Năm 2011, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã vượt nhiều khó khăn thách thức từ các yếu tố bên ngoài như những biến động của tình hình kinh tế thế giới, những rào cản thương mại và kỹ thuật, những biện pháp bảo hộ từ các thị trường nhập khẩu cùng các yếu tố bên trong như khan hiếm nguyên liệu, giá cả, lãi suất tăng cao, một số chính sách bất cập … để đưa XK thủy sản Việt Nam đạt kim ngạch XK hơn 6 tỷ USD, và đặc biệt là ngành tôm và hải sản Việt Nam đã vượt mốc 2 tỷ USD/năm.
Từ những khó khăn thực tế của DN hải sản 4 tháng đầu năm nay, VASEP đã tổng hợp thành 8 khó khăn chính trong hoạt động sản xuất XK của DN. Đây là cũng là những thách thức không nhỏ buộc các DN phải tìm cách tháo gỡ trong những quý tiếp theo.
1. Thiếu vốn và khó tiếp cận vốn:
Giai đoạn 5 tháng đầu năm 2012 là giai đoạn khó chung cho các DN thủy hải sản khi việc tiếp cận vốn và hạn mức vay bị thắt chặt khiến DN lâm vào khó khăn hoặc phải điều chỉnh lại cơ bản hoạt động SX của DN.
2. Thiếu nguyên liệu hải sản cho chế biến xuất khẩu:
Sản lượng khai thác biển tăng không nhiều so với cùng kỳ (chưa đầy 5%) nhưng tỷ lệ nguyên liệu có thể chế biến XK lại tiếp tục sụt giảm do cơ cấu mặt hàng khai thác đã thay đổi cơ bản và lượng hao hụt do chất lượng bảo quản kém. Thêm vào đó, việc tham gia cạnh tranh mua nguyên liệu sau khai thác của DN Trung Quốc ở hầu hết các tỉnh diễn ra mạnh mẽ hơn, tạo thêm sức ép cho nhiều DN trong nước trong bối cảnh nhiều khó khăn.
Lượng nguyên liệu nhập khẩu về làm nguyên liệu CBXK tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ 2011, với nguồn cung từ hơn 70 quốc gia (Ấn độ, Ecuado, Thái Lan, Myanma, Oman, Nhật ....) và tập trung ở các mặt hàng: cá ngừ, mực, bạch tuộc, tôm, cá hồi ... (giá trị NK trung bình mỗi tháng khoảng 50 triệu USD).
3. Nhập khẩu nguyên liệu ngày càng khó hơn:
Nguồn nguyên liệu nhập khẩu ngày càng hạn chế do chính sách cấm khai thác ở 1 số nước vào mùa sinh sản cũng như ảnh hưởng của sóng thần tại Nhật Bản, nguyên liệu nhập về phải kiểm phóng xạ. Thêm vào đó, việc cạnh tranh mua nguyên liệu với các nước trong khu vực (Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia ...) ngày càng gia tăng ở các mặt hàng chính: cá ngừ, mực, bạch tuộc và tôm.
Và tới đây nữa nếu qui định của Bộ Tài chính về việc có bảo lãnh ngân hàng mới được hưởng ân hạn thuế 275 ngày được thông qua thì càng khó khăn hơn cho DN trong thủ tục nhập khẩu, ảnh hưởng tới việc tăng cường nhập khẩu, nhập khẩu với lượng lớn.
4. Vướng mắc khi XK vào EU do nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ cơ sở/tàu không có EU code:
Thực tế này kéo dài mấy năm qua khi Cục NAFIQAD dựa vào nguyên tắc kiểm soát ATTP mới của EU (Chỉ thị số 178/2002), Cục yêu cầu nguyên liệu nhập về phải xuất phát từ cơ sở / tàu có EU code. Đây là một trở ngại lớn, DN kiến nghị nhiều lần, bởi thực tế: Thái Lan không kiểm soát yếu tố này, chỉ kiểm soát là hàng XK đi phải được CB và bao gói từ nhà máy CB có EU code.
5. Cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị xuất khẩu hải sản trong nước ngày càng tăng.
Với số lượng đông đảo đơn vị tham gia xuất khẩu các mặt hàng từ biển, trong đó chủ yếu là đơn vị thương mại, tại mỗi nhóm ngành hàng (cá ngừ, mực, cá hố ...) các đơn vị XK (đặc biệt là Cty thương mại) trong nước đã & đang có các cạnh tranh xấu về giá, về chất lượng và các hành vi phi thương mại khác ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh & chất lượng sản phẩm các mặt hàng hải sản chủ lực của Việt Nam. Năm 2011, trong khi tôm chỉ có 325 DN xuất khẩu, cá Tra có 235 thì các mặt hàng hải sản nói chung có tới 776 đơn vị trong tổng số 918 đơn vị XK thủy sản của Việt Nam (chiếm 85% tổng số).
6. Chịu chung các khó khăn do chính sách bất cập (phí kiểm nghiệm để cấp HC, phí công đoàn 2%, phí môi trường bao PE, phí quản lý môi trường nước thải, phí kiểm dịch của TT04 ..v..v.).
Tuy nhiên, do yếu tố manh mún về lượng hàng và nguồn hàng của hải sản, cộng với đa số là DN vừa và nhỏ, nên các tác động của chính sách bất cập là lớn hơn cả so với các DN nhóm ngành hàng tôm & cá.
7. Giá cước vận tải biển tăng cao, và cao hơn các nước trong khu vực:
Giá cước vận tải biển tăng hầu hết từ 1/3/2012 của các hãng tàu, với giá cước tăng đột biến từ 640 - 1200 USD/1 cont 20 feet, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của hàng thủy hải sản Việt Nam trên 2 thị trường chính là Châu Âu và Mỹ. Giá cước vận chuyển biển từ Việt Nam đang cao hơn Thái Lan và Philippin từ 10 – 15%.
8. Chi phí sản xuất đã tăng cao trong vòng 1 năm qua:
Với mức tăng hầu hết 10 - 30% ở các hạng mục chi phí đầu vào: lương công nhân, điện, nước, xăng dầu, bao bì .....trong khi giá xuất khẩu thì không có mức tăng với tỷ lệ tương ứng, đã làm giảm không chỉ về tỷ suất lợi nhuận mà cơ bản là năng lực cạnh tranh của các DN thủy hải sản VN trên TT thế giới.
Theo Vinanet