Sau đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) bị ế, cảng Nha Trang - một trong 5 cảng phải thoái vốn của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vẫn chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược.
Hiện, chỉ có Công ty CP Vinpearl (thuộc Tập đoàn Vingroup) được tiếp cận, tham gia vào tái cơ cấu cảng này.
Và mới đây, xuất hiện thêm thông tin một công ty con khác của Vingroup là Công ty TNHH Vinpearl Nha Trang đề nghị mua lại 34,6% cổ phần cảng Nha Trang, tương ứng khoảng 8,5 triệu cổ phần. Nếu giá chuyển nhượng bằng mệnh giá (10.000 đồng/CP) thì DN này sẽ phải bỏ ra khoảng 85 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn thứ 2, sau cổ đông Nhà nước.
Khách "sộp" Vinpearl
Theo phương án tái cơ cấu tổng công ty, Công ty hàng hải Vinalines Nha Trang - đơn vị quản lý cảng Nha Trang sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2014. Khi cổ phần hóa, cảng Nha Trang có vốn điều lệ là 245,3 tỷ đồng, tương ứng 24,53 triệu cổ phần. Nhà nước sẽ nắm giữ 75% vốn sau cổ phần, còn lại chào bán 22,7% cho nhà đầu tư thông thường và 2,3% còn lại bán ưu đãi cho người lao động, công đoàn…
Nhưng phiên đấu giá cổ phần cảng Nha Trang diễn ra hồi tháng 5/2014 đã thất bại. Chỉ có 47 cá nhân mua tổng số 6,3% lượng cổ phần chào bán, thu về 3,5 tỷ đồng. Hiện, Vinalines vẫn sở hữu 95,7% cổ phần của đơn vị này. Không bán được hết cổ phần dự kiến khiến tiến độ CPH bị ảnh hưởng, và Vinalines cũng chưa có thêm nguồn thu trả nợ.
Thời điểm ấy, đã có thông tin nhiều nhà đầu tư "đánh tiếng" muốn mua lại cổ phần lớn của cảng Nha Trang vì những lợi thế đắc địa của cảng, như nằm ở vị trí trung tâm thành phố, giao thương thuận lợi, lại phát triển mạnh về du lịch… Văn phòng Chính phủ đã hối thúc Vinalines sớm chuyển giao cảng Nha Trang về cho UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý, sử dụng, để chuyển đổi thành cảng du lịch, phù hợp với lợi thế của địa phương.
Khi đó, Công ty CP Vinpearl - một nhà đầu tư lớn tại tỉnh Khánh Hòa đã được tiếp cận, phối hợp với cảng Nha Trang xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển cảng, chuyển đổi công năng sang cảng phục vụ du lịch.
Quy định về mức sở hữu của nhà đầu tư chiến lược không hấp dẫn khiến các cảng vẫn ế
Đến cuối tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp và thống nhất việc Công ty CP Vinpearl mua cổ phần cảng Nha Trang với giá 85 tỷ đồng, tương ứng 8,5 triệu cổ phần (chiếm tỷ lệ 34,6% vốn điều lệ). Giá chuyển nhượng cổ phần cũng bằng số tiền mà Vinalines đã đầu tư cho cảng.
Hiện, các bên liên quan chưa tiết lộ thông tin tham gia mua cổ phần cảng, tỷ lệ sở hữu, giá trị chuyển nhượng… Và cũng chưa rõ công ty con nào của Vingroup - Công ty CP Vinpearl hay Công ty TNHH Vinpearl Nha Trang - sẽ nhận chuyển nhượng 34,6% cổ phần cảng. Song, hai công ty của Vingroup đều được đánh giá là nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, chiến lược, uy tín đủ khả năng "vực dậy" cảng Nha Trang sau thời gian dài hoạt động kém hiệu quả.
"Ế" vì hạn chế quyền cổ đông?
Nằm trong nhóm 4 cảng biển loại 1 được cổ phần hóa năm 2014 (cùng với cảng Cam Ranh, Nghệ An, Quy Nhơn), cảng Nha Trang sẽ giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống 75%. Số tiền thu được từ bán cổ phần các cảng sẽ được dùng để cơ cấu nợ cho Vinalines. Do đó, áp lực xử lý các khoản nợ rất lớn của Vinalines, trong thời gian gấp gáp sẽ khiến các cảng phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.
Cảng Nha Trang cũng dự kiến sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để chuyển nhượng cổ phần lớn, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của cảng tốt hơn. Nhưng với nhà đầu tư chiến lược, điều quan trọng là họ được sở hữu tỷ lệ cổ phần tối đa để có thể tham vào các quyết sách quan trọng của DN.
Trong trường hợp trên, nếu một hoặc cả hai công ty con (Vinpearl và Vinpearl Nha Trang) của Tập đoàn Vingroup cùng tham gia mua 34,6% cổ phần như đề xuất, thì phần vốn nhà nước tại cảng sẽ giảm xuống còn 59,1%. Tức là, thấp hơn mức sở hữu tối thiểu của cổ đông nhà nước (tỷ lệ 75%). Trường hợp Nhà nước thoái vốn dưới mức 75% thì Vinalines sẽ phải báo cáo Bộ GTVT để trình xin ý kiến của Thủ tướng quyết định trong từng trường hợp cụ thể.
Trên thực tế, các đợt chào bán cổ phần cảng của Vinalines thời gian qua đã không hoàn thành như dự tính. Đơn cử, cảng Hải Phòng - DN cảng kinh doanh hiệu quả, có lãi cao dự kiến bán 10,26% cổ phần (vốn điều lệ 4.314 tỷ đồng) cho nhà đầu tư chiến lược trong đợi IPO hồi tháng 5/2014.
Nhà đầu tư muốn mua là Ngân hàng Vietinbank - chủ nợ lớn của Vinalines, sẽ phải chi tối thiểu 440 tỷ đồng. Chưa rõ, kết quả đàm phán giữa các bên liên quan ra sao, nhưng đến giờ, cảng Hải Phòng vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược.
Theo các nhà đầu tư, một trong những lý do khiến cổ phần cảng bị ế (dù lĩnh vực kinh doanh tiềm năng, lợi thế cao) là vì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược còn thấp.
Mức tỷ lệ "lý tưởng" là 35%, nhằm đảm bảo cổ đông chiến lược có tiếng nói trong các quyết sách quan trọng của DN sau cổ phần hóa - nơi mà các cổ đông nhà nước đang nắm tỷ lệ chi chi phối tuyệt đối. Trong khi đó, giới hạn sở hữu của nhà đầu tư chiến lược tại các cảng Hải Phòng, Nha Trang hay Quy Nhơn chỉ từ 10-22%, thì e rằng, khó hấp dẫn.
Theo Người đồng hành.
|