Đơn
hàng sản xuất, xuất khẩu (XK) dệt may năm 2012 không ổn định. Trong khi các
doanh nghiệp (DN) dệt may lớn thở phào vì lao động trở lại làm việc gần như đầy
đủ thời gian sau nghỉ tết, thì DN nhỏ lại ngán ngẩm cảnh chờ lao động trở lại.
Lao
động bỏ doanh nghiệp nhỏ
Ông
Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty May Bình Hòa, quy mô sản xuất khoảng 100
lao động, cho biết, tuy thời gian nghỉ tết dài ngày, lao động được nghỉ từ 25
tháng chạp đến mùng 10 tháng giêng mới vào làm trở lại, nhưng chỉ có khoảng 60%
số lao động trở lại làm việc. Đây là điệp khúc hàng năm đối với các DN dệt may
và là tình trạng chung của các DN nhỏ.
Vì
là DN nhỏ nên DN không thể đáp ứng đủ các điều kiện sản xuất để có thể làm trực
tiếp với các nhà nhập khẩu, khách hàng lớn của nước ngoài. Phần lớn những
DN này làm gia công lại cho các DN lớn, nếu làm hàng trực tiếp cũng chỉ làm đơn
hàng nhỏ vài ngàn sản phẩm. Ông Ngọ thở dài, vì hạn chế ở chế độ tiền lương nên
những DN nhỏ khó giữ được lao động lâu dài. Vì vậy mà DN nhỏ luôn trong tình trạng
thiếu lao động.
Khác
với những năm trước, tình hình lao động trở lại làm việc sau thời gian nghỉ tết
tại các DN dệt may lớn khá ổn định. Một trong những nguyên nhân thu hút người
lao động gắn bó, trở lại làm việc sau tết chính là tiền lương, chăm sóc người
lao động khá chu đáo.
Không
chỉ nhận được mức thưởng tết khá hậu hĩnh so với mặt bằng thưởng chung, nhiều
DN dệt may lớn tại TPHCM còn tổ chức xe đưa lao động về quê ăn tết, đón trở lại
làm việc; nâng thời gian nghỉ tết dài ngày hơn trước đây. Lao động trở lại làm
việc đúng ngày còn nhận được lì xì 500.000 đồng/người. Đó chính là động lực làm
cho người lao động phấn khởi, gắn bó lâu dài với DN nhiều hơn.
Ghi
nhận trong tuần sản xuất đầu tiên sau nghỉ tết, tại một số DN lớn, vẫn có vài
chục công nhân xin nghỉ làm. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày, DN cũng tuyển đủ
công nhân thay thế.
Lo
thiếu đơn hàng
Hiệp
hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dự báo, năm 2012 sẽ là một năm khó khăn cho sản xuất,
XK dệt may. Vitas dự báo, XK dệt may năm 2012 chỉ tăng khoảng 10%-12% so với
năm 2011, đạt khoảng 15 tỷ USD. Trước diễn biến phức tạp về kinh tế tại các nước
EU, khủng hoảng nợ công lan rộng ở thị trường XK số 2 của dệt may VN, việc giảm
sút tiêu thụ ở thị trường này là điều đang xảy ra.
Cùng
với đó là sự giảm sút đơn đặt hàng từ nhà nhập khẩu, DN dệt may VN cũng phải có
hướng chuẩn bị trước cho khó khăn này. Tình trạng khó khăn đang diễn ra đối với
những DN có tỷ trọng XK vào thị trường EU lớn. Còn với những DN XK vào Mỹ, Nhật
Bản và các thị trường khác vẫn còn nhiều lạc quan.
Giải
pháp của nhiều DN XK hàng dệt may hiện nay là giảm đơn hàng XK sang EU, chuyển
sang làm hàng XK vào Mỹ, Nhật và các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nga... Công ty CP
SX-TM May Sài Gòn chuyên XK vào EU trước đây đã có kế hoạch điều chỉnh sản xuất
cho năm 2012, hiện DN đang giảm tỷ lệ sản xuất hàng cho EU từ 70% trước đây xuống
còn 40%, bù vào đó sẽ tăng hàng Mỹ từ 20% lên 40%, tăng hàng Nhật lên 15%.
Trong
khi đó, Công ty CP May Sài Gòn 3, với sản lượng 50% XK đi Nhật, 30% XK đi Mỹ lại
lo không làm nổi trong tháng 2-2012 vì đơn hàng xuất đi Nhật khá nhiều. Hiện
nay, đơn hàng “thừa” khá hiếm hoi, phần lớn nhà nhập khẩu giảm sản lượng, không
đặt dài hạn như trước đây. DN dệt may đang lo lắng vì đơn hàng chưa ổn định, đủ
đảm bảo để DN yên tâm như trước.
Các
DN dệt may nhận định, đơn hàng và thị trường đang trong chiều hướng khó khăn,
DN và nhà nhập khẩu cũng đang chờ đợi tín hiệu mới từ thị trường. Theo Vitas,
năm 2011, hàng dệt may VN XK vào Mỹ đạt 7,1 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2010;
vào EU là 2,4 tỷ USD, tăng 25%; vào Nhật tăng 43%, đạt 1,65 tỷ USD.
Theo
số liệu trên, dù có sự nguội lạnh của thị trường EU nhưng dấu hiệu ấm dần lên của
kinh tế Mỹ thì tình hình chung của ngành vẫn chưa đến mức quá khó. Nghỉ tết đến
10 ngày, dù kim ngạch XK có giảm nhưng đạt 950 triệu USD trong tháng 1-2012
cũng là niềm an ủi cho dệt may. Ngay như DN nhỏ May Bình Hòa kể trên, hiện tại
cũng đã có đơn hàng sản xuất cho tháng 4, 5-2012.
Ông
Lê Đông Triều, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt may Gia Định cho biết, đơn vị đã
đặt ra một số giải pháp cho sản xuất, XK năm 2012, theo đó, các đơn vị trong hệ
thống tiếp tục làm việc với các khách hàng truyền thống để ổn định đơn hàng sản
xuất, ngoài ra, cũng sẽ tích cực mở rộng, tìm kiếm các đối tác từ những thị trường
mới; gia tăng tỷ trọng làm hàng FOB (mua đứt, bán đoạn) để tạo chuỗi giá trị
gia tăng cao hơn. Các DN dệt may trong hệ thống, hình thành một nhóm để hỗ trợ
nhau trong việc tìm kiếm đơn hàng, thực hiện sản xuất.
Theo SGGP