Theo đánh giá cân đối cung - cầu của Bộ Công Thương, giai đoạn đến hết năm 2015 than khai thác trong nước đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Từ năm 2016, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than phục vụ các hộ tiêu thụ trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện với khối lượng dự kiến như sau: Năm 2016 khoảng 3-4 triệu tấn; năm 2020 khoảng 35 triệu tấn; năm 2025 khoảng 80 triệu tấn, năm 2030 khoảng 135 triệu tấn.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, 11 tháng qua, Việt Nam đã nhập khẩu trên 2,8 triệu tấn than đá trị giá 338 triệu USD, tăng 44,7% về giá và tăng 40,2% về lượng nhập so với cùng kỳ năm 2013.
Con số chính xác từ phía Tổng cục Hải quan cho thấy, tính từ ngày 1-1 đến 15-11, Việt Nam đã nhập khẩu 2,66 triệu tấn than đá tương đương 321,56 triệu USD. Thị trường nhập khẩu chủ yếu gồm: Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Nga, và Nhật Bản, Australia.
Trong khi nhu cầu nhập khẩu than đá tăng lên hằng năm thì Việt Nam vẫn xuất khẩu một lượng than đá không nhỏ, dù ngành than đã có kế hoạch giảm dần xuất khẩu lượng than đá.
Theo đó, trong 11 tháng 2014, xuất khẩu than đá đạt 6,8 triệu tấn với kim ngạch đạt 506 triệu USD, giảm 40,1% về lượng và 37,9% về kim ngạch so với năm 2013. Như vậy, xuất khẩu than đá năm nay vẫn đạt trên 7 triệu tấn.
Con số này của năm 2013 gần gấp đôi so với năm 2014 đạt 12,83 triệu tấn tương đương 915,963 triệu USD.
Để chuẩn bị nguồn than cho các hộ tiêu thụ trong nước theo kế hoạch nhập khẩu những năm tới, hiện Bộ Công Thương đang lên kế hoạch nhập khẩu đồng thời tìm kiếm nguồn than để nhập khẩu.
Đến thời điểm này, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã ký 10 Biên bản ghi nhớ, 1 hợp đồng nguyên tắc với một số công ty than của Indonesia, Australia; Công ty Sojitz, Marubeni, Sumitomo của Nhật Bản và 1 thoả thuận cung cấp than dài hạn với Công ty ASPECT Resources của Australia với tổng khối lượng than đã ký kết khoảng trên 20 triệu tấn/năm.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ký được 4 hợp đồng khung về cung cấp than với các đối tác Ensham Coal Sales và Peabody của Australia, Tuah Turangga Agung của Indonesia, Sojitz Corporation của Nhật Bản và 1 biên bản ghi nhớ với Noble Group của Indonesia với tổng khối lượng than đã ký khoảng 10 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện của PVN.
Theo báo Hải Quan