Một
trong những lý do khiến bức tranh kinh tế toàn cầu tuần qua thêm u ám, đẩy lùi
thị trường hàng hóa toàn cầu, là việc các tổ chức định mức tín nhiệm đua nhau cảnh
báo và hạ bậc tín dụng của những quốc gia, ngân hàng ở châu Âu.
Từ cảnh
báo
Ngay
đầu tuần giao dịch (12/12), Moody’s đã phủ bóng đen lên thị trường chứng khoán
thế giới khi đưa ra nhận định rằng, việc thiếu vắng các biện pháp chính sách
kiên quyết nhằm bình ổn thị trường trong ngắn hạn đồng nghĩa với việc Khu vực đồng
Euro và Liên minh châu Âu nói chung vẫn phải chịu tác động bởi những chấn động
mới.
Điều
đáng chú ý là tuyên bố này của Moody’s được đưa ra chỉ hai ngày sau khi kết
thúc hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu với việc các nước đồng thuận thắt
chặt kiểm soát hơn nữa hệ thống tài chính và thâm hụt ngân sách quốc gia, điều
đã giúp thị trường chứng khoán phiên 9/12 tăng điểm mạnh mẽ trở lại.
Tiếp
sau động thái của Moody’s, tổ chức Fitch Ratings ra tuyên bố cho rằng, sự thất
bại của Liên minh châu Âu trong việc đưa ra một giải pháp toàn diện đối với cuộc
khủng hoảng nợ khu vực đã gia tăng áp lực lên xếp hạng tín nhiệm của các quốc
gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu trong ngắn hạn.
Cùng
với việc trước đó Standard & Poor's cho hay về khả năng hạ mức xếp hạng tín
nhiệm của 15 quốc gia Khu vực đồng Euro, trong đó có Đức, Pháp, Hà Lan, Phần
Lan và Áo, những nước có mức xếp hạng tín dụng cao nhất AAA với dự báo "ổn
định", giới đầu tư đã bán tháo trái phiếu Tây Ban Nha và Italy, khiến chứng
khoán toàn cầu chìm sâu.
Tới
hành động
Tuy
nhiên, không dừng lại ở những cảnh báo, các tổ chức này còn liên tiếp hạ bậc
các cơ quan tài chính, bảo hiểm, ngân hàng ở khu vực châu Âu, khiến giới đầu tư
toàn cầu thêm bất an về triển vọng kinh tế toàn cầu trước tình cảnh tương lai
châu Âu ngày càng hũ nút.
Hôm
13/12, Fitch Ratings đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của hai công ty bảo hiểm khổng
lồ của Italy là Generali và Fondiaria-SAI, với lý do là cuộc khủng hoảng nợ
công kéo dài tại Italy và Tây Ban Nha đã tác động tiêu cực tới hoạt động và khả
năng tài chính của các tổ chức bảo hiểm này.
Fitch
đã hạ bậc tín nhiệm của Generali từ A- xuống mức AA- cùng với những đánh giá về
triển vọng không mấy sáng sủa. Trong khi đó, Fondiaria-SAI cũng bị hạ một bậc từ
BB+ xuống BB-.
Các chuyên gia của Fitch nêu rõ hai hãng bảo hiểm
trên khó tránh được những thua lỗ trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đang làm
chao đảo nền kinh tế Italy. Tuy nhiên, Fitch không loại trừ khả năng xem xét
nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Generali và Fondiaria-SAI nếu "căn bệnh"
nợ công được chữa trị và có dấu hiệu cải thiện.
Tiếp
đó, ngày 14/12, Fitch hạ bậc xếp hạng nợ đối với năm ngân hàng thương mại châu
Âu. Cụ thể, Fitch đã hạ mức xếp hạng về khả năng vỡ nợ dài hạn đối với Banque
Federative du Credit Mutuel, Credit Agricole và OP Pohjola Group từ AA- xuống
A+, của Danske Bank từ A+ xuống A, của Rabobank Group từ AA+ xuống AA.
Động
thái trên diễn ra sau khi Fitch tiến hành đánh giá các ngân hàng lớn của châu
Âu. Theo Fitch, năm ngân hàng trên đã cải thiện tình trạng vốn và thanh khoản,
là điều tích cực đối với mức xếp hạng nợ của họ. Điều đó đã giúp những ngân
hàng này giữ mức xếp hạng của họ khỏi bị tụt hơn một bậc.
Fitch
cho rằng việc hạ bậc xếp hạng tín dụng của Danske Bank và Credit Agricole phản
ánh khả năng dễ bị tổn thương của các chi nhánh thuộc những ngân hàng này đối với
những nước Eurozone đang gặp khó khăn. Hãng này nhấn mạnh ngành ngân hàng đang
đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực sử dụng đồng Euro.
Cuộc
khủng hoảng sẽ tác động gián tiếp tới các ngân hàng khác. Các thị trường vốn sẽ
không hoạt động hiệu quả. Những nhân tố không chắc chắn về cách thức giải quyết
cuộc khủng hoảng, cộng với những biện pháp khắc khổ được một số nước châu Âu áp
dụng, sẽ tác động tiêu cực tới các ngân hàng thương mại, đặc biệt là khu vực
Nam Âu và Ireland.
Cùng
với Fitch, Standard & Poor's cũng hạ bậc xếp hạng tín nhiệm 10 ngân hàng
Tây Ban Nha và cho biết sẽ tiếp tục theo dõi hạ bậc của các ngân hàng này sau
khi xem xét xếp hạng tín nhiệm của Tây Ban Nha. Standard & Poor's cho biết,
lý do là hãng áp dụng các tiêu chuẩn xếp hạng tín nhiệm và phương pháp đánh giá
mới đối với các ngân hàng.
Một
ngày sau, hôm 15/12, Fitch lại đưa thêm 6 ngân hàng toàn cầu khác là Bank of
America, Goldman Sachs của Mỹ, Barclays của Anh, BNP Paribas (Pháp) và Deutsche
Bank (Đức) và Credit Suisse của Thụy Sĩ vào diện đánh tụt bậc xếp hạng tín dụng
dài hạn do thách thức kinh doanh gia tăng và nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn
cầu.
Fitch
nhấn mạnh những thách thức trên xuất phát từ những diễn biến về phát triển kinh
tế và những thay đổi về các quy định trong ngành ngân hàng. Các ngân hàng đã bị
giám sát kể từ khủng hoảng 2008, bị ràng buộc bởi nhiều quy định sau khi họ góp
phần đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái và đang đối mặt với các điều kiện thị
trường nghiêm ngặt hơn.
Theo
Fitch, những ngân hàng này đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc huy động vốn
và củng cố thanh khoản để chống đỡ với các cú sốc, nhưng vẫn dễ tổn thương do
lòng tin và tâm lý thị trường.
Ngoài
ra, sự phức tạp trong các mô hình kinh doanh khiến việc đánh giá quy mô thua lỗ
- có thể phát sinh nhanh chóng từ những sự kiện bất ngờ - trở nên khó khăn hơn.
Fitch dự báo việc tiếp tục củng cố trong ngành ngân hàng do những điều kiện thị
trường mới - trong đó có lợi nhuận giảm và chi phí tăng - sẽ gây khó khăn cho
ngành này.
Và
cao trào
Việc
các tổ chức tín nhiệm đua nhau hạ bậc các ngân hàng, công ty bảo hiểm khu vực
châu Âu đã khiến thị trường toàn cầu chao đảo dữ dội, song cao trào lại là việc
Bỉ bị Moody’s đánh tụt bậc tín dụng và Pháp bị Standard & Poor’s và Fitch
Ratings cho vào tầm ngắm.
Hôm
16/12, Moody’s đã hạ 2 bậc xếp hạng tín dụng của Bỉ vì cho rằng, khủng hoảng nợ
công của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ gia tăng nguy cơ đối với nguồn quỹ
cho những nước đang có gánh nặng nợ công cao, trong đó có Bỉ.
Moody’s
hạ xếp hạng trái phiếu chính phủ của nước này từ Aa3 xuống Aa1 và cho biết, quyết
định này dựa trên những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế và hệ thống
ngân hàng của Bỉ mà cụ thể là những khó khăn trong việc cứu trợ cho Tập đoàn
tài chính liên doanh Pháp – Bỉ Dexia.
Moody’s
nhận định trong thông báo: “Sự yếu kém của các thị trường nợ công tại Eurozone
ngày càng trầm trọng và tình thế khó có thể thay đổi trong tương lai gần”. Cơ
quan xếp hạng tín dụng này cũng không đưa ra các dự báo lạc quan đối với nền
kinh tế Bỉ, nghĩa là trong một vài năm tới mức xếp hạng còn có thể bị hạ thêm nữa.
Cùng
ngày, Fitch đưa mức xếp hạng AA+ của Bỉ vào diện xem xét hạ bậc, tín hiệu cho
thấy tổ chức này có thể hạ bậc tín nhiệm của Bỉ trong vòng 3 tháng tới. Đồng thời,
Fitch hạ triển vọng tín nhiệm của một nền kinh tế khác của châu Âu là Pháp từ “ổn
định” xuống “tiêu cực”.
Theo
đó, Fitch giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm AAA của Pháp nhưng thay đổi triển vọng
sang “tiêu cực”. Đồng thời, tổ chức này đưa xếp hạng tín nhiệm của Tây Ban Nha,
Ý, Bỉ, Slovenia, Ireland và Cyprus vào diện theo dõi hạ bậc, dự kiến kết thúc
vào cuối tháng 1/2012.
Trong
khi giới phân tích kinh tế tại Anh rộ lên tin đồn Pháp sắp bị Standard &
Poor’s đánh tụt bậc tín nhiệm, đồng nghĩa với việc thành viên lớn thứ hai của
Khu vực đồng tiền chung châu Âu bị cuộc khủng hoảng nợ công đe dọa và đồng tiền
chung Euro bị đẩy gần hơn tới bờ vực tan rã.
Tờ
Guardian của Anh cho rằng, nếu bị đánh tụt hạng tín nhiệm, Pháp sẽ gặp khó khăn
hơn nữa khi muốn vay tiền trên các thị trường tài chính quốc tế hoặc phải vay với
giá đắt đỏ, giữa lúc nhiều người nghi ngờ về những cam kết cứu vãn Khu vực đồng
Euro đưa ra trong các cuộc họp thượng đỉnh của Liên minh châu Âu gần đây.
Các
nhà phân tích cho biết nếu bị đánh tụt hạng tín nhiệm, lãi suất đi vay của Pháp
sẽ tăng lên, khiến việc chi trả những món nợ hiện có của nước này thêm đắt đỏ.
Bị mất điểm tín nhiệm, khả năng đóng góp của Pháp trong Quỹ Bình ổn Tài chính
châu Âu (EFSF) cũng như đóng góp cho các nhu cầu đột xuất khác, cũng bị ảnh hưởng
nặng nề.
Lãi
suất trái phiếu của chính phủ Pháp hiện đã tăng cao hơn ít nhất 1 điểm phần
trăm so với trái phiếu của Đức. Để thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ
hiện có, trả lãi vay và vay mới, Pháp sẽ cần huy động khoảng 400 tỷ Euro trong
năm 2012. Việc lãi suất tăng thêm 1% sẽ khiến Pháp thiệt hại 4 tỷ Euro mỗi năm.
Theo VnEconomy