Theo báo cáo mới nhất, xuất khẩu của nước này đạt 162 triệu USD trong tháng 6 và 874 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, cả hai con số này đều tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn tăng trưởng bất chấp những khó khăn kinh tế tại các thị trường chủ chốt như Mỹ, châu Âu và sự gián đoạn chuỗi cung ứng tại Nhật Bản, và những chính sách thắt chặt tiền tệ trên thị trường nội địa. Điều này khiến Mỹ và các quốc gia khác lại tiếp tục gây sức ép buộc Trung Quốc tăng giá đồng nội tệ hơn nữa.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng lên 22 tỷ USD trong tháng 6 từ mức 130 triệu USD trong tháng 5 cho thấy những nỗ lực của G20 trong việc cân bằng lại tăng trưởng toàn cầu dường như không có tiến triển nào.
Hơn một năm sau khi chính phủ Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ (NDT) tăng giá so với USD, xuất khẩu của nước này đã đạt mức cao chưa từng thấy. Cùng với lợi thế trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, Trung Quốc thực sự trở thành đối thủ cho nhiều quốc gia khác.
Những người chỉ trích Trung Quốc, bao gồm cả các thành viên của Quốc hội Mỹ, cho rằng một khi đồng tiền được định giá thấp một cách bất bình thường sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Mỹ và cả một số nhà kinh tế Trung Quốc cho rằng điều đó sẽ làm chậm lại quá trình chuyển đổi của nền kinh tế Trung Quốc trên con đường giảm phụ thuộc vào thương mại quốc tế và tăng phụ thuộc vào nhu cầu trong nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã công khai thúc giục Trung Quốc tiếp tục nâng giá đồng nhân dân tệ. Một số nhà hoạch định chính sách Mỹ đã đề xuất biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia được cho là không duy trì đồng tiền của họ một cách tự nhiên. Nhiều tập đoàn kinh doanh Hoa Kỳ phản đối việc ép buộc Trung Quốc như vậy, vì lo ngại nó có thể dẫn đến chiến tranh thương mại.
Từ tháng 6 năm 2010, khi Trung Quốc bắt đầu để đồng nhân dân tệ tăng giá dần so với đồng USD, thị phần hàng xuất khẩu của Trung Quốc tại các thị trường lớn nhất thế giới bắt đầu tăng mạnh.
Tuy nhiên, vai trò thống trị xuất khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực cần nhiều lao động, có thể bị giảm dần trong tương lai, bởi chính những chính sách của Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc hy vọng tăng lương cho công nhân Trung Quốc và giá đồng tiền tăng cuối cùng là điều chỉnh nền kinh tế theo hướng sản xuất nhiều hơn phục vụ người tiêu dùng trong nước và tránh phụ thuộc vào xuất khẩu. Nhưng các nhà kinh tế nói rằng một sự thay đổi như vậy có thể mất một thế hệ.
Tại Trung Quốc, chi phí cho các hoạt động xuất khẩu đang gia tăng. Các nhà sản xuất đang phải đối phó với tình trạng lạm phát cao nhất trong ba năm trở lại đây. Chính phủ chỉ đạo tăng lương khiến giá trị một nhân dân tệ đã tăng hơn 5,5% so với đồng USD trong khoảng 13 tháng kể trở lại đây - mặc dù đồng tiền này giảm giá so với các đồng tiền lớn khác trong giai đoạn này.
Trung Quốc đã thống lĩnh thị phần đáng kể trong một loạt các sản phẩm, từ quần áo, giày dép đến đồ nội thất.
Theo Vinanet