|
Năm 2014, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về sản xuất, thị trường và đối mặt nhiều rào cản thương mại, tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ; nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu đã đạt được những kết quả quan trọng. Tăng trưởng xuất khẩu thể hiện trên cả hai phương diện quy mô và tốc độ tăng, cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt khoảng 150 tỷ USD, tăng 13,6% so năm trước, đóng góp xứng đáng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tăng trưởng ấn tượng
Năm 2014, cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch tích cực, phù hợp lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 73%), tiếp đó nhóm hàng nông thủy sản (khoảng 15%) và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản (hơn 6%). Tăng trưởng xuất khẩu đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân và giảm bớt lượng hàng tồn kho. Kết quả này khẳng định chủ trương phát triển mặt hàng xuất khẩu từng bước phát huy hiệu quả trong năm qua, đồng thời phản ánh năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của nền kinh tế ngày càng được mở rộng. Đáng chú ý nữa là tăng trưởng xuất khẩu đã góp phần quan trọng kiềm chế nhập siêu. Thặng dư thương mại tiếp tục được duy trì trong năm 2014, dự báo ở mức 1,5 tỷ USD. Những năm gần đây, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng xuất khẩu. Năm 2014, khu vực doanh nghiệp FDI tiếp tục giữ vị trí cao trong việc tạo giá trị và tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI năm 2014 ước đạt 101,8 tỷ USD, tăng 15,4% so năm 2013 và chiếm 67,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của khối này chủ yếu thuộc nhóm công nghiệp, như: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác...
Đạt được kết quả này là do Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng nguồn vốn FDI, coi đây như nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều giải pháp nhằm thu hút, quản lý và nâng cao hiệu quả nguồn vốn FDI.Chính phủ đã đưa ra mục tiêu, định hướng thu hút, quản lý nguồn vốn FDI cho cả giai đoạn 2011-2020. Theo đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn FDI sao cho phù hợp định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020 theo hướng khuyến khích các ngành kinh tế có vốn FDI phát triển theo quy hoạch; ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai; tập trung thu hút vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức cao; ưu tiên phát triển các dự án có sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm tham gia liên kết sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu...
Về phía các DN trong nước, trong các năm từ 2011 đến 2013, trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước, xuất khẩu của khối DN trong nước đã gặp những khó khăn nhất định, nhất là về thị trường xuất khẩu và chi phí đầu vào sản xuất. Khối DN FDI do có sự chủ động về nguồn vốn và thị trường cung ứng, cho nên ít gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, năm 2014, cùng với đà phục hồi kinh tế, sự nỗ lực của cộng đồng DN, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ và việc triển khai kịp thời các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, phát triển thị trường xuất khẩu, cho nên tăng trưởng xuất khẩu của khối DN trong nước đã có dấu hiệu khởi sắc. Nếu như khối này năm 2012 chỉ đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 1,2%, năm 2013 tăng khoảng 4%, thì năm 2014 ước tăng khoảng 10% (kim ngạch xuất khẩu đạt 48,2 tỷ USD) với các mặt hàng chủ yếu gồm nông sản, thủy sản, một số mặt hàng công nghiệp xuất khẩu như dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ... đều đạt tăng trưởng dương, đóng góp vào tăng trưởng chung của xuất khẩu.
Tận dụng tốt các FTA
Là một nền kinh tế đang phát triển định hướng xuất khẩu, việc tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu lớn thông qua ký các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt có ý nghĩa khi các yếu tố giá nhân công rẻ, lợi thế tài nguyên không còn là những lợi thế cạnh tranh trong thương mại như trước đây, trong khi, những yếu tố như thương hiệu, chất lượng sản phẩm cần một chiến lược phát triển lâu dài. Thời gian qua, các DN đã tận dụng tốt cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế đa phương và song phương để phát triển xuất khẩu hàng hóa. Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi ngày càng tăng. Trong chín tháng đầu năm 2014, kim ngạch này đạt khoảng 19,3 tỷ USD, tăng 94% so cùng kỳ năm 2013.
Hiện nay, chúng ta đang tích cực triển khai đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA với EU, Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu - EFTA (Na Uy, Ai-xơ-len, Thụy Sĩ, Lít-ten-xtanh). Chúng ta cũng vừa mới ký thoả thuận kết thúc đàm phán FTA Việt Nam - Hàn Quốc; cơ bản kết thúc đàm phán với Liên minh Hải quan Nga - Bê-la-rút - Cadắc-xtan. Các hiệp định này được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tạo tiền đề cho phát triển sản xuất trong nước và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta vừa mở cửa thị trường theo các cam kết, vừa có điều kiện đa dạng hóa thị trường để nhập khẩu các hàng hóa, nguyên vật liệu cần thiết phục vụ sản xuất, xuất khẩu và đời sống nhân dân, qua đó tránh phụ thuộc một số thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thông qua lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan theo cam kết tại các hiệp định này, hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận thị trường đối tác trong FTA.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta như dệt may, giày dép, một số mặt hàng thủy sản, nông sản, điện tử hiện vẫn đang chịu thuế cao ở một số thị trường lớn. Đối với thị trường Hoa Kỳ, hàng dệt may đang chịu mức thuế từ 0 đến 32%; giày dép từ 3,8 đến 58%; thủy sản từ 0 đến 15%. Đối với thị trường Nhật Bản, hàng dệt may đang chịu mức thuế từ 3,3 đến 10%; giày dép từ 6,7 đến 30%; thủy sản từ 1 đến 8,5%... Sau khi TPP được ký kết, việc thuế nhập khẩu được cắt giảm về 0 đến 5%, sẽ tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như da giày, dệt may, thủy sản... cạnh tranh về giá đối với các đối thủ cạnh tranh ngoài khu vực, tạo động lực để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài mở rộng sản xuất, thu hút các đơn hàng giá cao hơn và giá trị gia tăng lớn hơn tại Việt Nam để tối đa hóa lợi thế và thuế.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để các DN xuất khẩu tận dụng được tối đa các lợi ích mà các FTA này mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường?
Hiện vẫn còn một số DN xuất khẩu chưa thật sự quan tâm các ưu đãi về thuế quan, điều này làm cho DN mất đi lợi thế về thuế, khả năng cạnh tranh, hàng hóa trên thị trường quốc tế. Thời gian tới, bên cạnh việc đàm phán mở cửa thị trường, Bộ Công thương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới các DN, Hiệp hội về các FTA đã và đang ký kết, tạo điều kiện cho các DN tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA mang lại, đồng thời phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các dự án chuỗi cung ứng, sản xuất hàng xuất khẩu, hướng tới tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm xuất khẩu.
Thách thức còn nhiều phía trước
Năm 2015, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi, những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành thời gian qua trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô và trong công tác đối ngoại, đàm phán mở cửa thị trường cũng góp phần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi và mở ra những cơ hội mới cho thúc đẩy xuất khẩu. Tuy vậy, khó khăn, thách thức vẫn còn rất nhiều, đó là kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; những biến động phức tạp về an ninh, chính trị trong khu vực và một số nơi trên thế giới ảnh hưởng hoạt động kinh tế, nhất là xuất khẩu; ngày càng xuất hiện nhiều vụ kiện chống bán phá giá đối với nhiều loại hàng chủ lực của Việt Nam (tôm, thép, gạo...); cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới... Điều đó đòi hỏi nỗ lực, chung sức của các cấp, các ngành, hiệp hội, cộng đồng DN nhanh chóng giải quyết những hạn chế, yếu kém, tận dụng tốt các thời cơ, thuận lợi, khai thác tốt mọi nguồn lực, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững.
Để hoàn thành mục tiêu về xuất khẩu năm 2015 đạt hơn 160 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng xuất khẩu hơn 10% so năm 2014 như đã đề ra, các bộ, ngành, nhất là Bộ Công thương cần tập trung:
Chú trọng mở rộng sản xuất, nhất là phát triển nguồn hàng xuất khẩu. Có biện pháp dài hạn, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm ổn định, bền vững, nhất là các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực, có lượng hàng hóa lớn. Khuyến khích các DN, kể cả các DN nước ngoài, đầu tư vào các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; tăng cường phát triển công nghiệp phụ trợ, góp phần bảo đảm chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và DN.
Phối hợp các bộ, ngành liên quan đề xuất với Chính phủ các giải pháp phù hợp cam kết, để hỗ trợ thiết thực, phù hợp đặc thù, yêu cầu của từng ngành hàng xuất khẩu nhằm phát huy hơn nữa khả năng thâm nhập thị trường thế giới, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả xuất khẩu của các sản phẩm có lợi thế thuộc lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp chế biến; tăng cường phối hợp các hiệp hội ngành hàng để kịp thời nắm bắt tình hình và phối hợp các bộ, ngành liên quan giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN, góp phần tạo thuận lợi cho DN ổn định sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.
Tăng cường và tiếp tục đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại; có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực vào các thị trường trọng điểm, thị trường mới có nhiều tiềm năng, gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu quốc gia, nhất là đối với một số sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh; chú trọng công tác phát triển thị trường, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đàm phán, ký các FTA; tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các DN tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan ngày càng sâu hơn của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.
Tăng cường công tác dự báo, bám sát tình hình thị trường. Tăng cường hoạt động của các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, nhất là các thị trường trọng điểm để kịp thời nắm bắt các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu; cung cấp các thông tin, các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ động phòng tránh và giải quyết hiệu quả các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN; đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia; giảm chi phí hải quan và rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho DN.
Theo Báo Nhân Dân
|