Giá các nông sản trên thị trường thế giới đồng loạt giảm trong tháng 5 với mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6 năm ngoái do những dấu hiệu cho thấy sản lượng của Mỹ sẽ cao kỷ lục nhờ thời tiết thuận lợi và nguồn cung ở Brazil có thể không ảnh hưởng quá nhiều tới mùa.
Chỉ số giá nông sản S&P GSCI Agricultural Index (8 loại nông sản) đã giảm 0,4% trong tháng 5, với cà phê giảm 14% và lúa mì giảm 13%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2011.
Mưa trên toàn khu vực cao nguyên của Mỹ đã hậu thuẫn sự sinh trưởng của lúa mì, và nông dân dự kiến sẽ thu hoạch vụ mùa ngô và đậu tương cao kỷ lục. Các nhà đầu tư đang đặt cược số tiền ít nhất kể từ tháng 2 cho mặt hàng nông sản. Điều này trái với những tháng đầu năm. Trong 4 tháng đầu năm, giá ngô tăng mạnh nhất trong lịch sử.
Trên thị trường Chicago, giá lúa mì giảm khoảng 12% trong tháng 5, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2011, kết thúc tháng ở mức 6,27-1/4 USD/bushel. Đậu tương cũng giảm 2,5% trong tháng, là tháng giảm giá mạnh nhất trong vòng 4 tháng. USDA cho biết 59% vụ mùa đậu tương của Mỹ đã được gieo trồng xong tính đến 25/5.
Giá ngô vừa qua tháng giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 6/2013 do dự đoán rằng dự trữ ngô thế giới sẽ tăng nhờ điều kiện thời tiết toàn cầu tốt hơn và việc gieo trồng hoàn tất và dự báo năng suất tăng. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, tính đến 25/5, nông dân nước này đã gieo trồng xong 88% diện tích ngô, tăng từ 73% trong tuần trước và đạt mức trung bình của 5 năm qua. Hoạt động gieo trồng tại Illinois, vùng sản xuất ngô lớn thứ 2 của Mỹ sau Iowa, đã hoàn thành 95% với 67% diện tích được xếp hạng tốt hoặc rất tốt. Thời tiết ẩm và ấm áp trong 2 tuần tới sẽ giúp ngô phát triển tốt, theo báo cáo ra ngày hôm nay (30/5) của T-Storm Weather.
Brian Basting, phân tích thị trường tại Advance Trading Inc. ở Bloomington, Illinois, cho hay “Nông dân đang hoàn tất nốt việc gieo trồng, mưa và nhiệt độ ấm áp nghĩa là mùa vụ sẽ có khởi đầu tốt, hứa hẹn một vụ mùa năng suất cao”.
Ủy ban Ngũ cốc Quốc tế (IGC) dự báo sản lượng ngô thế giới sẽ đạt 955 triệu tấn, tăng 0,5% so với dự báo đưa ra tháng trước. Dự trữ ngô toàn cầu trước khi bắt đầu vụ thu hoạch năm 2015 sẽ tăng lên 172 triệu tấn, cao hơn so với 163 triệu tấn dự báo trước đó.
Giá gạo châu Á diễn biến trái chiều trong tháng 5/2014, với giá gạo Việt Nam tăng nhẹ, khoảng 3-5 USD/tấn, bởi thắng thầu cung cấp 800.000 tấn cho Philippine, đẩy giá vọt lên 407 USD/tấn vào giữa tháng 5, so với 390 USD/tấn hồi đầu tháng, sau đó giảm nhẹ về 397 USD/tấn trong phiên 21/5/2014. Trái lại, giá gạo Thái Lan liên tiếp giảm, từ 395 USD/tấn hôm 22/4 xuống 370 USD/tấn hôm 21/5, bởi chính phủ nỗ lực bán gạo dự trữ ra. Đáng chú ý, giá gạo Thái Lan giảm xuống thấp hơn khoảng 20- 30 USD/tấn so với gạo cùng loại của Việt Nam, và thấp hơn khoảng 50 USD/tấn so với gạo Ấn Độ, trái với thông lệ là gạo Thái thường đắt hơn 100-150 USD/tấn so với gạo Việt Nam.
Những tháng đầu năm giá hàng hóa nhẹ tăng vọt bởi hạn hán ở Brazil đe dọa sản lượng cà phê, đường và quả có múi. Nay nông dân đang thu hoạch, và dự trữ cà phê ở các kho đang tăng lên.
Giá cà phê tháng qua giảm mạnh bởi đồn đoán nguồn cung cà phê toàn cầu sẽ đủ đáp ứng nhu cầu, ngay cả khi hạn hán trong quý I ảnh hưởng tới cây trồng ở Brazil – nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Mercon Group dự báo sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2014/15 sẽ ở mức 50,5 triệu bao loại 60 kg/bao.
Dự trữ cà phê chưa rang xay tại Mỹ, nước tiêu thụ và nhập khẩu lớn nhất thế giới, đã tăng 7,6% trong tháng 4 so với một năm trước đó. Các đại lý cho biết các quỹ đã tích cực bán khống bởi không rõ tình trạng sản lượng tại Brazil.
Kết thúc tháng 5, giá cà phê arabica tại New York ở mức 1,7750 USD/lb, giảm 12,6% trong cả tháng – tháng giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 9/2011. Cà phê robusta tại London cũng giảm theo giá tại New York, kết thúc tháng ở mức 1.937 USD/tấn, giảm 10,7% trong tháng 5, mạnh nhất kể từ tháng 9/2011.
Cà phê Việt Nam cũng giảm giá theo xu hướng thế giới. Kết thúc tháng, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên xuống mức 38,1-38,4 triệu đồng/tấn; giá Robusta giao tại cảng TPHCM giá FOB giảm 10 USD xuống 1.937USD/tấn, trừ lùi 10 USD so với giá giao tháng 7 trên sàn London.
Trái lại, giá cacao kết thúc tháng 5 vọt lên mức cao kỷ lục 32 tháng do lo ngại thiếu cung trong niên vụ 2014/15. Cacao kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE kết thúc tháng ở mức 3.082 USD/tấn.
Giá đường tháng 5 giảm nhẹ, song triển vọng sẽ ngừng giảm trong những tháng tới bởi các yếu tố cơ bản. Giá đường tại Mỹ đã hồi phục nhanh kể từ đầu tháng 4/2014, sau khi ASR và các nhà sản xuất đường khác của Mỹ cáo buộc hành vi bán phá giá đường của các nhà máy Mexico, qua đó làm dấy lên mối quan ngại về việc sụt giảm lượng đường nhập khẩu từ đối tác thương mại chủ chốt này của Mỹ.
Các chuyên gia thuộc công ty Green Pool Commodity Specialists (Australia) dự báo mức dư cung đường trên toàn cầu trong niên vụ 2014/15 sẽ chỉ ở mức 1,6 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức dư cung trong niên vụ 2013/14 là 5,05 triệu tấn. Nguyên nhân, mức tiêu thụ đường được dự báo sẽ tăng lên tương đối mạnh và sản lượng đường bắt đầu giảm xuống sau khi giá đường ở mức thấp trong hơn 3 năm qua.
Cuối tháng 5, ba nhà máy đường chủ chốt của Mỹ đã tăng giá đường tinh chế hơn 30% trong bối cảnh nguồn cung đường đang được thắt chặt và giới chức Mỹ đang xem xét áp thuế đối với đường nhập khẩu từ Mexico.
Công ty United Sugars Corp và công ty Domino Foods ( thuộc Tập đoàn Tinh chế đường Mỹ -ASR) đã đưa ra biểu giá đường mới, trong đó giá đường bán cho khách hàng công nghiệp tăng lên 37 USD/cwt (1 cwt = 45,3 kg), tương đương 37 xu Mỹ/lb (1 lb = 450 gam) trong thời hạn tới ngày 30/9/2015.
Theo sau đó, Louis Dreyfus Commodities, công ty mẹ của Imperial Sugar, cũng tăng giá bán đường của Imperial Sugar lên 38 USD/cwt, song không đề cập khung thời gian áp giá. Theo hãng tin Reuters, tất cả các mức giá niêm yết mới này đều được áp dụng ngay.
Mức giá niêm yết mới đã tăng khoảng từ 12% đến 32% so với hồi tháng 10/2013 khi hai nhà sản xuất đường Domino và Imperial tăng giá đường lên 33 USD/cwt, trong khi công ty United nâng giá đường lên 28 USD/cwt.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Domino Foods, Brian O’Malley, cho biết động thái này của các công ty là nhằm ứng phó với chi phí sản xuất đường thô tăng cao hơn.
Sản lượng đường tại khu vực Trung Nam Brazil- khu vực trồng mía đường lớn nhất thế giới - có khả năng sẽ giảm 3,2% trong năm nay do hạn hán, giảm từ 34,3 triệu tấn của niên vụ trước xuống còn 33,2 triệu tấn trong niên vụ bắt đầu từ ngày 1/4/2014. Theo Bộ Nông nghiệp Thái Lan, tình trạng khô hạn đã diễn ra tại 32 trên tổng số 77 tỉnh ở Thái Lan. Mùa khô kéo dài hơn tại Thái Lan có thể làm giảm sản lượng trong niên vụ tới. Theo Thai Sugar Millers Corp. (TSMC) - tổ chức đại diện cho 51 doanh nghiệp sản xuất mía đường Thái Lan, sản lượng mía đường tại nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới này trong niên vụ 2013-14 có thể sẽ thấp hơn so với dự báo, chỉ đạt 11 triệu tấn, thấp hơn so với ước tính 12 triệu tấn. Lượng mía thu hoạch ước đạt 105 triệu tấn, giảm so với dự báo trước đó 110 triệu tấn, bởi thời tiết khô hạn đang ảnh hưởng tiêu cực tới cây trồng.
Giá cao su tháng 5 giảm bởi tăng trưởng yếu ở Trung Quốc và lo ngại dư cung. Cacao kỳ hạn trên thị trường TOCOM (tham chiếu cho thị trường cao su toàn cầu) kết thúc tháng 5 ở mức 198,6 yen/kg, giảm 3,3% trong cả tháng.
Theo Vinanet