|
Trên nhiều tuyến sông quốc gia hiện có sự đan xen giữa luồng, cảng tàu biển với tàu sông. Trong đó, có những đoạn được công bố là luồng, cảng biển nhưng lại vắng bóng tàu biển, kéo theo bất cập trong công tác quản lý.
Ví dụ điển hình là tuyến sông Chanh tại Quảng Ninh. Từ nhiều năm trước, cả đoạn sông này dài 20km được công bố là luồng thủy nội địa quốc gia, nhưng từ năm 2009, đoạn hơn 14km tính từ ngã ba Quả Xoài trở vào được chuyển thành luồng hàng hải. Nhiều đoạn ven bờ có hàng loạt các xưởng đóng tàu thủy nội địa, tàu cá và một nhà máy đóng tàu biển xuất hiện từ năm 2000.
Một thời gian sau đó, phao tiêu, cột báo hiệu thủy nội địa cũng được dọn dẹp và thay vào đó là hệ thống báo hiệu hàng hải. Thế nhưng, từ khi chuyển thành luồng hàng hải đến nay, mỗi ngày trên tuyến có hơn 370 lượt phương tiện hoạt động, nhưng đều là tàu sông, chẳng thấy tàu biển nào. Lý do khu vực này không có cảng biển, trong khi nhà máy đóng tàu biển cũng im lìm đóng cửa từ vài năm nay.
"Bất cập nhất hiện nay là không có quy định và tiêu chí cụ thể để nhận biết và phân biệt cảng biển với cảng, bến thủy nội địa. Và điều này dẫn đến cảm tính trong quy hoạch, gây khó khăn cho cơ quan quản lý khi muốn phân định loại hình cảng”.
Ông Nguyễn Nhật Cục trưởng Cục Hàng hải VN |
Ông Ngô Bá Toại, Trạm trưởng trạm Quản lý Đường thủy nội địa Yên Hưng cho biết, luồng sông Chanh là luồng phục vụ chạy tàu suốt ngày đêm, đa số là tàu hơn 1nghìn tấn hoạt động. Thực tế, sau khi chia tách luồng hàng hải và đường thủy, cũng chỉ có tàu thủy nội địa hoạt động, trong khi trên 14km luồng hàng hải chỉ có báo hiệu dành cho tàu biển.
Ông Nguyễn Thành Công, Đội Cảnh sát Đường thủy Công an thị xã Quảng Yên cũng xác nhận thực tế trên và cho biết, trên luồng hàng hải có một điểm chướng ngại vật ngầm là chân cột đèn báo hiệu đường thủy cũ chưa được thanh thải hết. Tại đây, đã có không ít tai nạn đường thủy đã xảy ra. Gần đây nhất là tháng 7/2014, tàu sông chở than TB-1868 đã bị đắm khi va vào chướng ngại ngầm này.
Theo Cục Hàng hải VN, toàn quốc hiện có hơn 291km đường thủy quốc gia có sự đan xen, chồng lấn với hàng hải (vùng nước thủy nội địa có cảng biển hoặc ngược lại, tàu biển đi qua luồng đường thủy rồi mới đến cảng biển, phương tiện thủy đi qua luồng hàng hải), nhiều nhất là khu vực phía Nam. Thống kê sơ bộ có hơn 300 cảng, bến thủy nội địa các loại (gồm cả bến đò ngang) nằm trong vùng nước cảng biển. Có nơi cùng một vùng nước nhưng biển thủy nằm sát cầu, cảng biển hoặc cá biệt cùng một cụm bến nhưng một nửa được công bố là cảng biển, nửa còn lại là thủy nội địa. Điều này dẫn đến việc cùng một vùng nước nhưng chịu sự quản lý của hai hệ thống cơ quan khác nhau (đường thủy và hàng hải), cách tính phí, lệ phí đối với tàu thuyền cũng khác nhau, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Khi có tình huống sự cố mất an toàn xảy ra sẽ rất khó khăn trong việc xác định thẩm quyền giải quyết hoặc chịu trách nhiệm.
Theo Giao thông vận tải.
|