Theo công bố của WTO, mặc dù Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 5 về tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu trong phạm vi các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhưng xét trong nội khối ASEAN, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2010 chỉ cao hơn Myamar (đạt 20%) và tương đương mức tăng trưởng của Camphuchia (hơn 23%).
Trong năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt gần 157 tỷ USD, tăng 23,6% so với kết quả thực hiện của năm 2009. Nếu như năm 2009, trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ suy giảm 12% so với năm trước đó và mức suy giảm này thấp hơn so với nhiều nước khác trong khu vực; thì những con số thống kê nói trên của năm 2010 lại phản ánh những điều ngược lại.
Tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hóa của các nước thành viên ASEAN năm 2010 là khá cao, ví dụ Indonesia tăng 38% (trị giá 290 tỷ USD); Lào tăng 36% (khoảng 3 tỷ USD), Thái Lan tăng 32% (trị giá 378 tỷ USD), Philippine tăng 30% (trị giá 110 tỷ USD) Malaysia và Singapore cùng tăng 29% (trị giá tương ứng là 364 tỷ USD và 663 tỷ USD) trong khi đó tốc độ tăng của Việt Nam chỉ đạt 23,6%. Tốc độ tăng trưởng chậm đã làm tỷ trọng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tổng kim ngạch của khối ASEAN giảm từ mức 8,16% năm 2009 xuống còn 7,84% trong năm 2010. Số liệu thống kê của WTO cũng cho thấy Singapore là nhà xuất nhập khẩu lớn nhất trong khu vực ASEAN, bỏ xa các nước Thái Lan và Malaysia xếp ở vị trí thứ 2 và thứ 3.
Xét ở cấp độ toàn cầu, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam xếp thứ 38, tiếp tục giữ nguyên thứ hạng đạt được trong năm 2009 và chỉ chiếm 0,5% tổng kim ngạch ngoại thương hàng hóa toàn Thế giới. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2010 là 26,4% tuy nhiên mức tăng trưởng xuất khẩu này chỉ cao hơn so với Campuchia, ngang bằng với mức tăng của Malaysia và thấp hơn tốc độ tăng của tất cả các nước ASEAN khác .
So với năm 2009, thứ hạng xuất khẩu của Việt Nam trong khối ASEAN vẫn không được cải thiện, giữ nguyên vị trí thứ 5 nhưng ở cấp độ toàn cầu thì thứ hạng của Việt Nam được đẩy lên 2 bậc, xếp thứ 39 trên toàn thế giới.
Theo Vinanet