|
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá xuất khẩu gạo bình quân FOB đạt 478,12 USD/tấn, tăng 8,19 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái
“Tình hình xuất khẩu gạo trong quý I/2011 đạt giá trị và số lượng cao nhất từ trước đến nay”. Đây là nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tại hội nghị “Sơ kết xuất khẩu gạo quý I và kế hoạch quý II/2011, tình hình mua tạm trữ và tiêu thụ lúa gạo vụ đông xuân 2010-2011” diễn ra tại TP Cần Thơ ngày 6-4.
Thắng lớn
Theo báo cáo của VFA, lũy kế xuất khẩu quý I/2011 đạt hơn 1,849 triệu tấn gạo các loại, trị giá FOB đạt hơn 884 triệu USD, tăng hơn 42% về số lượng và gần 46% về trị giá FOB so với năm 2010. Giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 478,12 USD/tấn, tăng 8,19 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, nhìn nhận: “Từ khi tham gia thị trường xuất khẩu gạo đến nay, đây là quý xuất khẩu cao nhất về số lượng và giá trị, trong khi thị trường thế giới có xu hướng sụt giảm liên tục do dự báo thu hoạch mới dồi dào và tồn kho lớn”. Tình hình thị trường trong quý I diễn biến phức tạp, trong đó Philippines là thị trường truyền thống thay đổi chính sách, trì hoãn và giảm nhập khẩu; thị trường thương mại khu vực châu Phi và Trung Đông do bất ổn chính trị làm giảm nhu cầu. Bù lại, Indonesia đã nhập khẩu số lượng lớn và được bổ sung thị trường Bangladesh nên xuất khẩu tháng 3 vượt mức kế hoạch hơn 750.000 tấn.
Tiến độ ký hợp đồng trong quý I tăng 14,73% so với cùng kỳ năm 2010 do số lượng đăng ký hợp đồng thương mại trong tháng 3 tăng hơn 821.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay. Số lượng hợp đồng còn chưa giao hàng trên 1,5 triệu tấn, cao hơn mức tồn kho trong doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nên tạo điều kiện giữ được tiến độ xuất khẩu ổn định trong quý II và tăng nhu cầu tiêu thụ lúa gạo hàng hóa vụ đông xuân.
Đến nay, thu hoạch vụ đông xuân ước khoảng 1,14 triệu ha, sản lượng đạt 7,52 triệu tấn, năng suất bình quân đạt 6,6 tấn/ha, giá thành sản xuất từ 2.800 đồng - 3.200 đồng/kg lúa. Giá lúa khô tại kho ở ĐBSCL hiện ở mức từ 5.800 đồng - 6.000 đồng/kg. Do tiến độ xuất khẩu tăng nhanh trong quý I và kết hợp mua tạm trữ nên đã tiêu thụ kịp thời lúa gạo vụ đông xuân vào thu hoạch rộ và giá lúa gạo tại ĐBSCL trong thời gian qua vẫn ở mức cao. Tính đến ngày 31-3, các DN đã triển khai mua tạm trữ hơn 783.000 tấn gạo theo kế hoạch phân bổ của VFA và VFA đã nhiều lần điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo. Giải thích cho điều này, ông Trương Thanh Phong nói: “Chính phủ và tổ điều hành xuất khẩu gạo giao cho VFA xem xét giá trong nước và quốc tế để điều hành giá linh hoạt. Do đó, có lúc lên lúc xuống, nếu giữ giá thì khó buôn bán”.
Cạnh tranh gay gắt
Kết quả đăng ký hợp đồng xuất khẩu đến cuối tháng 3 là 3,427 triệu tấn, trong đó đã xuất khẩu được gần 1,849 triệu tấn, số lượng hợp đồng còn lại giao từ tháng 4 là 1,578 triệu tấn, dự kiến lượng gạo xuất khẩu trong quý II là 2 triệu tấn. Như vậy, thị trường xuất khẩu cho quý II cơ bản đã được chuẩn bị, chỉ cần ký thêm 422.000 tấn nữa sẽ đủ cho kế hoạch giao hàng. Tuy nhiên hiện nay, khả năng cạnh tranh của Việt Nam thấp do giá gạo ở Thái Lan đã giảm tương đương giá ở Việt Nam, thậm chí có lúc thấp hơn và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu. Nếu tình hình này kéo dài, Việt Nam có thể mất thị phần với Thái Lan và khả năng khôi phục là rất khó.
Giá gạo xuất khẩu đầu tháng 4 của Việt Nam: Gạo 5% tấm giá 460 USD/tấn, 25% tấm giá 430 USD/tấn; Thái Lan: Gạo 5% tấm giá 470 USD/tấn, 25% tấm giá 445 USD/tấn. So với cùng thời điểm năm 2010, giá gạo của Thái Lan không thay đổi, trong khi Việt Nam tăng 85 USD/tấn. Giá chênh lệch giữa các nguồn cung cấp chính đã được rút ngắn nên cạnh tranh sẽ gay gắt.
Thu mua lúa không dưới 5.000 đồng/kg
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết: “Trong vụ hè thu, nếu lúa tiêu thụ chậm, VFA tiếp tục triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, đồng thời giá thu mua lúa khô không dưới 5.000 đồng/kg”.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, dự kiến sản lượng gạo hàng hóa năm 2011 là 6,2 triệu tấn, cộng với tồn kho năm 2010 chuyển sang 840.000 tấn thì lượng gạo hàng hóa năm 2011 là 7,14 triệu tấn và xuất khẩu phấn đấu trong năm nay đạt trên 6 triệu tấn. |
Theo NLĐ
|