Đó là nhận định của ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu đưa ra trong Hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường Châu Âu” do Văn phòng Cục xúc tiến thương mại phía Nam – Bộ Công thương tổ chức sáng nay, 23-03-2012 tại TP.HCM.
EU hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai thế giới của Việt Nam, sau thị trường Mỹ. Từ năm 2000 đến 2011, kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã tăng 5,9 lần, từ 4,1 tỉ USD lên 24,29 tỉ USD. Hiện nay, cuộc khủng hoảng nợ công tại các nước Châu Âu vẫn chưa dừng lại. Chính phủ và người dân các nước này buộc phải cắt giảm chi tiêu, giảm nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ, tập trung ưu tiên cho các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống. Cùng với đó, chính sách bảo hộ mậu dịch, hạn chế nhập khẩu đang được áp dụng thông qua các rào cản thương mại tại các nước thành viên có thể gây trở ngại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên các mặt hàng nông sản, linh kiện điện tử vẫn có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU vì đó là các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống hàng ngày.
Theo ông Quân, thị trường Châu Âu rất rộng lớn nhưng có những quy định rất khắt khe về kỹ thuật, vệ sinh và chất lượng sản phẩm. Do vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp cần chú ý đến các quy định quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phầm, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững… Chẳng hạn, hiện nay EU đang đẩy mạnh thực hiện luật nghề rừng (FLEGT), do đó các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ cần phải có chứng chỉ rừng và chỉ sử dụng gỗ có nguồn gốc.
Ngoài ra, hình thức kinh doanh sản phẩm tại EU chủ yếu đang phát triển theo hình thức chuỗi. Do đó, các doanh nghiệp cần phải có chiến lược để thâm nhập được vào các chuỗi phân phối của EU.
Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu
Bà Bùi Thị Thanh An, Trưởng đại diện Cục xúc tiến thương mại tại TP.HCM
Thanh Long