“Cuộc cách mạng nào cũng cần dân, có dân mới thành công. Cách mạng trong kinh tế cũng vậy. Để người dân tham gia vào mọi lĩnh vực. Đừng nghĩ nhà nước quản lý mới tốt” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định
Ngày 21-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Phải xã hội hóa mạnh để giảm tải ngân sách
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết 3 năm qua, ngành điện thu hút đầu tư vào hạ tầng hơn 233.000 tỉ đồng, hạ tầng ở khu vực nông thôn thu hút 591.000 tỉ đồng, trong đó vốn của khu vực tư khoảng 113.000 tỉ đồng, chiếm 20%... “Đây là hướng mở cho 5 năm tới. Chắc chắn, để tư nhân khai thác và quản lý sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhìn nhận.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công cho biết cảng Cái Mép - Thị Vải thua lỗ nhiều năm nhưng chỉ sau 1 năm cho thuê là lãi 20 tỉ đồng, làm “giật mình” cả bộ! Vì vậy, ông Công kiến nghị Thủ tướng phê duyệt sớm đề xuất tiếp tục cho thuê, bán một số cảng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: “Nếu không xã hội hóa thì muôn đời đầu tư dàn trải, sức ép luôn đè lên đầu tư công”.
Về đề xuất của Bộ GTVT, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chất vấn: “Bộ GTVT đã có đề án xã hội hóa cảng chưa? Tính toán kỹ, cái nào bán, cái nào cho thuê, nhà nước quản lý để đạt hiệu quả cao nhất. Sân bay cũng cần xã hội hóa, mở ra hơn nữa. Bán quyền khai thác hàng không, hàng hải cho dân. Dân quản lý tốt hơn tại sao không giao. Bầu trời, vùng biển là của ta, không có gì phải lo ngại về an ninh - quốc phòng. Cho thuê cảng lãi to tại sao không mạnh dạn làm” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Có lời, dân mới đầu tư
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng ngân sách không thể lo toàn bộ cho phát triển hạ tầng. Vì thế, tạo điều kiện xã hội hóa, cho người dân, đối tác nước ngoài đầu tư vào hạ tầng. “Ba năm thu hút được 2,5 triệu tỉ đồng chỉ là bước đầu. Tiền và vàng của dân còn rất lớn. Tuy nhiên, dân đầu tư thì phải có lời nên cần có chính sách phù hợp. Dứt khoát, dân làm sẽ tốt hơn, như nước sạch, nhà nước chỉ quy định giá và chất lượng, còn lại để dân làm”.
Cũng theo Thủ tướng, ngay cả lĩnh vực khó thu hút đầu tư như hồ, kênh thủy lợi cũng có thể thu hút vốn bên ngoài. Nên tính cấp nước thủy lợi như cấp điện cho hộ nghèo, nhà nước hỗ trợ một phần, còn lại giao cho tư nhân quản lý, thu phí theo giá thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm lập đề án về vấn đề này.
Dẫn trường hợp ngành điện sau cổ phần hóa, biên chế giảm, chất lượng dịch vụ tăng, Thủ tướng cho rằng: “Cuộc cách mạng nào cũng cần dân, có dân mới thành công. Cách mạng trong kinh tế cũng vậy. Để người dân tham gia vào mọi lĩnh vực. Để dân đầu tư cái mới, tham gia quản lý cả cái cũ. Đừng nghĩ nhà nước quản lý mới tốt”.
Gỡ bỏ những cơ chế cản trở TP HCM
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết những vướng mắc về cơ chế, chính sách đã ảnh hưởng lớn đến việc xã hội hóa của TP. Ông dẫn chứng: Quy hoạch giao thông TP đến năm 2025 cần 40 tỉ USD nhưng ngân sách chỉ có thể đáp ứng 10%, còn lại phải huy động từ các nguồn khác. “Quy trình chọn nhà đầu tư vào cơ sở hạ tầng theo Nghị định 30 phải mất 588 ngày. Đó là làm đúng quy định, còn thực tế có thể lâu hơn. Điều này đã làm nản lòng các nhà đầu tư, làm mất cơ hội xã hội hóa. Chính phủ xem xét cho TP được chỉ định nhà đầu tư để chủ động, linh hoạt hơn trong thu hút vốn” - ông Tín kiến nghị.
Sau đó, ông Tín liệt kê hàng loạt vướng mắc trong Luật Đất đai và một số nghị định dẫn đến khó thu hút đầu tư, như chỉ áp dụng hình thức đổi đất lấy hạ tầng, cơ chế thanh toán bằng quỹ đất, cho vay vốn công trình hạ tầng ngắn hạn (thường 10 năm), bắt buộc dành 20% đất tại dự án để làm nhà ở xã hội, thu hút vốn ODA…
Về kiến nghị của TP HCM, Thủ tướng cho rằng “Thủ tục lựa chọn nhà đầu tư mà mất 588 ngày thì giật mình quá! Bộ KH-ĐT phải tháo gỡ ngay! Người ta lên mặt trăng mấy lần rồi mà mình cấp phép đầu tư chưa xong thì hiện đại hóa, công nghiệp hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh sao được! Chúng ta tự đặt ra quy định rồi làm khổ chính mình. Tinh thần là tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh hơn nữa nhằm đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng ở TP HCM cũng như nhiều địa phương khác”.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhà nước quản lý bằng quy hoạch nhưng quy hoạch trên trời, không sát thực tế là không được, quy hoạch phải khả thi. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường lập đề án sửa những quy định đang gây cản trở TP HCM trong giải phóng mặt bằng. Bộ GTVT sớm xây dựng đề án về cho thuê và nhượng quyền khai thác các công trình hạ tầng giao thông, các bộ, ngành, địa phương sớm đưa ra danh mục dự án để huy động vốn từ khu vực tư nhân, nước ngoài với nhiều hình thức.
Ngập ở TP HCM: Cấp thiết lắm rồi
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết chống ngập TP HCM là hết sức nan giải, dù TP đã có đề án khắc phục. Tuy nhiên, chống ngập rất khó thu hút đầu tư vì không sinh lời, khó thu hồi vốn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị để Thủ tướng làm việc với TP HCM. “Tình hình cấp thiết lắm rồi. Ngập hàng tháng trời, ảnh hưởng đến 5-6 triệu người, mà ngập từ dưới cống lên chứ không phải triều cường. Vì vậy, cần phải giải quyết dứt điểm” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Người Lao động.