Chạy đi chạy lại tới 20 lần
Công ty TNHH Thành Phương là DN chuyên NK phân bón các loại cho lúa, rau… từ Malaysia. Chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan, bà Đặng Thị Như Quỳnh, phụ trách XNK của Công ty cho biết: Thông thường nếu mọi vấn đề thuận lợi thì từ khi nộp hồ sơ xin cấp phép NK phân bón lên Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho tới khi DN nhận kết quả khoảng một tuần. Tuy nhiên, khi gặp trục trặc, hồ sơ thiếu sót cần bổ sung, thời gian kéo dài khá lâu.
“Đầu tháng 10 vừa qua, Công ty đã làm hồ sơ xin cấp phép NK 3 mã phân bón mới, tuy nhiên do phải bổ sung giấy tờ nên bị chậm tới đầu tháng 11. Trong khi DN yên tâm vì đã hoàn thiện hồ sơ đầy đủ thì phía Cục Trồng trọt lại yêu cầu bổ sung thêm bản báo cáo sử dụng phân bón. Đây là thứ DN không hề biết và chưa từng làm trước đó. Mặc dù phía Cục Trồng trọt đã có sự phối hợp, hướng dẫn tận tình nhưng việc xin cấp phép cũng vì bổ sung hồ sơ mà chậm tới tận ngày 15-12 mới hoàn thành. Như vậy, cho tới khi DN nhận được giấy phép cũng mất tới hơn 2 tháng”, bà Quỳnh nói.
Theo bà Quỳnh, nhiều trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chính xác là do DN, DN phải bổ sung là đương nhiên. Các cán bộ thuộc bộ phận một cửa của Cục Trồng trọt hỗ trợ DN khá sát sao. Tuy nhiên, điểm bất cập là mỗi lần DN sửa xong đem nộp lại, bộ phận một cửa chỉ tiếp nhận sau đó chuyển sang bộ phận xét duyệt và DN phải chờ đợi bị động mà không biết hồ sơ đã hoàn thiện hay chưa. Vì thế mới xảy ra tình trạng, chỉ với một bộ hồ sơ nhưng nhân viên của DN phải chỉnh sửa, bổ sung nộp lại tới 5-6 lần và số lần chạy đi chạy lại giữa trụ sở Công ty và Cục Trồng trọt lên tới 15-20 lần.
Khá ngại ngần việc làm hồ sơ giấy xin cấp phép NK phân bón, theo đại diện Công ty Song Nam (DN chuyên NK phân vi sinh từ Mỹ), thời gian từ khi nộp hồ sơ cho tới khi nhận được giấy phép tính bằng tháng chứ không tính bằng tuần. Thậm chí có trường hợp DN gửi hồ sơ theo đường bưu điện tới Cục Trồng trọt đợi chờ khá lâu không nhận được kết quả. Khi DN liên hệ, Cục Trồng trọt thông báo không nhận được hồ sơ cho nên phải làm lại từ đầu. Vị đại diện này cho hay: Việc triển khai xin cấp phép theo hồ sơ giấy truyền thống khiến DN mất thời gian, thậm chí bị động trong nhiều vấn đề.
Thiệt đơn thiệt kép
Trên thực tế, những vướng mắc trong triển khai thủ tục xin cấp phép NK phân bón theo hồ sơ giấy không chỉ làm DN tốn thời gian, công sức mà còn khiến không ít DN thiệt đơn thiệt kép. Đơn cử như trong trường hợp của Công ty TNHH Thành Phương, lô hàng NK 3 mã phân bón mới mà DN đang chờ xin cấp phép thực chất tổng khối lượng chỉ khoảng 1 tấn đã được đối tác từ Malaysia gửi về cập cảng Hải Phòng từ cuối tháng 9. Từ đó đến nay, DN vẫn chưa xin được giấy phép nên chi phí lưu kho bãi cũng tốn thêm 1 triệu đồng. “Điều quan trọng là trước khi NK, Công ty đã có hợp đồng cung cấp số phân bón này cho một DN trồng trọt dùng thử để bón cho diện tích 2ha lúa trồng thử nghiệm. Nếu thành công, DN trên sẽ mua các loại phân bón này để bón cho diện tích khoảng 2.500 ha. Như hiện tại, DN đã bị lỡ không kịp cung cấp hàng mẫu cho DN thử nghiệm. Trước hết, điều đó sẽ khiến Công ty mất uy tín và có khả năng sẽ không nhận hợp đồng cung cấp phân bón cho diện tích trồng lúa lớn hơn. Thiệt hại nhiều khi khó đong đếm bởi Công ty Thành Phương không chỉ có một đối tác mà có nhiều đối tác có nhu cầu mua phân bón”, bà Quỳnh nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện một số DN trong ngành phân bón khẳng định, qua quá trình tập huấn, DN đánh giá cao những lợi ích mà NSW đem lại. Điển hình nhất là DN thuận tiện trong khai báo, chủ động theo dõi tiến trình hồ sơ. Đặc biệt, DN giải quyết được vấn đề chạy đi chạy lại thủ công nộp hồ sơ và nhận kết quả, tiết kiệm rất nhiều công sức, giảm phiền hà. Nhiều DN tỏ ra hào hứng và sẵn sàng tham gia triển khai ngay khi thủ tục cấp phép NK phân bón được triển khai theo NSW. Có đại diện DN còn chia sẻ rằng, nếu việc thí điểm thành công, sau một vài tháng Cục Trồng trọt có chủ trương dần chuyển toàn bộ sang triển khai theo NSW mà không tiến hành làm hồ sơ giấy nữa, DN cũng rất ủng hộ.
Bên cạnh việc hào hứng và kỳ vọng về NSW, các DN cũng bày tỏ lo ngại hệ thống mới vận hành sẽ không tránh được trục trặc, xảy ra lỗi nên hy vọng trong suốt quá trình triển khai, cơ quan chức năng liên quan sẽ có sự đồng hành thiết thực với DN. Nếu có thể, DN kiến nghị nên hình thành một tổ phụ trách thường xuyên, chuyên tiếp nhận ý kiến phản hồi và giải đáp vướng mắc kịp thời cho DN.
Xung quanh vấn đề này, bà Quỳnh bày tỏ hy vọng Tổng cục Hải quan cũng như Cục Trồng trọt sau khi nhận hồ sơ khai báo của DN trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia sẽ có sự phản hồi và giải quyết hồ sơ nhanh nhất có thể để đem lại lợi ích thiết thực cho DN theo đúng tinh thần đề ra.
Theo báo Hải Quan.