Có thể nói quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong những
năm gần đây đã phát triển tốt đẹp chưa từng có trong lịch sử quan hệ gần 40 năm
kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973.
Hiệu quả tốt trong hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp và đầu
Hiện nay hai nước đang triển khai xây dựng quan hệ đối tác chiến lược
toàn diện. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước trong 2 năm qua, trong
đó có chuyến thăm Việt Nam tháng 10/2010 của Thủ tướng Nhật Bản - Naoto Kan và
chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 31/10 đến 2/11/2011 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong 2 năm liền lãnh đạo cấp cao hai nước đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật
Bản về Đối tác Chiến lược vì Hòa bình và Phồn vinh châu Á (tháng 10/2010) và
Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản về cụ thể hóa và làm sâu sắc quan hệ Đối tác
Chiến lược Việt Nam - Nhật Bản (tháng 10/2011). Với việc công nhận Việt Nam là
nền kinh tế thị trường, Nhật Bản trở thành nước G7 đầu tiên dành quy chế này
cho Việt Nam.
Về thương mại, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác hàng đầu của
Việt Nam, hiện đang đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Mỹ, là thị trường xuất khẩu
thứ 3 có cán cân thương mại tương đối cân bằng. Về hợp tác công nghiệp, Nhật
Bản hiện là đối tác hàng đầu của Việt Nam với những tiềm năng của một nước có
công nghệ nguồn, đặc biệt là công nghiệp chế tạo. Điểm nổi bật là hai Thủ tướng
đã ký các thỏa thuận về hợp tác xây dựng lò phản ứng của Nhà máy Điện hạt nhân
Ninh Thuận 2 và hợp tác khai thác, chế biến đất hiếm mỏ Đông Pao (Lai Châu). Về
đầu tư, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn thứ 4 về tổng vốn đăng ký, nhưng đứng
đầu về tổng vốn thực hiện. Riêng năm 2011 (tính đến hết tháng 11) Nhật Bản đứng
thứ 2 về vốn đăng ký mới.
Năm 2011 Nhật Bản phải chịu đại thảm họa động đất, sóng thần và khủng
hoảng hạt nhân trầm trọng, nhưng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công
nghiệp và đầu tư giữa hai nước vẫn phát triển mạnh mẽ. Riêng về thương mại,
theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại giữa hai
nước từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2011 đạt 16,945 tỷ USD, tăng 25,27% so với
cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật đạt 8,543 tỷ USD,
tăng 37,72%. Dự kiến, kim ngạch hai chiều năm 2011 sẽ đạt khoảng 20,3 tỷ USD,
xuất khẩu đạt 10,3 tỷ USD.
Triển vọng năm 2012
Trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu năm 2012 sẽ tiếp tục được phục
hồi, kinh tế Nhật Bản sẽ cơ bản hồi phục sau thảm họa và tăng trưởng khá hơn,
tuy với tốc độ tăng không cao với mức tăng trưởng GDP của năm tài chính 2012
(từ ngày 1/4/2012-31/3/2013) thực chất được dự kiến là khoảng 2,2%. Nhìn chung,
các ngành sản xuất và dịch vụ của Nhật sẽ hồi phục và tăng trưởng, nội nhu sẽ
tăng do nhu cầu tái thiết đất nước.
Thị trường Nhật năm 2012 tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chắc chắn sẽ
mở ra thuận lợi.
Quan hệ kinh tế, thương mại, công nghiệp và đầu tư Việt Nam-Nhật Bản
chắc chắn sẽ tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược
với những nội hàm đã được xác định rộng rãi và cụ thể. Các hiệp định Đối tác
Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) và Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản
(AJCEP) ngày càng phát huy tác dụng, nhu cầu tăng nhập khẩu hàng hóa từ nước
ngoài của Nhật Bản và nhu cầu chuyển sản xuất ra nước ngoài của các doanh
nghiệp Nhật đang diễn ra mạnh, tạo nên làn sóng đầu tư mới vào các nước châu Á,
trong đó có Việt Nam, đồng thời xu hướng chuyển sang mua hàng Việt Nam của
nhiều doanh nghiệp Nhật,v.v… Đó là những nhân tố tích cực tạo điều kiện thuận
lợi cho quan hệ kinh tế, thương mại, công nghiệp và đầu tư giữa hai nước phát
triển.
Nhiều mặt hàng Việt Nam từ lâu đã thâm nhập và có chỗ đứng khá tại thị
trường, trước hết là các mặt hàng may mặc, thủy sản, đồ gỗ, cà phê, sản phẩm
nhựa, đồ da, giày dép, dây và cáp điện, sản phẩm điện tử và linh kiện,v.v…
Trong năm tới, thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn tiếp tục có
nhiều thuận lợi.
Về hợp tác công nghiệp, hiện nay và trong nhiều năm tới, Nhật Bản vẫn là
đối tác hàng đầu của Việt Nam. Đẩy mạnh hợp tác công nghiệp với các nước châu Á
là chủ trương nổi bật của Chiến lược tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2010-2020
của Nhật Bản. Trong công thức China+ Nhật Bản muốn chọn Việt Nam là 1 trong 2
đối tác ưu tiên hàng đầu để phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, công nghiệp
và đầu tư. Lúc này chính là cơ hội rất tốt cho Việt Nam. Các lĩnh vực công
nghiệp có thể hợp tác rất rộng, bao gồm từ công nghiệp nhẹ đến các ngành công
nghiệp nặng, công nghệ cao và công nghiệp điện hạt nhân.
Để tăng nhanh, tăng mạnh và bền vững xuất khẩu sang Nhật Bản, doanh
nghiệp Việt Nam cần phải làm tốt các việc chính sau đây:
- Khai thác mạnh và triệt để nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản đối với các
loại mặt hàng, trước hết là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh.Trong đó, lưu
ý khai thác tốt nhu cầu của thị trường nhập khẩu hàng hóa phục vụ phục hồi và
tái thiết đất nước và hàng hóa bù đắp cho thiếu hụt nguồn cung nội địa hiện
đang diễn ra.
- Nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, thường xuyên cải tiến mẫu mã để
đáp ứng yêu cầu cao của thị trường.
- Đảm bảo đáp ứng yêu cầu số 1 đối với nông sản, thủy sản và thực phẩm
nói chung nhập khẩu là vệ sinh, an toàn thực phẩm theo Luật Vệ sinh an toàn
thực phẩm Nhật Bản. Sớm xử lý dứt điểm tình trạng thủy sản và nông sản thực
phẩm Việt Nam xuất sang Nhật còn nhiều lô hàng vi phạm Luật VSATTP Nhật Bản
(trong 11 tháng đầu năm 2011 hàng của Việt Nam đã có tới 109 vụ vi phạm).
- Xử lý nhanh vấn đề kiểm dịch động thực vật theo quy định của Nhật Bản
để nhiều loại trái cây tươi và thịt gia súc, gia cầm Việt Nam sớm được phép
nhập khẩu vào Nhật Bản.
- Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại đối với trường
trọng điểm như Nhật Bản (năm 2011 Việt Nam làm được quá ít).
- Nắm chắc và triệt để tận dụng, khai thác các ưu đãi của các hiệp định
VJEPA và AJCEP nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường.
- Nhanh chóng phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành may mặc để nâng
cao hàm lượng xuất xứ Việt Nam đạt yêu cầu được hưởng ưu đãi thuế suất nhập
khẩu hàng may mặc vào Nhật Bản.
- Cần nhanh chóng thay đổi, hay nói đúng hơn là mở rộng cơ cấu hàng xuất
khẩu, hàng công nghiệp chế tạo để tăng nhanh, tăng mạnh và bền vững xuất khẩu
vào thị trường này.
- Khẩn trương và làm có hiệu quả việc đón nhận làn sóng mới chuyển giao sản
xuất và đầu tư của Nhật Bản vào châu Á, trong đó Việt Nam là một trong những
điểm đến hàng đầu và những cơ hội thuận lợi khác đang mở ra với Việt Nam.
- Các doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp cận lâu dài thị trường, đặt
mối quan hệ lâu dài với khách hàng Nhật Bản.Cần kiên trì trong giao dịch, cung
cấp đầy đủ thông tin mà khách hàng quan tâm, chủ động giữ cầu trong quan hệ.
- Tăng cường thu thập thông tin về thị trường hàng hóa và doanh nghiệp
Nhật bản (thông qua nhiều kênh thông tin và các tổ chức XTTM hiện có rất nhiều
tại Việt Nam).
- Tích cực tiến hành các hoạt động XTTM, khảo sát thị trường để tìm hiểu
nhu cầu, thị hiếu, tập quán, văn hóa kinh doanh của người Nhật và tìm kiếm
khách hàng.
- Cần có cách làm phù hợp với các đối tác là doanh nghiệp lớn và với các
đối tác là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Cần có cơ chế vay ưu đãi thực sự cho sản xuất, kinh doanh hàng xuất
khẩu, đặc biệt đối với những mặt hàng chủ lực và những mặt hàng có tiềm năng
lớn. Triển khai sớm và đưa vào hoạt động có hiệu quả quỹ và cơ quan bảo hiểm
xuất khẩu.
Đối với hợp tác công nghiệp, các việc cần làm là: Cùng với việc tăng
cường hợp tác các dự án công nghiệp hạ tầng, cần mở rộng và tranh thủ hợp tác
các ngành công nghiệp chế tạo, kể cả công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm.
- Đối với công nghiệp hỗ trợ (CNHT), cần tranh thủ khai thác tiềm năng
lớn của CNHT Nhật Bản. Cần có cách làm hiệu quả hơn, phù hợp với những đặc thù
của ngành CNHT và đặc thù của doanh nghiệp Nhật hơn, ví dụ: Lập các khu công
nghiệp chuyên dành cho doanh nghiệp Nhật Bản hay cần xây dựng nhà xưởng theo
tiêu chuẩn Nhật để dễ dàng cho các nhà sản xuất CNHT Nhật, rồi cả việc có các
cơ sở thiết yếu cho sinh hoạt của các gia đình người Nhật sang sinh sống và làm
việc. Có chính sách khuyến khích, ưu tiên hơn, cụ thể hơn để tạo sự chuyển
biến, mạnh mẽ CNHT.
- Một tổ chức, có thể là ban trực thuộc Bộ Công Thương, là rất cần thiết
cho việc phát triển CNHT hiện nay.
- Một chương trình toàn diện về hợp tác công nghiệp với Nhật Bản là hết
sức quan trọng và cần thiết. Trong đó hướng dẫn cho các địa phương và doanh
nghiệp triển khai nhanh, mạnh, hợp tác công nghiệp với Nhật Bản, dặc biệt trong
tình hình Nhật đang chuyển mạnh sản xuất, đầu tư ra nước ngoài hiện nay (trong
cuộc thăm dò tháng 6/2011 của Báo Kinh tế Nhật Bản đối với 140 nhà lãnh đạo
doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, 39,3% đều trả lời rằng do đồng yên Nhật lên giá
mạnh và không có khả năng xuống giá, sức cạnh tranh của hàng sản xuất tại Nhật
sẽ càng thêm yếu, nên trong 3 năm tới doanh nghiệp của Nhật phải di chuyển cứ
điểm sản xuất ra nước ngoài, mà trước hết là sang các nước châu Á).
- Các hoạt động xúc tiến hợp tác, đầu tư công nghiệp với Nhật Bản cũng
là vấn đề cần làm mạnh hơn, quyết liệt hơn. Thương vụ tại Nhật Bản hy vọng
trong năm 2012, Bộ Công Thương tổ chức được tối thiểu 5-6 hội thảo và giao
thương xúc tiến hợp tác, đầu tư công nghiệp Nhật Bản.
Đối với hoạt động của Thương vụ: Cũng như nhiều Thương vụ khác, để đảm
bảo yêu cầu công tác, nhiệm vụ của Thương vụ tại Nhật Bản khá nặng nề. Do đó,
ngoài sự nỗ lực của tập thể thương vụ, rất cần có cơ chế làm việc và cơ chế tài
chính phù hợp, thuận lợi và hữu hiệu. Việc này, không riêng Thương vụ tại Nhật,
mà rất nhiều các thương vụ khác đều trăn trở và nêu kiến nghị.
Đã đến lúc cần có một tổ chức phù hợp hơn trong tình hình hiện nay tại
Nhật Bản. Rất cần một văn phòng hay Trung tâm Xúc tiến thương mại và công
nghiệp Việt Nam tại Tokyo như nhiều nước đang làm tại Nhật Bản, như vậy, Việt
Nam sẽ có thương vụ thuộc Đại sứ quán và một văn phòng/trung tâm độc lập, chuyên
làm công tác xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo BaoCongThuong