|
Khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài làm giảm nhu cầu tiêu dùng, dẫn đến giảm giá nông sản, trong khi xu thế bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng cùng diễn biến thời tiết bất thường..., ảnh hưởng "sát sườn" đến nông nghiệp Việt Nam. Dù vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) trong năm 2013 vẫn ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 0,7% so năm 2012 với thặng dư thương mại đạt hơn 8,5 tỷ USD.
Đánh giá của Bộ NN&PTNT cho thấy, năm 2013 là năm không thuận lợi cho tiêu thụ nông sản cả trên mặt trận xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Nhu cầu và giá nông sản trên thị trường thế giới luôn trong xu hướng giảm suốt từ giữa năm 2012 do các quốc gia nhập khẩu nông sản chính của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật, Philippines... phục hồi tăng trưởng chậm, sức mua thấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của ngành.
Theo đó, hầu hết các loại nông sản xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, sắn, cá tra... đều có khối lượng và giá trị xuất khẩu giảm so với năm 2012, trong khi tiêu thụ trong nước cũng gặp khó khăn với nguyên nhân chính là xuất khẩu giảm (đối với các loại nông sản xuất khẩu: lúa gạo, cá tra, cà phê); sức mua trong nước giảm và phải cạnh tranh với hàng nhập lậu (đối với các loại nông sản tiêu dùng trong nước: lợn, gia cầm, đường...).
Trước tình hình một số nông sản (lúa, cá tra, thịt lợn, gia cầm) có khối lượng tồn kho lớn, giá giảm mạnh, Bộ NN&PTNT đã đề xuất cùng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ để đảm bảo lợi ích cho người nông dân như chính sách hỗ trợ lãi suất tạm trữ,khoanh nợ, giãn nợ.... Thực hiện các chính sách trên, ngành nông nghiệp đã chủ động cùng các bộ, ngành và địa phương kịp thời xử lý từ các vấn đề có tính chất tình thế như giá cả không ổn định của hàng hóa NLTS đến các vấn đề dài hạn như nghiên cứu đề xuất và triển khai thực hiện nhiều biện pháp từ cơ chế chính sách đến tổ chức quản lý, phát triển nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ; nâng cao hiệu quả ngành trồng lúa; phân phối hài hòa lợi ích (trong ngành lúa gạo, cá tra)....
Nhờ vậy, những tháng cuối năm, thị trường đã ấm dần lên với chuyển biến tích cực hơn. Xuất khẩu thủy sản, đồ gỗ và lâm sản tăng mạnh; giá nhiều loại nông sản (lúa gạo, tôm, cá tra, thịt lợn) cả trong và ngoài nước đều tăng nhanh. Theo ước tính, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cả năm ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2012, thặng dư thương mại đạt hơn 8,5 tỷ USD, trong đó thủy sản đạt 6,7 tỷ USD (+10,6%), đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ 5,5 tỷ USD (+17,8%), rau quả tăng 25,7% và đáng chú ý nhất là tôm ước đạt 3,0 tỷ USD, tăng tới 25%.
Mặc dù vậy, theo dự báo, tình hình thị trường xuất khẩu và trong nước thời gian tới còn đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, Bộ NN&PTNT cho biết, trọng tâm trong năm 2014 sẽ đẩy mạnh triển khai Đề án tăng cường năng lực quản lý chất lượng NLTS và muối giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 30/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng, nâng cấp một số phòng kiểm nghiệm thuộc các trung tâm vùng đến năm 2015 là phòng kiểm nghiệm, kiểm chứng đáp ứng yêu cầu khu vực và các nước tiên tiến trên thế giới.
"Cùng với việc chủ động đánh giá, cung cấp kịp thời thông tin an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục giải quyết các rào cản kỹ thuật liên quan đến xuất khẩu NLTS và kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc động, thực vật nhằm ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm vào Việt Nam", báo cáo của Bộ NN&PTNT nêu rõ.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp - Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định, trong năm 2014 sẽ kiên trì thực hiện kế hoạch hành động về hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2011-2015, tập trung triển khai thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế đã ký cũng như khai thác tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia. Bên cạnh đó, sẽ tích cực vận động nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, các nước và các tổ chức phi chính phủ để bổ sung vào ngân sách của ngành, kết hợp rà soát, ban hành các chính sách phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế cũng như làm tốt hơn công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường.../.
Theo vnciem
|