Ngày 17/12/2011, tại khách sạn Queen Plaza, TP. Hồ Chí Minh, Vietstock Communications đã tổ chức Hội thảo “Nhận diện cơ hội và rủi ro trong năm 2012” với sự tham dự của các chuyên gia kinh tế và gần 500 doanh nghiệp. Thông qua Hội thảo, các diễn giả đã cung cấp những góc nhìn để doanh nghiệp nhận diện những rủi ro và cơ hội trong năm 2012, từ đó đưa ra những chiến lược phù hợp cho mình trong năm tới.
Với bài phát biểu “Vĩ mô kinh tế 2011 và nhận định cho năm 2012”, Tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã dùng từ “đứng lỳ” khi nói về chính sách tiền tệ của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng bức tranh kinh tế năm 2011 của Việt Nam là một bức tranh tốt, nhưng thực sự kết quả đạt được còn hết sức "mong manh". Ông nói: “Trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài, tình hình kinh tế Việt Nam dường như đang xấu đi. Vì thế một số quỹ của Việt Nam không huy động được vốn từ nước ngoài. Trong bối cảnh ấy, năm 2012, Chính phủ lựa chọn mục tiêu rõ ràng với thông điệp ổn định kinh tế vĩ mô, kéo lạm phát dưới 10% và tái cấu trúc nền kinh tế, có những cải cách quyết liệt mang tính đột phá”. Ông nhấn mạnh: “2012 là năm của những cải cách rất quyết liệt, nghệ thuật điều hành vĩ mô phải hết sức khôn ngoan. Dùng từ chặt chẽ, thận trọng nhưng năm nay Chính phủ sẽ cố gắng linh hoạt, uyển chuyển nhất đối với chính sách tiền tệ để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp”.
Còn với bài phát biểu “Chính sách, giải pháp liên quan đến thị trường chứng khoán”, Tiến sĩ Nguyễn Sơn – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCK Nhà nước cho biết: “Đối với doanh nghiệp, năm 2011 là một năm quá khó khăn. Trên thị trường chứng khoán (TTCK), hàng loạt cổ phiếu trở nên rẻ rúng, khoảng 67% doanh nghiệp niêm yết có thị giá thấp hơn giá trị sổ sách, 38% công ty niêm yết trên HOSE có thị giá dưới mệnh giá và chỉ số này trên HNX là 55%. Ngoài ra, huy động vốn qua thị trường của doanh nghiệp niêm yết gặp khó khăn không kém. Điểm sáng hiếm hoi trong 2011 là huy động vốn qua trái phiếu Chính phủ. Đối với công ty chứng khoán, năm 2011 là một bức tranh rất u ám khi thua lỗ 68%, âm vốn chủ sở hữu. Đặc biệt, yếu tố mất thanh khoản rất nghiêm trọng”. Ông Sơn nhấn mạnh, thời gian tới UBCKNN sẽ có hàng loạt giải pháp để hỗ trợ TTCK phát triển. Ngoài ra, ông Sơn còn công bố 4 trụ cột trong đề án tái cấu trúc TTCK là: Tái cấu trúc công ty chứng khoán, tái cấu trúc hai Sở chứng khoán hiện nay, tái cấu trúc hàng hóa và tái cấu trúc cơ sở các nhà đầu tư.
Cũng tham gia Hội thảo với bài phát biểu “Nhận diện TTCK 2012 qua 5 nhóm nhân tố quan trọng”, Tiến sĩ Quách Mạnh Hào – Phó TGĐ Công ty CPCK Thăng Long dự báo TTCK sẽ không sáng sủa hơn ít nhất là đến tháng 6/2012. Năm nhóm nhân tố quan trọng mà ông đưa ra để nhận định về TTCK là: Tâm lý thị trường, triển vọng kinh tế/lợi nhuận, định giá, đà thị trường/momentum và chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài các bài phát biểu của các chuyên gia, tại Hội thảo, đại diện của gần 500 doanh nghiệp tham dự cũng tham gia thảo luận sôi nổi về những cơ hội, thách thức và rủi ro đang chờ đợi họ trong năm 2012 sắp tới.
Các diễn giả tại Hội thảo: Tiến sĩ Quách Mạnh Hào,
Tiến sĩ Nguyễn Sơn, Tiến sĩ Võ Trí Thành (từ trái sang phải).
Nụ Phạm