Ngày 17/7, tại TP HCM, Bộ Công Thương chủ trì hội nghị giao ban xuất khẩu 6 tháng đầu năm và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Tại đây, các doanh nghiệp đều cho rằng rào cản lớn nhất trong xuất khẩu hiện nay là khó khăn về thị trường, vốn và lãi suất.
Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 53,28 tỉ USD, tăng 22,7% bằng 49% kế hoạch năm nhưng kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước chỉ đạt 20,5% tỉ USD (tăng 4,1% so với cùng kỳ). Điều này cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang gặp nhiều khó khăn.
Tình hình kinh tế thế giới khó khăn đã làm giảm sút mức tiêu thụ ở các thị trường, đơn hàng giảm sút, hầu như chỉ có những đơn hàng ngắn hạn. Điều này ảnh hưởng đến xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam, không những ở nhóm hàng công nghiệp mà cả nhóm hàng nông sản, thủy sản.
Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Intimex nhận định: "Xuất khẩu nông sản Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn nhưng gặp khó khăn do một số thị trường xuất khẩu không ổn định như: châu Phi, châu Á, Trung Quốc... Đặc biệt, thị trường xuất khẩu Trung Quốc luôn có nhiều bất ổn. Có những lúc thị trường này là "cứu cánh" cho doanh nghiệp nhưng cũng có lúc là tai họa cho doanh nghiệp và nông dân. Khi thị trường Trung Quốc ồ ạt mua hàng rồi đột ngột đóng cửa thị trường thì hàng hóa đó hoàn toàn bị "sụp đổ", nông dân và doanh nghiệp đều "chết đứng".
Bà Mai Thị Ánh Tuyết – Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết: Gạo và cá tra là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh An Giang nhưng hiện đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Mặt hàng gạo, hiện phải cạnh tranh gay gắt với thị trường Ấn Độ, doanh nghiệp không ký được hợp đồng giá cao nên nông dân sẽ phải gặp khó. Trong năm nay, gạo là mặt hàng có giá xuất khẩu giảm mạnh so với các năm trước (giảm 66% so với năm 2011, giảm 8,5% so với năm 2010 và giảm 2,4% so với năm 2009). Việc vay vốn của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra gặp khó khăn do ngân hàng xếp kinh doanh và xuất khẩu cá tra là một trong những ngành có rủi ro cao.
Ngoài ra, việc tăng cường các rào cản về kỹ thuật đối với hàng xuất khẩu cũng là một khó khăn lớn đối với hàng xuất khẩu của nước ta. Một số lô hàng thủy sản của nước ta bị các nước nhập khẩu cảnh báo về chất lượng chưa đảm bảo, điều này đặt Việt Nam trước nguy cơ bị mất đi nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU... Các mặt hàng nông sản cũng gặp khó khăn trong xuất khẩu bởi nhiều rào cản về chất lượng, quy định hóa chất, môi trường...
Bên cạnh đó, mặc dù hiện nay đã có nhiều ưu đãi cho vay vốn đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nhưng để tiếp cận vốn lãi suất thấp là một trong những khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp cho rằng mức lãi suất cho vay quá cao trong thời gian qua là nguyên nhân bào mòn hiệu quả kinh tế của nhiều doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận lãi suất thấp của ngân hàng, phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn.
Theo thuongmai.vn