Kim
ngạch xuất khẩu mặt hàng túi xách của Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng
trưởng 25-30% trong năm 2012 nhờ lượng đơn hàng gia công dịch chuyển từ Trung
Quốc.
Liên tiếp trong 2 năm 2010-2011, xuất
khẩu túi xách đã ghi tên vào danh sách các mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD,
riêng năm 2011 đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010. Còn trong tháng
1/2012, xuất khẩu túi xách, vali các loại đã đạt trên 120 triệu USD, tăng 14,2%
so với cùng kỳ năm 2011.
Đón bắt cơ hội này, Tập đoàn Thái Bình
(TBS Group) với 20 năm kinh nghiệm sản xuất giày xuất khẩu đã đầu tư 10 triệu
USD xây dựng nhà máy sản xuất túi xách tại Bình Dương.
Trước khi xây dựng nhà máy này, TBS
Group đã đàm phán ký được hợp đồng trị giá 10 triệu USD trong năm 2011 để sản
xuất túi xách cho hãng Coach, một trong 5 thương hiệu túi xách lớn của Mỹ.
Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc TBS
Group, ông Nguyễn Đức Thuấn cho biết, để trở thành đối tác sản xuất cho Coach,
TBS Group đã phải chứng minh bằng khả năng tài chính, dự án nhà máy sản xuất
túi xách với 3.000 công nhân, bao gồm cả xưởng thiết kế và sản xuất mẫu tại Khu
công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), đáp ứng những tiêu chuẩn gắt gao về máy
móc, thiết bị, tay nghề công nhân. Bởi vậy, chỉ đến cuối năm 2011, TBS Group đã
xuất khẩu được lô hàng 20.000 sản phẩm sang Mỹ cho Coach .
Ngay đầu năm 2012, TBS Group đã ký được
hợp đồng xuất khẩu 1,8 triệu túi xách, trị giá 50 triệu USD, thực hiện suốt cả
năm 2012 cho thương hiệu Coach.
Theo tính toán của TBS Group, doanh thu
đạt được trên đầu người cho ngành túi xách sẽ cao hơn 30-40% so với sản xuất
giày (giá xuất khẩu bình quân 1 túi xách là 30-50 USD, trong khi giày là 20-25
USD/đôi).
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp
hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho biết, xuất khẩu túi xách có triển vọng lớn để
phát triển trong những năm tới, do nhiều nhà nhập khẩu lớn trên thế giới đang
gia công tại Trung Quốc bắt đầu dịch chuyển sang Việt Nam.
Thông tin từ Lefaso cho hay, hơn 50%
trong 10 hãng túi xách nổi tiếng hàng đầu thế giới đang sản xuất tại Trung Quốc
có ý định chuyển sản xuất túi xách qua Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp trong
nước biết chớp thời cơ, đầu tư nhà xưởng sản xuất đồng bộ, biết khai thác sự hỗ
trợ kỹ thuật từ chính các đối tác nhập khẩu, thì xuất khẩu túi xách trong những
năm tới sẽ làm nên chuyện lớn.
Với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 triệu
USD trong năm 2011, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại sản phẩm da (Hà Nội)
đang có tốc độ tăng trưởng mặt hàng này lớn nhất trong những năm gần đây.
Ông Đinh Quang Bào, Tổng giám đốc Công
ty cổ phần Dịch vụ thương mại sản phẩm da cho biết, thị trường cung cấp túi
xách xuất khẩu đang có sự thay đổi rõ rệt. Trước đây, phần lớn các nhà nhập
khẩu từ Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ… đều chọn Trung Quốc, nhưng nay đã bắt đầu dịch
chuyển sang Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tăng nhanh kim ngạch xuất
khẩu.
Thuận lợi về thị trường, về khách hàng
là vậy, nhưng xuất khẩu túi xách của Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi cảnh ăn đong
về nguyên liệu, phụ kiện do ngành công nghiệp phụ trợ trong nước mới đáp ứng
được 20%, các doanh nghiệp còn yếu về thiết kế mẫu mã…
Để đón đơn hàng từ các nhà nhập khẩu lớn
dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, tận dụng tối đa cơ hội tăng trưởng
xuất khẩu, ông Diệp Thành Kiệt cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần tự lượng sức để
có sự đầu tư phù hợp, thích ứng với tiêu chí của từng đối tượng khách hàng.
Theo BaoMoi