ngân hàng, nhất là trong quý 1. Tình trạng khan hiếm tín dụng có thể gây ra một
đợt suy giảm nữa trong tăng trưởng kinh tế, và có thể là một cuộc suy thoái.
Theo VnEconomy