Nông dân vùng cao Bản Lầu (tỉnh Lào Cai) đang vui mừng vì vụ thơm đầu mùa xuất khẩu sang Hà Khẩu (Trung Quốc) được giá cao nhất từ trước tới nay.
Giá bán tại chân nương từ 4.500 – 4.900 đồng/kg quả chín loại A, còn giá bán lẻ cho người tiêu dùng từ 8.000 – 10.000 đồng/kg quả loại A. Riêng loại trái thơm nhỏ và vỏ thơm còn xanh được bán làm nguyên liệu chế biến thực phẩm ở các siêu thị, chợ có giá bán buôn rẻ hơn 1/2 giá bán thơm chín loại A.
Ông Thào Dìn, trưởng bản Cốc Phương, nơi trồng thơm hàng hoá đầu tiên ở huyện biên giới Mường Khương, cũng là nơi có diện tích trồng thơm xuất khẩu nhiều nhất ở tỉnh Lào Cai, nói: “Hiện nay, bà con đang trồng thêm cả cây chuối mô lấy quả xuất khẩu tiểu ngạch và cây cao su lấy nhựa bán sang Trung Quốc”.
Điều đáng chú ý là vụ thơm năm nay, có một số thương nhân Trung Quốc hoạt động ở khu vực lối mở Na Lốc – Cốc Phương xin phép biên phòng ở hai nước sang Bản Lầu mua cả nương, sau đó đưa người sang thu hái, vận chuyển về Trung Quốc tiêu thụ. Do đó, nhiều nhà máy chế biến hoa quả từ các tỉnh, thành phố trong nước lên Bản Lầu đã không mua được nhiều thơm như năm trước, bởi vì bà con thấy được giá, nên đã ký kết, bán hầu hết cho thương nhân Trung Quốc.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhiều gia đình đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Dáy ở xã Bản Lầu xoá được nghèo, bắt đầu làm giàu nhờ trồng thơm xuất khẩu. Mỗi hecta thơm cho năng suất 20 tấn trái tươi/vụ, do đó vụ thơm này mang về cho người trồng trên dưới 100 triệu đồng/ha, thu lãi ít nhất 20 triệu đồng/ha, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng bắp, mì.
Đã có không ít gia đình người dân tộc Mông ở Cốc Phương xây được nhà tầng khang trang, hoặc mua xe ôtô chở hàng, xe du lịch đời mới từ tiền trồng thơm xuất khẩu tiểu ngạch.
Người có công đưa cây thơm lên ngôi ở vùng núi xã Bản Lầu và thôn Cốc Phương chính là ông Thào Diu, ông đã từng đi làm thuê và học được cách trồng thơm có trái to và chín đều ở huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), sau đó mang về hướng dẫn cho con cháu, dân bản làm theo. Hiện nay, toàn xã Bản Lầu có 21 thôn bản trồng thơm với hơn 720ha, trong đó có 500ha đang thu hoạch với sản lượng ước đạt hơn 10.000 tấn trái tươi, tổng trị giá khoảng 50 tỉ đồng. Đây là nguồn thu đáng kể đối với một xã vùng biên giới còn nhiều khó khăn như Bản Lầu.
Theo SGTT