|
Khó để đong đếm cụ thể và chính xác những cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp khi ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam -EU. Song áp lực được dự báo sẽ không lớn hơn so với FTA giữa ASEAN-Trung Quốc hay giữa ASEAN-New Zealand và Australia...
Đó là quan điểm được ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại đưa ra trong buổi Hội thảo “Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam-EU: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam” do Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức trong khuôn khổ Dự án EU-VN MUTRAP III tại Hà Nội ngày 7/4.
Thuế suất giảm tạo cơ hội cho xuất khẩu
EU là một khu vực kinh tế đa dạng với 27 quốc gia thành viên đã trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Năm 2010, Việt Nam và EU cùng thống nhất sẽ tiến hành đàm phán về một hiệp định mậu dịch tự do. Đây là dấu mốc mới trong quan hệ giữa hai bên và được kỳ vọng sẽ mở rộng quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai bên trên cơ sở hai bên cùng có lợi và cùng phát triển.
Kim ngạch xuất khẩu vào châu Âu (chủ yếu là EU) từ 5,621 tỷ USD năm 2005 tăng gần 3 lần lên 15,446 tỷ USD trong năm 2010. EU luôn chiếm khoảng 18% thị phần xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy vậy, đến nay cả hai bên vẫn chưa đưa ra khuôn khổ đàm phán và những yêu cầu cụ thể nên chưa thể có cái nhìn đầy đủ, chính xác về hiệp định này. Mặc dù vậy, đánh giá tác động tới các doanh nghiệp, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, EU là thị trường rộng lớn, nếu đàm phán thành công, có thể mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội, đặc biệt là về xuất khẩu.
Ông Massimiliano Guelfo, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Italia tại Việt Nam cho biết, việc loại bỏ thuế quan dự kiến về căn bản đối với toàn bộ hoạt động thương mại khi có FTA sẽ đem lại những lợi thế lớn cho Việt Nam so với các đối thủ khác trên thị trường.
Thực tế hiện nay cho thấy, thuế suất trung bình đơn giản mà EU tính cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ ở mức 4,1% nhưng thuế suất trung bình theo giá trị thương mại lại lên tới 7%. Điều này có nghĩa, những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam phải đối mặt với thuế suất cao như dệt may 11,7%, thủy sản 10,8% và giày dép là 12,4%.
Cùng quan điểm cho rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ FTA, ông Tuyển nhận định, việc EU giảm thuế nhập khẩu cho Việt Nam theo FTA sẽ tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tăng xuất khẩu vào thị trường EU, đặc biệt là những mặt hàng đang bị sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc, quốc gia chưa có FTA với EU hay ngay cả những quốc gia đã có FTA với EU và những quốc gia được EU cho hưởng mức thuế thấp.
Dịch chuyển nhập khẩu
EU giảm thuế suất cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU, điều này cũng đồng thời với việc Việt Nam phải giảm thuế suất cho hàng hóa xuất khẩu của EU vào Việt Nam. Vì vậy câu hỏi đặt ra là việc giảm thuế nhập khẩu này có gây ra những xáo trộn tiêu cực tới cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam hay không?
Trước câu hỏi này, ông Tuyển cho rằng, do EU và Việt Nam là các thực thể kinh tế hỗ trợ lẫn nhau nên việc giảm thuế nhập khẩu không gây nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam. “Việc giảm thuế chỉ làm chuyển luồng thương mại, nhập khẩu từ EU có thể tăng lên và nhập khẩu từ các thị trường khác sẽ giảm khi giá cả nhập khẩu từ khu vực này trở nên cạnh tranh. Việc chuyển luồng thương mại sẽ giúp Việt Nam nhập được công nghệ nguồn, giảm lệch sai về cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam”, ông Tuyển phân tích.
Việt Nam sẽ hạ thấp thuế quan của mình và sẽ được hưởng lợi từ việc nhập khẩu với giá rẻ hơn đối với công nghệ và nguyên liệu chất lượng từ châu Âu. Mặt khác, FTA cũng sẽ tạo ra xu hướng dịch chuyển xuất khẩu của EU khi các nước EU sẽ xuất khẩu các dịch vụ chất lượng cao sang Việt Nam từ đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở nên có khả năng cạnh tranh hơn trong dài hạn.
Ngoài ra, EU cũng tăng cường đầu tư tại Việt Nam nhằm tận dụng những lợi thế đầu tư tại khu vực này. Tuy nhiên, việc ký kết FTA cũng sẽ tạo ra những thách thức cho Việt Nam nhưng đó là những thách thức có lợi, thúc đẩy Việt Nam thay đổi thể chế theo hướng hoàn thiện hơn, tái cấu trúc lại nền kinh tế thích hợp hơn với xu hướng mới đồng thời cũng buộc doanh nghiệp phải đổi mới hoạt động, thay đổi tư duy và hành động một cách tích cực.
“Cách đây hơn 4 năm, gia nhập WTO khiến nhiều người lo sợ Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà. Nhưng đến giờ, trong thị trường phân phối hàng may mặc, chúng ta đã gần như lấy lại thị phần hàng may mặc cho nam giới và trẻ em, nắm giữ hơn 50% thị phần hàng may mặc cho nữ giới. Vì vậy, tham gia chúng ta được lợi nhiều hơn, áp lực từ bên ngoài tạo ra thách thức khiến Việt Nam phải thay đổi”, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại nói.
Theo VnEconomy
|