|
Những "sóng gió’
xảy ra đối với đồng Euro trong thời gian gần đây sẽ tác động không nhỏ tới các
doanh nghiệp Việt Nam.
Xuất phát từ ý tưởng
về một châu Âu thống nhất, nhất thể hóa về kinh tế, chính trị và quân sự, năm
1998, 17 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đã từ bỏ đồng tiền riêng của
mình và cho ra đời đồng Euro.
Thăng trầm của đồng
Euro
Không chỉ là biểu
tượng cho sự hội nhập của châu Âu, việc ra đời đồng Euro đã tạo ra sự thay đổi
lớn trong hệ thống tiền tệ thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Đó là
những thay đổi trong việc thanh toán các loại dịch vụ và buôn bán quốc tế, kể
cả các giao dịch trên thị trường chứng khoán. Đồng Euro đã trở thành một phương
tiện thanh toán tương đối ổn định và có sức chuyển đổi cao, khiến Euro dần trở
thành một trong những kênh đầu tư an toàn. Bên cạnh đồng USD dự trữ như trước
đây thì ngân hàng trung ương các nước có thêm một sự lựa chọn nữa là đồng Euro.
Trên thực tế, dự trữ ngoại hối của các quốc gia trên thế giới bằng đồng Euro có
xu hướng tăng lên chứng tỏ Euro đã được các công ty và chính phủ các nước chấp
nhận như là một ngoại tệ mạnh. Khi mới đưa vào lưu hành, giá trị 1 Euro gần
bằng 1 USD, nhưng sau đó đồng Euro tăng giá trị và có những thời điểm trong năm
2008 1 Euro đổi được 1,6 USD. Khu vực Eurozone chỉ chiếm 16,5% sản lượng kinh
tế toàn cầu, nhưng đồng Euro lại chiếm tới 27% dự trữ ngoại hối của thế giới.
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, tỷ trọng của Euro trong quỹ dự trữ của các ngân
hàng trung ương trên thế giới liên tục tăng, năm 2005 đạt 24,3% (của USD là
66,4%) và cho tới cuối năm 2007 đã là khoảng 27,8% .
Vị trí quan trọng thứ
hai tại Việt Nam
Đối với Việt Nam,
đồng Euro có vị trí quan trọng trong thanh toán quốc tế, hoạt động ngoại thương
và trong đời sống xã hội. Cũng giống như ở nhiều nước khác trên thế giới, sự ra
đời của đồng Euro đã đem đến cho nhà nước, các nhà đầu tư và người dân thêm một
sự lựa chọn trong giao dịch thương mại và dự trữ ngoại hối. Cho tới trước năm
1999, tỷ trọng đồng Euro trong dự trữ quốc tế của Việt Nam chỉ dưới 5%, nhưng 3
năm sau con số này đã tăng gấp đôi và nhanh chóng đạt tỷ lệ 15-20% sau 4 năm
chính thức được sử dụng. Chiếm tỷ trọng khoảng 20% trong tổng kim ngạch xuất
khẩu của Việt Nam và tăng trưởng kim ngạch buôn bán đạt trung bình 25%/năm liên
tục trong 4 năm trở lại đây, EU luôn là đối tác xuất khẩu lớn nhất của ta, điều
đó càng giúp khẳng định và củng cố vị thế của đồng Euro ở Việt Nam.
Cục Xúc tiến Thương
mại Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam vào thị
trường EU đạt 7,4 tỷ USD, chiếm 17,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, và tăng
49,1% so với 6 tháng năm 2010. Cao su nguyên liệu, hàng thủ công mỹ nghệ, giày
dép, may mặc, thủy sản, cà phê, chè, hạt tiêu,… là những mặt hàng xuất khẩu chủ
lực của Việt Nam sang thị trường EU. Bên cạnh đó, trong quản lý dự trữ quốc tế
của Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước có quan hệ tài khoản tiền gửi và quan hệ đại
lý với 60% các ngân hàng trung ương châu Âu. Chính sách quản lý tiền tệ của ta
cũng xác định về lâu dài cần tiếp tục nâng tỷ trọng đồng Euro. Thay vì chỉ được
gắn chặt vào USD, chính sách điều hành tỷ giá cũng có thêm sự lựa chọn và trở
lên linh hoạt hơn với sự có mặt của đồng Euro trong rổ tiền tệ.
Việt Nam chưa xây
dựng được chính sách đặc thù chưa tận dụng được hết tiềm năng xuất khẩu vào
các thị trường cận biên
|
Ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong
giai đoạn thịnh vượng của đồng Euro, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều
tranh thủ tối đa thế mạnh của đồng tiền này so với USD để nâng cao tính cạnh
tranh cho sản phẩm xuất khẩu. Như vậy, với khoảng 10-20% giao dịch thanh toán
thương mại bằng ngoại tệ là bằng Euro, có thể nói Euro đóng vai trò quan trọng
thứ 2, sau USD trong lĩnh vực tiền tệ ở Việt Nam.
Lường tới kịch bản
xấu nhất
Sự tan vỡ của khối
đồng tiền chung châu Âu và kéo theo nó là biến mất của đồng Euro là điều không
ai muốn. Các nước thuộc khu vực Eurozone cũng như cộng đồng quốc tế đang nỗ lực
để ngăn chặn kịch bản này. Nhưng có một điều chắc chắn là khu vực này sẽ cần phải
mất nhiều thời gian và nỗ lực hơn nữa mới có thể khôi phục đà tăng trưởng. Đối
mặt với tình trạng khủng hoảng hiện nay, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt
Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xác định EU là thị trường chủ lực như dệt
may, thủy hải sản, giày da sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Theo dự
báo, tình hình xuất khẩu sang thị trường EU trong năm 2012 sẽ gặp rất nhiều khó
khăn. Chẳng hạn, xuất khẩu ngành dệt may, bên cạnh sự tác động của nhiều yếu tố
bất lợi như giá nhân công, chi phí đầu vào tăng cao, sẽ chịu tác động mạnh từ
khủng hoảng nợ công châu Âu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân và doanh
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất áo sơmi, quần âu bị hủy hợp đồng, thậm
chí không ký được đơn hàng cho quý 1/2012. Ngoài ra, nguồn vốn viện trợ phát
triển chính thức (ODA) hay FDI cho Việt Nam đến từ các nước thuộc Liên minh
châu Âu sẽ được cân nhắc thận trọng và xu hướng chung là sẽ giảm trong một hai
năm tới.
Những biện pháp phòng
ngừa cho kịch bản xấu nhất đối với Eurozone đã được nhiều nước, doanh nghiệp
lớn chuẩn bị, đi đầu là các ngân hàng của Anh. Giáo sư David Myddelton, Giám
đốc Viện các vấn đề kinh tế London tin rằng, việc sử dụng một đồng tiền duy
nhất cho khối là không hiệu quả và việc tan vỡ là khó tránh khỏi, chính vì vậy
nhà nước và các doanh nghiệp cần phải sẵn sàng cho điều này.
Cùng với quá trình
hội nhập ngày càng sâu và rộng vào kinh tế thế giới, tác động của cuộc khủng
hoảng nợ công châu Âu tới Việt Nam ngày càng rõ nét hơn. Để đối phó hiệu quả
với tình trạng hiện nay, ở tầm vĩ mô Việt Nam cần xây dựng kế hoạch chiến lược
về vay nợ công phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch thu,
chi ngân sách nhà nước; đảm bảo tính bền vững về quy mô và tốc độ tăng trưởng
của nợ công; kiểm soát tốt tỷ lệ nợ công ở mức an toàn; công khai, minh bạch và
thực hiện tốt việc giải trình trong quản lý nợ công. Bên cạnh đó, Nhà nước cần
hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh sức cạnh tranh trong xuất khẩu, giảm nhập
siêu, đa dạng hóa các đối tác xuất khẩu, tránh quá tập trung vào các thị trường
lớn như EU. Đồng thời, tăng cường đầu tư vào các nước láng giềng gần gũi như
Lào, Campuchia, Myanmar, kể cả trong lĩnh vực tiền tệ, xem đó là kênh để kiểm
soát các yếu tố kinh tế cơ bản của nước được đầu tư. Để khơi thông thị trường
xuất khẩu cho hàng Việt Nam trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần khai thác
nhiều hơn nữa tiềm năng mậu dịch biên giới. Mậu dịch biên giới từ lâu luôn là
kênh quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu hàng hóa, nhất là
với hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng không đòi hỏi quá cao. Hiện các
thị trường cận biên như Lào, Campuchia, Trung Quốc đang đóng góp đáng kể vào
kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên thời gian qua, Việt Nam chưa xây
dựng được chính sách đặc thù cũng như chưa tận dụng được hết tiềm năng xuất
khẩu vào thị trường này.
Theo BaoMoi
|