Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 vừa được
chính thức công bố, dù sớm hơn thường lệ nhưng đã không còn nhiều ý nghĩa.
Lý do là vì các con số cơ bản nhất như lạm
phát theo năm, theo tháng đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang
Vinh phát đi từ trước đó một ngày (22/12), tại hội nghị Chính phủ mở rộng.
Điểm điều chỉnh nhỏ trong dữ liệu của Tổng cục Thống kê là lạm phát cả năm,
tính theo CPI tháng 12/2011 so với tháng cùng kỳ năm trước, nhỉnh hơn 0,01% so
với con số của Bộ trưởng Vinh công bố hôm qua, khi tăng ở mức 18,13%; trong khi
CPI tháng này tăng 0,53% so với tháng trước, không thay đổi so với con số được
công bố trước đó.
Một con số khác là CPI bình quân năm, vốn trước
đây từng được Tổng cục Thống kê đề xuất dùng làm chỉ tiêu lạm phát nhưng chưa
được đưa vào thành “chỉ tiêu pháp lệnh”, năm 2011 tăng tới 18,58% so với
năm 2010.
Với lạm phát theo năm, mức tăng rất cao, tính
trong khoảng 15 năm gần đây chỉ còn thấp hơn năm 2008, đem đến những dấu hỏi lớn
về tác động của chính sách vĩ mô đang tác động đến mức nào đến CPI năm nay?
Tăng trưởng GDP, theo con số Thủ tướng Chính
phủ Nguyễn Tấn Dũng công bố ngày hôm qua là 5,9%. Trong khi đó, tổng phương tiện
thanh toán chỉ tăng khoảng 10% và tín dụng tăng 12%.
Tương quan tiền - hàng qua các con số kể trên
cho thấy tỷ lệ này đã thấp hơn rất nhiều so với mức có thể lên đến 4 - 5 lần,
thậm chí cao hơn các năm trước. Nhưng do một cách thức tích tụ nào đó, lạm phát
đã tăng rất cao trong năm nay.
“Nguyên nhân dẫn tới lạm phát có nhiều và rất
phức tạp”, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn
Ngọc Bảo từng cho biết trong một hội thảo hồi tháng trước. Nhưng nhiều nhìn nhận
thẳng thắn hơn thì cho rằng, lạm phát có nguyên nhân chính từ tiền tệ.
Sự tích tụ bất ổn từ tăng tín dụng và cung tiền
các năm trước có tính trước được không? Và nếu tính được, tránh nhiệm nào với
những cá nhân ra quyết định dẫn tới nền kinh tế chịu rủi ro lạm phát cao ở các
năm gần đây? Và đấy có là những vấn đề cần được xới lên để tìm giải pháp cho chủ
trương tiếp tục kiểm soát chặt lạm phát mà Chính phủ đang hướng tới? Hàng loạt
câu hỏi có thể đặt ra cho con số 18,13%...
Nhưng tới tận gần đây, nhiều cơ quan chức năng vẫn tiếp tục từ chối công khai
con số lạm phát cơ bản, vốn được cho là để đo lường tác động đến lạm phát từ
góc độ tiền tệ.
Hay một góc độ tác động khác là chính sách
tài khóa, về lý thuyết được cho là tác động đến lạm phát nhanh hơn chính sách
tiền tệ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước cả năm 2011, thu ngân sách nhà nước đạt
674,5 nghìn tỷ đồng; chi ngân sách đạt 796 nghìn tỷ đồng.
Nếu so với các con số dự toán tương ứng từ Bộ
Tài chính là thu 595 nghìn tỷ đồng (không gồm thu kết chuyển), hay chi 725,6
nghìn tỷ đồng (bao gồm cả trả nợ gốc), các con số trên đều cao hơn rất nhiều, ứng
với khoảng 13,4% và 9,7%.
Chưa có chi tiết về con số thu, chi để nhìn
nhận lại chủ trương cắt giảm chi thường xuyên 10%, đình, hoãn, giãn dự án, công
trình…, nhưng những câu hỏi đặt ra từ con số kể trên, liên quan đến việc chính
sách tài khóa đã làm giảm tổng cầu đến đâu, có lẽ cũng cần phải được giải đáp.
Trở lại với tháng này, con số 0,53% của CPI
đã cho thấy lạm phát đang có xu hướng tăng trong 3 tháng gần đây. Có phần
nguyên nhân là chu kỳ cuối năm, nhưng về tổng thể, mức độ tăng trong tháng
không quá cao so với các năm trước, kể cả ở những giai đoạn nền kinh tế tương đối
ổn định.
Nhưng những thay đổi trong mặt bằng giá của
các nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong tháng này cũng cho thấy một số diễn
biến quan ngại.
CPI thực phẩm đã không còn giảm mà tăng trở lại
0,49%; CPI thực phẩm còn ở mức cao, khi tăng 1,4%; các nhóm hàng hóa tiêu dùng
có tính mùa vụ như hàng thời trang, thiết bị đồ dùng gia đình, vật liệu xây dựng,
dịch vụ cá nhân… đang có xu hướng tăng lên, một số duy trì ở mức tăng khá cao
trong mấy tháng gần đây.
Ngoài ra, còn một lưu ý khác trong con số lạm
phát tháng này là việc điều chỉnh giá điện chưa tác động, nhưng sẽ ảnh hưởng đến
CPI trong tháng tới.
Chỉ số giá vàng tháng 12 giảm 0,97% so với
cùng kỳ; chỉ số giá USD tăng 0,02%. Tháng 12 khép lại với sự ổn định tương đối ở
hai nhóm chỉ số vừa là tiền tệ, vừa là hàng hóa có tính đầu cơ cao này.
Theo VnEconomy