Từ đầu năm 2011, nhiều nước châu Âu đã tạm ngưng nhập khẩu trái cây tươi không đạt tiêu chuẩn Global GAP (tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc). Tình trạng trên đã khiến giá một số loại trái cây giảm mạnh.
Nhiều doanh nghiệp (DN) bị trả hàng về phải đem bán giá rẻ hơn ở thị trường trong nước hoặc trông chờ xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Mất thị trường
Ông Đàm Văn Hưng, chủ DN xuất khẩu bưởi da xanh Hương Miền Tây (Bến Tre), than thở: “Đầu năm 2011 tôi đóng hai container bưởi da xanh để xuất sang thị trường Đức theo hợp đồng đã ký trước đó. Tuy nhiên khi hàng đóng xong chuyển lên cảng thì phía Đức thông báo chỉ nhập trái cây tươi đạt tiêu chuẩn Global GAP, hoặc tối thiểu phải là Việt GAP”. Do lô hàng này không đạt tiêu chuẩn Global GAP nên ông Hưng phải tháo ra đem bán lẻ ở thị trường Hà Nội rất khó khăn vì mùa đông ít người ăn bưởi.
Đến thời điểm này ông Hưng và các DN khác đều bị đối tác ngưng đàm phán ký hợp đồng xuất khẩu sang châu Âu vì diện tích và sản lượng bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn Global GAP rất ít. “Trong thời gian chờ các vùng nguyên liệu được chứng nhận, tôi phải tìm các thị trường dễ tính hơn ở châu Á. Nếu chỉ tiêu thụ nội địa thì giá sẽ giảm, thiệt thòi cho nông dân” - ông Hưng nói.
Không chỉ có bưởi, nhiều loại trái cây khác cũng vướng rào cản Global GAP khi xuất khẩu sang châu Âu. Ông Huỳnh Hồng Ửng, chủ nhiệm HTX thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang), cho biết thanh long chính vụ năm 2011 sắp bắt đầu thu hoạch rộ. Tuy nhiên thương lái chỉ mua để xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc và tiêu thụ nội địa. Khách hàng châu Âu cũng muốn nhập khẩu thanh long Chợ Gạo nhưng yêu cầu phải có chứng nhận Global GAP.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết vùng chuyên canh thanh long Chợ Gạo có khoảng 3.000ha, trong đó có trên 100ha đã canh tác theo tiêu chuẩn Global GAP dưới sự hướng dẫn của viện. Tuy nhiên do thiếu kinh phí nên chưa mời đơn vị thẩm định, chứng nhận được.
Giá rớt mạnh
Anh Lê Văn Thanh, chủ vựa tại chợ đầu mối trái cây Vĩnh Kim (Tiền Giang), cho biết từ sau tết đến nay giá bưởi giảm tới 10.000 đồng/kg, có lúc xuống chỉ còn 18.000 đồng/kg do chỉ tiêu thụ trong nước. Giá giảm, tiêu thụ ít nên dẫn đến tình trạng tới vụ thu hoạch mà không bán được.
Ông Lương Văn Chính ở xã Song Thuận, huyện Châu Thành (Tiền Giang) có 3.000m2 đất trồng bưởi da xanh. Trước tết ông bán được 27.000 đồng/kg, hiện giá còn 20.000 đồng/kg nhưng thương lái cũng không chịu mua. “Kêu riết cũng có người tới xem nhưng chỉ trả 14.000 đồng/kg nên tôi đành neo lại chờ. Mà cũng lo không biết giá có tăng trở lại hay không” - ông Chính than thở.
Bưởi năm roi Global GAP vẫn hút hàng
Ngày 20-3, ông Trần Văn Sang, chủ nhiệm HTX bưởi năm roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long), cho biết hiện nay không phải là vụ chính của bưởi năm roi nên sản lượng thu hoạch không lớn. Tuy nhiên, vì bưởi năm roi của HTX có “giấy thông hành” Global GAP nên vẫn có đơn đặt hàng. Ngày 19-3 HTX mới xuất sang châu Âu một container 25 tấn. Tuần tới sẽ xuất tiếp một container nữa. “Khách hàng đặt mua bưởi Global GAP nhiều lắm, nhưng chúng tôi không đáp ứng hết vì diện tích trồng bưởi theo tiêu chuẩn này còn ít, chỉ có 24ha” - ông Sang tỏ ý tiếc nuối. |
Ông Nguyễn Xuân Huy, giám đốc Công ty TNHH chế biến nông sản Long Giang (Tiền Giang), cho biết do không đáp ứng tiêu chuẩn Global GAP để xuất khẩu sang châu Âu nên nhãn của VN chỉ trông chờ thị trường nội địa và Trung Quốc.
Tuy nhiên từ sau tết đến nay Trung Quốc cũng hạn chế mua nhãn VN vì cho rằng chất lượng, mẫu mã đều không đạt. Vì thế giá nhãn từ 20.000 đồng/kg hồi sau tết đã lao dốc còn 12.000 đồng/kg (loại đẹp) nhưng cũng rất khó bán.
Tại vùng chuyên canh vú sữa Tiền Giang, nông dân cũng buồn so vì giá giảm chóng mặt. Theo ông Nguyễn Văn Ngàn - chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, hiện giá chỉ còn ở mức 15.000 đồng/kg, bằng 1/3 so với hồi tết. Ngay cả vú sữa canh tác theo tiêu chuẩn Global GAP cũng chỉ ở mức 25.000-27.000 đồng/kg vì sản lượng không nhiều, chủ yếu tiêu thụ trong nước.
Đẩy mạnh sản xuất Global GAP
Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu nói ông rất sốt ruột khi thấy trái cây VN cứ loay hoay trên sân nhà và một số thị trường châu Á. Ông nói: “Chỉ có xuất khẩu sang châu Âu thì giá trị trái cây VN mới được nâng cao, nông dân và DN mới có nhiều lợi nhuận. Bởi nếu chúng ta cứ dựa vào thị trường dễ tính hoài thì nông dân sẽ thiệt thòi mãi thôi”.
Theo ông Châu, hiện nay thị trường châu Âu rất ưa chuộng các loại trái cây nhiệt đới của VN như bưởi, chuối, khóm, đu đủ, thanh long, xoài... nhưng do là thị trường cao cấp nên việc họ đòi hỏi phải có tiêu chuẩn Global GAP là đương nhiên. Vấn đề là Nhà nước phải hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn này; hỗ trợ luôn cả kinh phí để chứng nhận, mở rộng diện tích và tiêu thụ sản phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang cho biết tiến độ chuyển hướng sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn Việt GAP và Global GAP ở tỉnh thời gian qua khá chậm dù đây là địa phương tiên phong trên lĩnh vực này. “Trong năm 2011 tỉnh Tiền Giang sẽ làm quyết liệt để sớm có nhiều vùng chuyên canh quy mô lớn” - ông Khang nói.
Tại “vương quốc” cây ăn trái Bến Tre, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hiếu cũng đã chỉ đạo tập trung xây dựng nhiều mô hình canh tác theo tiêu chuẩn Việt GAP và Global GAP đối với bưởi da xanh, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt...
Tuy nhiên để có những vùng chuyên canh lớn đạt tiêu chuẩn này thì phải mất vài năm. Tiến sĩ Châu đề nghị: “Cần phải thay đổi cách làm. Vừa qua Nhà nước hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình bước đầu rồi buông họ tự bơi là chưa ổn. Chúng ta phải hỗ trợ lâu dài thì mới có những vùng nguyên liệu Global GAP lớn được”.
Theo TTO