Bao trùm toàn bộ nền kinh tế Việt Nam trong năm 2011 là câu
chuyện về lạm phát. Trước bối cảnh lạm phát tăng tốc mạnh trong những tháng đầu
năm 2011, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 11 với mục tiêu kiềm chế lạm phát và
ổn định nền kinh tế. Một loạt các chính sách thắt chặt tiền tệ và cắt giảm đầu
tư công đã được đưa ra.
Kết quả là con ngựa lạm phát đã được ghìm cương dù tính cả
năm vẫn ở mức cao nhất nhì thế giới, tới 18,13%. Tín hiệu đáng mừng là GDP cả
năm 2011 vẫn tăng 5,89%, cao hơn nhiều nước trong khu vực.
Doanh nghiệp khốn đốn
Lạm phát cao của Việt Nam năm 2011 được xem như là hệ quả của
những yếu kém nội tại của nền kinh tế. Đầu tư công dàn trải, sự yếu kém của hệ
thống doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, đã khiến nền kinh tế
phải sử dụng rất nhiều vốn, lên tới trên 40% GDP, để duy trì được mức tăng
trưởng trung bình trên 6,5% trong giai đoạn 2006 – 2010. Do sử dụng vốn kém
hiệu quả nên sau việc thực hiện gói kích cầu 17.000 tỉ đồng để giúp nền kinh tế
vượt qua giai đoạn suy giảm vào năm 2009, kinh tế Việt Nam đã rơi vào tình
trạng lạm phát cao từ cuối năm 2010.
Để kiềm chế lạm phát, theo chỉ đạo của Chính phủ, ngân hàng
Nhà nước (NHNN) đã thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng trong cả
năm 2011.
Theo chỉ thị 01 của NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng được
giới hạn ở mức 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15 – 16%, tỷ lệ cho
vay phi sản xuất (gồm bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng) trên tổng dư nợ
phải giảm về mức 16% đến cuối năm 2011. Các hoạt động đầu tư công cũng được rà
soát lại và cắt giảm những khoản đầu tư chưa cần thiết. Các tập đoàn, tổng công
ty có hoạt động đầu tư ngoài ngành buộc phải thoái vốn hết trước năm 2015 để
tập trung cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Sự thắt chặt về tín dụng và cắt giảm đầu tư công đã khiến hầu
hết các thị trường gặp khó khăn. Thị trường chứng khoán liên tục suy giảm. Tính
đến thời điểm 27.12.2011, VN-Index rơi xuống mức 346,48, giảm 28,59%; HNX Index
còn 56,26 giảm 50,9%, thấp nhất trong lịch sử. Khoảng 2/3 số công ty chứng
khoán (CTCK) đã chịu thua lỗ trong năm 2011. Các doanh nghiệp bất động sản cũng
gặp không ít khó khăn khi phải giảm giá bán các dự án chào bán, chuyển nhượng
dự án. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản lên tới hơn 50.000.
Các doanh nghiệp còn hoạt động phải đối mặt với tình trạng hàng tồn kho tăng
cao, không thể quay vòng được dòng vốn.
Khó khăn của khu vực doanh nghiệp khiến khu vực ngân hàng
cũng lâm vào tình trạng khó khăn. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã tăng lên mức
3,39%, cao hơn đáng kể so với mức 2,5% của năm 2010. Do khó khăn về thanh
khoản, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã phá rào thoả thuận lãi suất lên mức
17 – 19%/năm, buộc NHNN phải luật hoá mức trần lãi suất huy động VND 14% vào
đầu tháng 9.2011.
Khi chính sách áp trần lãi suất được áp dụng chặt chẽ, một số
NHTM nhỏ đã không thể trả được nợ đến hạn trên thị trường liên ngân hàng, dẫn
đến tình trạng để tiếp cận với các NHTM lớn trên thị trường liên ngân hàng, các
ngân hàng nhỏ buộc phải có tài sản thế chấp bằng tiền gửi ngoại tệ, trái phiếu,
hay tín dụng bất động sản tốt. Hệ quả là các NHTM nhỏ đã đua nhau huy động các đồng
ngoại tệ khác như EUR, AUD, CAD và vàng để có tài sản thế chấp trên thị trường
liên ngân hàng.
Thị trường vàng vẫn ngoài vòng kiểm soát
Chính sách tiền tệ thắt chặt đã khiến cho nền kinh tế gặp
nhiều khó khăn nhưng đã bước đầu đem lại những tín hiệu tích cực. Chỉ số CPI
trong các tháng cuối năm đều đã tăng ở mức dưới 1% và xu hướng CPI tính theo
năm đang giảm dần từ mức trên 20% còn 18,13%/năm. Về cuối năm, lãi suất cho vay
của các NHTM đã có xu hướng giảm. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã
không còn cao.
Thành công nhất của chính sách tiền tệ năm 2011 có lẽ là
chính sách tỷ giá. Nhờ mặt bằng lãi suất huy động VND được duy trì ở mức cao
trong khi lãi suất huy động USD bị áp trần ở mức thấp nên tỷ giá đã được giữ ở
mức tương đối ổn định sau khi tỷ giá USD/VND bị phá giá mạnh lên tới hơn 9% vào
đầu năm. Tuy nhiên, đã có nhiều thời điểm trong năm, đặc biệt là những tháng
đầu và cuối năm 2011, tỷ giá thực tế nhiều lúc đã vượt trần khá nhiều. Nguyên
nhân chủ yếu của hiện tượng này được quy cho là do đầu cơ vàng.
Bất chấp nhiều chính sách về vàng như cho phép một số ngân
hàng thương mại được tham gia bán vàng bình ổn, dự định lấy SJC làm thương hiệu
vàng miếng quốc gia, v.v... giá vàng trong nước liên tục giữ ở mức cao hơn giá
vàng thế giới từ 1 – 2 triệu đồng. Sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước
và ngoài nước đã khiến cho giới đầu cơ vàng tìm cách gom USD để nhập lậu vàng,
gây căng thẳng tỷ giá.
Khởi động quá trình tái cơ cấu nền kinh tế
Song song với các chính sách tiền tệ và tài khoá, Chính phủ
đã thông qua chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế trên ba phương diện: tái cấu
trúc đầu tư công, tái cấu trúc thị trường tài chính, và tái cấu trúc khu vực
doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Mặc dù việc triển khai những nội dung tái cấu
trúc này sẽ được thực hiện chủ yếu trong các năm sau nhưng ngay trong năm 2011,
Chính phủ cũng đã tiến hành một số hoạt động có tính khởi động.
Cụ thể, với vấn đề tái cấu trúc đầu tư công, Chính phủ đã đẩy
mạnh việc thi công nhiều công trình quan trọng như hoàn thành hầm Thủ Thiêm và
cảng hàng không quốc tế sân bay Đà Nẵng. Với vấn đề tái cấu trúc lại thị trường
tài chính, NHNN đã có nhiều động thái tác động trong việc hợp nhất ba ngân hàng
cổ phần Sài Gòn, ngân hàng Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa.
BIDV là ngân hàng được chỉ định để hỗ trợ ngân hàng SCB mới
hợp nhất. Bản thân BIDV cũng là ngân hàng tiếp theo được thực hiện IPO trong
những ngày cuối tháng 12.2011 và dự kiến sẽ được niêm yết vào giữa tháng
6.2012. Và với vấn đề tái cấu trúc hệ thống DNNN, những động thái kiểm toán và
công khai hoạt động kinh doanh của các tập đoàn như EVN và Petrolimex phần nào
thể hiện Chính phủ sẽ quyết tâm thực hiện chủ trương này trong các năm tiếp
theo.
Năm 2012: tỷ giá là một ẩn số
Trong khi lạm phát có thể không còn là câu chuyện chính yếu
của năm 2012, thì tỷ giá lại có thể lại là nhân vật chính. Với việc tiếp tục
chính sách tiền tệ chặt chẽ và cắt giảm đầu tư công như năm 2011, kỳ vọng về
một mức lạm phát khoảng 10% vào cuối năm 2012 là hoàn toàn có thể.
Nhưng câu chuyện tỷ giá lại khác. Bối cảnh thế giới năm 2012
vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa. Châu Âu tiếp tục phải đối phó với cuộc khủng
hoảng nợ công ngày càng lan rộng. Nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thực sự phục hồi,
trong khi mùa bầu cử mới lại bắt đầu khiến cho các chính sách khó có thể được
nhanh chóng thông qua.
Nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với một giai
đoạn bất ổn khi giá nhà đất quay đầu sụt giảm và hệ thống ngân hàng chịu áp lực
lớn về tình trạng nợ xấu gia tăng. Bất ổn kinh tế thế giới chắc chắn khiến giá
vàng tiếp tục nhảy múa. Và vì tỷ giá USD/VND vẫn phụ thuộc vào giá vàng nhiều
như hiện nay, thì việc điều hành chính sách tỷ giá chắc chắn vẫn tiếp tục bị
động.
Khó khăn của kinh tế thế giới sẽ khiến cho dòng vốn quốc tế
đầu tư vào Việt Nam có thể sụt giảm. Xuất khẩu khó có thể giữ được mức tăng
trưởng cao như năm nay. Hơn nữa, nguy cơ các quỹ đầu tư nước ngoài, với danh
mục chứng khoán lên tới 7 tỉ USD, rút vốn trong năm 2012 là rất lớn. Đây sẽ là
những áp lực chính đối với cán cân thanh toán của Việt Nam trong năm sau. Hơn
nữa, với việc lãi suất huy động VND có xu hướng giảm dần về mức dưới 10% theo
đà giảm của lạm phát, việc găm giữ ngoại tệ sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Với tất cả
những khía cạnh trên, tỷ giá sẽ trở thành tâm điểm trong năm 2012 bên cạnh các
nội dung tái cấu trúc nền kinh tế.
Theo INFOTV