Một
công trình nghiên cứu đã lật lại việc định giá VND trong những năm qua, độ sai
lệch của tỷ giá và tác động của nó đối với sức cạnh tranh trong xuất khẩu.
Đây
là công trình nghiên cứu của nhóm tác giả Vũ Quốc Huy, Nguyễn Thu Hằng và Nguyễn
Hải Đăng với chủ đề “Tỷ giá hối đoái giai đoạn 2000 - 2011: Các nhân tố quyết định,
mức độ sai lệch và tác động đối với xuất khẩu”.
Nghiên
cứu trên được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham
mưu, thẩm tra và giám sát chính sách Kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc
hội chủ trì, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt
Nam (UNDP); vừa được hoàn thiện và công bố sáng nay (19/12).
Một
nội dung chính với những kết luận đáng chú ý trong nghiên cứu này là sự lên giá
của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ trong khoảng thời gian một thập kỷ qua.
Cụ
thể, kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả cho thấy, tỷ giá danh nghĩa có xu hướng
tăng trong toàn bộ thập kỷ vừa qua và tăng mạnh hơn từ 2008 đến nay. Xu hướng
theo thời gian được ước lượng cho thấy mức độ mất giá là khoảng 0,4%/quý trong
giai đoạn 2000 - 2007 nhưng đã tăng lên mức 1,8%/quý trong giai đoạn tiếp theo
từ đầu năm 2008, tương đương với mức tăng gấp 5 lần so với giai đoạn trước.
Tuy
nhiên, tỷ giá thực lại có biến động khác biệt. Nó tăng nhẹ vào giai đoạn quý
1/2000 đến quý 3/2003 với xu hướng thời gian bằng 0,75%. Đồng Việt Nam sau đó
đã có xu hướng tăng giá mạnh thực tế trong giai đoạn quý 4/2003 đến quý 4/2008
với tốc độ 1,5%/quý. Đồng thời, khoảng cách giữa hai tỷ giá ngày càng
mở rộng đặc biệt là trong giai đoạn 2008 - 2010.
So với
năm 2000, chỉ số CPI của Việt Nam trong năm 2010 đã tăng tới xấp xỉ 123%
trong khi CPI của Mỹ chỉ tăng 26,7% trong cùng giai đoạn. Tỷ giá danh nghĩa
giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ chỉ tăng xấp xỉ 30,4%. Do vậy, nếu lấy
năm 2000 làm gốc thì đồng Việt Nam đã lên giá thực tế xấp xỉ 25,9%. Thậm
chí nếu tính cả lần phá giá 9,3% vào tháng 2/2011, tình hình cũng
không được cải thiện do tỷ lệ lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2011 đã
lên đến 13,29% so với tháng 12/2010.
Đến
hết năm 2010 đồng USD cũng đã mất giá khá nhiều so với đồng tiền của các đối
tác thương mại lớn của Việt Nam. Nhưng mặc dù cùng lên giá theo chiều hướng
chung, nhưng đồng Việt Nam vẫn lên giá nhiều hơn so với các đồng tiền ở
châu Á như đô la Singapore, đồng Won Triều Tiên, Ringgit Malaysia và Nhân
dân tệ.
“Sự
lên giá thực của đồng Việt Nam làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng
hóa xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới”, nhóm nghiên cứu
nhìn nhận.
Theo
giới thiệu của nhóm tác giả, trong công trình trên, lần đầu tiên ở Việt Nam mức
độ sai lệch về tỷ giá (exchange rate misalignment) được đưa ra dựa trên một mô
hình kinh tế lượng tương đối đơn giản và đã được thử nghiệm để tính toán mức độ
sai lệch tỷ giá cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Và kết
quả ước lượng tỷ giá thực hữu hiệu dài hạn và tính toán độ sai lệch của tỷ giá
cũng đã khẳng định một thực tế là đồng tiền của Việt Nam đã liên tục bị định
giá cao trong 3 năm đầu của thập kỷ vừa qua và tiếp tục xu hướng đó trong 3 năm
gần đây với mức độ còn nghiêm trọng hơn trước. Xen giữa hai giai đoạn này là
giai đoạn mà đồng tiền bị định giá thấp nhưng không ổn định và có lúc bị lệch tới
20% trước khi khủng hoảng toàn cầu xảy ra.
Nhóm
tác giả cho rằng kết quả đó cần phải kiểm tra thêm, bao gồm cả các phân tích độ
nhạy cảm của việc lựa chọn mô hình và các biến số. Tuy nhiên, kết quả này đã
cho thấy có rất nhiều vấn đề trong cách mà Chính phủ và Ngân hàng Trung ương điều
hành chính sách tỷ giá.
Từ
đó, có những câu hỏi được đặt ra: Có phải sự sai lệch về tỷ giá này là kết quả
của các hành động có chủ ý nhằm một mục đích chính sách nào đó hay không, và
các cơ quan chức năng có nhận biết được sự sai lệch về tỷ giá và có biện pháp
nào để giảm bớt sự sai lệch này hay không? Ảnh hưởng của sự sai lệch tỷ giá đối
với một số chỉ số kinh tế là như thế nào?
Đó
là những câu hỏi dành cho các nhà quản lý, và điều quan trọng như trong câu hỏi
trên là họ có nhận biết được sự sai lệch về tỷ giá hay không. Còn điểm mà nhóm
tác giả tập trung là những tác động của nó, cũng như của tỷ giá nói chung đối với
xuất khẩu của Việt Nam.
Kết
quả nghiên cứu của họ cho thấy tỷ giá có ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu, và tác động
của nó phụ thuộc vào cả hai yếu tố: sản phẩm xuất khẩu và thị trường xuất khẩu.
Kết
luận trên có thể không hoàn toàn mới nhưng nó tái khẳng định khả năng sử dụng
công cụ tỷ giá trong việc thúc đẩy xuất khẩu. Nhiều mặt hàng Việt Nam đã có lợi
thế xuất khẩu như dệt may, giày da, đồ gỗ, thiết bị điện tử có phản ứng tích cực
đối với việc giảm giá đồng Việt Nam. Tuy nhiên, việc có nên sử dụng công cụ tỷ
giá trong bối cảnh hiện nay hay không cần phải tính toán đến các yếu tố và mục
tiêu khác trong nền kinh tế. Bởi những lo ngại về tác động bất lợi của giảm giá
đồng Việt Nam đến lạm phát, khả năng trả nợ, tình hình tài chính của các doanh
nghiệp liên quan đến nợ nước ngoài là những lo ngại chính đáng, cần được xem
xét…
Theo VnEconomy