Trong báo cáo mới
nhất có tên "Triển vọng kinh tế châu Á - Cơn bão của sự bất ổn", ông
Tai Hui -Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế Đông Nam Á của Standard Chartered
Bank, đưa ra những cảnh báo bắt đầu từ sự hồi tưởng tới cuộc đại suy thoái.
Tại Việt Nam, giới
kinh doanh khá quan tâm đến những bản báo cáo thường kỳ mà ông Tai Hui đưa ra.
Trong lần đến Việt Nam hồi tuần trước, ông đã mang đến những dự báo không mấy
tích cực về nền kinh tế thế giới năm 2012.
Thế giới: "Mây
đen" bao phủ bầu trời
So sánh những số liệu
của cuộc đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước với giai đoạn từ 2007 và
dự kiến đến 2016, ông Tai Hui lo ngại những gì đang diễn ra tại Mỹ khiến người
ta hồi tưởng lại quá khứ. Hiện nay tỷ lệ người có việc làm tại nền kinh tế lớn
nhất thế giới này đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1984. Nguy hiểm hơn là
thời gian thất nghiệp trung bình của người lao động Mỹ tính đến tháng 6 vừa qua
đã lên tới khoảng 40 tuần. Theo ông Tai Hui, điều này sẽ khiến cho họ càng khó
tìm được việc làm mới, và do đó dẫn tới việc chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ sẽ
càng bị hạn chế, từ đó tác động ngược lại tới sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Với châu Âu, các số
liệu khảo sát cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế là rất hiện hữu. Chỉ số niềm
tin kinh tế hiện đang có xu hướng đi xuống và đứng ở mức dưới mức trung bình
dài hạn. Các chỉ số quan trọng khác như công nghiệp và dịch vụ cũng đang theo chiều
hướng tương tự. Đặc biệt, sự lo lắng gia tăng với các nước thuộc khu vực ngoại
vi đồng Euro với mức tăng trưởng kinh tế được dự báo là rất kém của khu vực này
trong năm tới. Tại khu vực đồng Euro, ông Tai Hui cho rằng môi trường kinh tế
tại đây rất dễ đổ vỡ do những rủi ro chính như: sự leo thang của cuộc khủng
hoảng thuộc khu vực ngoại vi đồng Euro và sự tiếp tục sụt giảm của hoạt động
thương mại toàn cầu. Lý giải về nguyên nhân gây ra sự leo thang có thể có của
cuộc khủng hoảng thuộc khu vực ngoại vi đồng Euro, ông Tai Hui chỉ ra những
quan ngại như: sự hoài nghi về khu vực đồng Euro với gói cứu trợ gia tăng ở
phía bắc khu vực này; chính sách thắt chặt tiền tệ trong khu vực ngoại vi đồng
Euro; nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp gây náo loạn và đe dọa lây lan sang các nước
khác; suy thoái không thể tránh khỏi ở châu Âu sẽ như cú sốc phá hủy niềm tin
khiến thị trường liên ngân hàng đóng băng và do đó các ngân hàng thương mại có
thể phá sản.
Trong khi những dự
báo về tình hình kinh tế Mỹ và châu Âu trong năm tới là u ám thì ở khu vực châu
Á bức tranh có phần sáng sủa hơn. Đà tăng trưởng đang quay trở lại với khu vực
này bất chấp mức tăng trưởng xuất khẩu có chậm lại. Trung Quốc và Ấn Độ - hai
nền kinh tế lớn của châu Á - được dự báo sẽ vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng
trong năm 2012, với mức tăng tương ứng là 8,5% và 7,8%. Trong khi đó những nền
kinh tế mới phát triển tại đây như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Hồng Kông
được dự báo sẽ chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng ở quanh mức 3,5%.
Việt Nam: Bóng ma lạm
phát lùi dần
Standard Chartered
Bank dự báo 11,3% là mức lạm phát của Việt Nam trong năm 2012
|
Cũng giống như các tổ chức dự báo
kinh tế cả trong và ngoài nước khác, vị đứng đầu của bộ phận nghiên cứu kinh tế
khu vực Đông Nam Á này của SCB cho rằng mối quan ngại số 1 đối với Việt Nam
trong năm 2012 vẫn sẽ là vấn đề lạm phát. Áp lực của sự phá giá đồng tiền, giá
điện và giá xăng dầu tăng và nhu cầu nội địa mạnh mẽ là những nhân tố góp phần
làm cho lạm phát vẫn ở mức cao. Trong khi mức lạm phát dự báo cho Việt Nam ở
cuối năm nay vào khoảng 18,7%, tức là gần tương đương với mức dự báo của Chính
phủ Việt Nam, thì con số này cho năm tới ở vào khoảng 11,3%. Đáng chú ý là lạm
phát ở Việt Nam chỉ giảm mạnh từ mức 17% cho quý 1 năm sau xuống mức 10,9% cho
quý 2, 8,9% cho quý 3 và cuối cùng là mức 7,9% cho quý 4.
Do khó khăn tại châu
Âu và Mỹ vẫn còn đó nên ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động thương mại của
Việt Nam là khó tránh khỏi vì đây là những đối tác thương mại quan trọng của
Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác, đặc biệt
là Nhật Bản và Trung Quốc, vẫn tiếp tục tăng nên tăng trưởng xuất khẩu của Việt
Nam trong năm tới được dự báo vẫn tốt hơn khu vực. Do vậy, theo Standard
Chartered Bank, thâm hụt thương mại trong năm tới của Việt Nam sẽ vẫn tương tự
như năm 2011, khoảng 10 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, ông Tai Hui cũng cảnh báo, nếu
giá thép và dầu tăng sẽ ảnh hưởng không tốt tới thâm hụt thương mại của Việt
Nam. Không giống như lạm phát, do trong vòng 2-3 năm trở lại đây thâm hụt
thương mại của Việt Nam khá ổn định nên ông Tai Hui cho biết đây chưa phải là
mối quan tâm hàng đầu của ông trong năm 2012.
Một điểm đáng chú ý
là, trong khi dự báo tỷ giá VND/USD sẽ đứng ở mức 21.000 đồng/USD vào cuối năm
nay thì mức này lại được vị đại diện của SCB cho là sẽ vào khoảng 21.400
đồng/USD vào quý 1 năm sau và tăng lên 22.000 đồng/USD vào quý 3 năm sau. Vị
thế của đồng đô la Mỹ được củng cố trên toàn cầu và nhu cầu cần phải giữ được
một mức thâm hụt thương mại tương đối ổn định của Việt Nam chính là cơ sở cho
những dự báo này.
Về tăng trưởng kinh
tế, ông Tai Hui nhìn nhận, nếu nhìn lại những năm trước, tăng trưởng kinh tế
của Việt Nam luôn ở mức 7-7,5%. Tuy nhiên đi kèm với nó là tỉ lệ lạm phát khá
cao. Với bối cảnh kinh tế bên ngoài cũng như cấu trúc bên trong của kinh tế
Việt Nam hiện tại, ông cho rằng mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2012
là phù hợp. "Mức tăng trưởng này sẽ giúp nền kinh tế tiếp tục được cải
thiện, đồng thời không gây ra lạm phát tăng vọt", ông Tai Hui nói.
Với mức tăng trưởng
GDP nói trên và để đảm bảo kéo lạm phát về quanh mức 10% vào thời điểm cuối năm
sau, ông Tai Hui cho rằng Việt Nam chỉ nên đặt mức tăng trưởng tín dụng ở mức
15-17% cho năm tới. Và cũng giống như ở Việt Nam, ông Tai Hui cho biết các nhà
đầu tư nước ngoài đang đặc biệt quan tâm tới những vấn đề của ngành ngân hàng
Việt Nam. Để tránh gây ra những cú sốc cho nền kinh tế và để đảm bảo gửi đúng
thông điệp tới thị trường, ông Tai Hui cho rằng lãi suất ngân hàng phải được
giảm xuống một cách từ từ, nhưng thường xuyên. Với việc tái cấu trúc hệ thống
ngân hàng thương mại Việt Nam - một vấn đề thời sự hiện nay tại Việt Nam - ông
này cho rằng cần phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề nâng cao năng lực tài chính
của các ngân hàng, cải thiện năng lực điều hành và khả năng trị rủi ro, nâng
cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng.
Theo DDDN