Trong những tháng đầu năm 2011, thị trường nông sản Việt Nam nhiều phen nổi sóng khi thương nhân Trung Quốc đột ngột tăng mạnh thu mua các mặt hàng nguyên liệu trọng yếu, từ lúa gạo, thịt, thuỷ sản đến hoa quả.
Mức độ lan toả nhanh mạnh của thu mua nông sản đi Trung Quốc đã tạo ra những đảo lộn thị trường nội địa Việt Nam, dẫn đến những tin đồn không thể kiểm chứng trong giới kinh doanh cũng như người dân về lực hút bí hiểm từ phía Trung Quốc. Nhắc đến Trung Quốc có thể dễ làm cho bất cứ ai có một sự liên tưởng về một nhu cầu không giới hạn. Nhưng quan trọng hơn, khi không có đủ thông tin thì cách nhìn của chúng ta dễ mang tính cảm tính và thiên kiến. Thực sự thì nhu cầu của Trung Quốc có lớn đến mức như tưởng tượng? Và có phải thu mua của Trung Quốc sẽ luôn chỉ đem lại tổn hại đến thị trường Việt Nam? Một số phân tích từ xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc có thể cho chúng ta những hàm ý về mặt chính sách và kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang tỏ ra lo ngại về cạnh tranh thu mua nguyên liệu từ Trung Quốc làm phá vỡ kết cấu thị trường đã ổn định bấy lâu, đẩy giá bán của nông dân lên cao, gây cho doanh nghiệp ở vào thế bị động trong nguồn hàng và cung ứng xuất khẩu. Trong kinh doanh thường người bán phát hiện ra nhu cầu và đi chào hàng chứ không phải đợi người mua tìm đến. Trung Quốc có nhu cầu mới phải sang tận Việt Nam để thu mua nguyên liệu trong khi lẽ ra doanh nghiệp Việt Nam phải phát hiện nhu cầu tăng lên của Trung Quốc và tìm cách thâm nhập thị trường này. Như vậy, thay vì nhìn Trung Quốc như một mối đe doạ thì có thể coi đây là cơ hội của một thị trường đầy tiềm năng.
Thực tế, lâu nay thị trường Trung Quốc luôn bị nhìn nhận là không quan trọng đối với các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam. Xu thế này chỉ bắt đầu thay đổi kể từ giữa năm 2010 khi Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo của Việt Nam, trong tháng 5 đạt 22 ngàn tấn. Tháng 4.2011, Trung Quốc nhập lên đến trên 80 ngàn tấn. Tính chung năm tháng đầu năm 2011, Trung Quốc vươn lên thành thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ năm của Việt Nam. Như vậy, nhập khẩu Trung Quốc đã không phải đã tạo ra một cú sốc thị trường quá lớn như đồn đoán. Song nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc liên tục tăng trưởng bền vững qua ba năm và có nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục trong tương lai cho thấy đây có thể là một thị trường quan trọng cho xuất khẩu gạo Việt Nam trong tương lai.
Có một tâm lý phổ biến trong giới kinh doanh Việt Nam đó là rất e ngại khi xuất khẩu sang Trung Quốc do lo sợ rủi ro. Điều này phản ánh sự thiếu hiểu biết về thị trường cũng như các đối tác Trung Quốc. Kết quả là việc xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc thời gian qua diễn ra trong tình thế thụ động, giới thương nhân Trung Quốc sang tiếp cận và chào mua với rất nhiều các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Số lượng các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đi Trung Quốc tăng từ 4 trong tháng 1/2011, lên 32 tháng 3 và 36 trong tháng 5. Điều này cũng hàm ý rằng khác với các nước nhập khẩu khác chỉ nhập từ một số ít doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên con số rất dễ nắm bắt, phương thức nhập khẩu của Trung Quốc với rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam dễ tạo nên một sự lan truyền về các tin đồn và thổi phồng về nhu cầu thực sự của Trung Quốc.
Một điểm nữa đáng lưu ý đó là mức giá xuất khẩu đi Trung Quốc không phải thật hấp dẫn. Trong tháng 5.2011, giá gạo 5% tấm xuất khẩu đi Trung Quốc chỉ ở mức 477 USD/tấn cao hơn một số nước châu Phi, trong khi thấp hơn các thị trường như Hong Kong, Singapore, Papua New Guinea, Thổ Nhĩ Kỳ. Giá gạo xuất khẩu đi Trung Quốc so với các thị trường khác trong các tháng đầu năm cũng cho kết luận tương tự. Như vậy, thương nhân Trung Quốc không phải trả mức giá cao để phá giá thị trường và hút hết nguồn hàng về Trung Quốc.
Có một tâm lý phổ biến trong giới kinh doanh Việt Nam đó là rất e ngại khi xuất khẩu sang Trung Quốc do lo sợ rủi ro. Điều này phản ánh sự thiếu hiểu biết về thị trường cũng như các đối tác Trung Quốc. |
Do lo ngại giao dịch với thương nhân Trung Quốc có rủi ro, nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua trung gian là các tập đoàn kinh doanh nông sản toàn cầu có trụ sở ở Âu Mỹ hay Singapore. Kết quả là tạo được sự an toàn nhưng sẽ giảm lợi nhuận do qua trung gian. Kết cấu này cần phải thay đổi trong tương lai theo hướng hình thành các giao dịch trực tiếp của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc ngày càng nhập khẩu nhiều và ổn định thì việc tiếp cận và xây dựng các quan hệ bạn hàng tin cậy có ý nghĩa chiến lược lâu dài với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Như vậy, từ câu chuyện xuất khẩu gạo có thể cho thấy sự nổi lên của nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đã và đang làm thay đổi kết cấu thị trường của Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì lo ngại thái quá và bị đẩy vào thế cạnh tranh bị động, doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ càng những chuyển động đằng sau những xu hướng nhập khẩu của Trung Quốc. Thay vì chỉ nhìn nhận một chiều về Trung Quốc như mối đe doạ thì có thể coi đây là một thị trường tiềm năng lâu dài cho doanh nghiệp mình. Đã đến lúc cần đánh giá đúng tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc, từ đó xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường này một cách bài bản. Ở một tầm vĩ mô, vai trò của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và hình thành các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu và thâm nhập thị trường Trung Quốc đang trở nên ngày càng cấp bách.
Theo SGTT