|
Theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hiện cả nước đang có 42.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, chiếm 7% tổng số các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
Con số này, theo ý kiến của nhiều doanh nhân là Việt kiều về tham dự cuộc hội thảo Cơ hội hợp tác đầu tư, giao thương và xuất khẩu hàng Việt Nam do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức mới đây, vẫn còn quá khiêm tốn so với tiềm lực của doanh nghiệp trong nước và hơn 4 triệu kiều bào Việt sinh sống ở trên 103 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các doanh nhân cũng có chung nhận định, hiện hàng Việt Nam rất khó thâm nhập thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài nêu ra con số đáng tự hào khi hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 70 tỷ USD, nhiều mặt hàng như giầy dép, dệt may, cà phê, gạo…đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Tuy vậy, ông vẫn đưa ra một thực tế đáng buồn là, nhiều người Việt ra nước ngoài rất hiếm khi bắt gặp các nhãn hiệu hàng hóa của nước mình ở đó. Lý do theo ông Mỹ, bởi hàng xuất khẩu Việt Nam hiện chủ yếu vẫn là hàng gia công hoặc cung cấp nguyên liệu ở dạng thô, chưa tạo được thương hiệu cho sản phẩm tiêu dùng trực tiếp.
Cùng ý kiến với ông Mỹ, nhiều doanh nhân là Việt kiều cũng lấy làm tiếc khi những năm gần đây, rất nhiều hàng hóa của doanh nghiệp Việt đã có tên tuổi trong nước nhưng vẫn chưa đủ sức vươn ra thị trường nước ngoài một cách độc lập, nhất là những thị trường khó tính như EU và Mỹ.
Thậm chí nhiều người còn chỉ ra một nghịch lý là, phần lớn hàng hóa mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài đang phân phối lại chủ yếu là hàng Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là ở các thị trường tập trung phần lớn kiều bào như: Mỹ, EU và Đông Âu. Trong khi đó, hàng Việt Nam muốn thâm nhập các thị trường này lại gặp rất nhiều khó khăn.
Nghịch lý này, theo ông Phạm Ngọc Chu, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary, Tổng giám đốc Công ty Limexport là do sự trì trệ trong tư duy, chậm đổi mới của doanh nghiệp trong nước chứ không phải do rào cản chính sách như nhiều người vẫn nghĩ.
Ông Chu cho biết, tại các thành phố lớn của châu Âu như Moscow, Berlin, Praha, Kiev, Budapest…đang có hàng trăm nghìn người Việt làm ăn, buôn bán. Mặc dù không có con số thống kê chính thức, nhưng không thể dưới 2.000 container hàng hóa được vận chuyển hàng ngày và nếu nhân với 30 ngày/ tháng và 12 tháng/năm thì đây là lượng hàng hóa khổng lồ. Tuy nhiên, đáng tiếc là lượng hàng hóa đó không phải “made in Việt Nam” mà là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan…
Theo lý giải của ông Chu, đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài không tiêu thụ hàng Việt vì khó bán. Ví dụ điển hình ngay tại chuỗi cửa hàng của gia đình ông, có bán sản phẩm cà phê Trung Nguyên G7, chất lượng tốt, giá rẻ nhưng lại bán được rất ít. Trong khi đó, sản phẩm Nescafe’ của Nesle’ lại bán rất chạy, số lượng cao hơn nhiều lần so với sản phẩm của Trung Nguyên.
“Nguyên nhân có thể do cà phê Trung Nguyên dùng ký hiệu G7 ở ngoài bao bì khiến người tiêu dùng nghĩ đến sản phẩm thuộc dòng hóa chất hay sắt thép.. chứ không phải đồ ăn, thức uống”, ông Chu nói.
Cùng với việc chọn tên gọi chưa phù hợp, theo ý kiến của một số doanh nhân khác, hàng Việt vẫn chưa thật sự đầu tư nhiều cho khâu thiết kế, bao bì sản phẩm; công tác quảng bá, marketing cho thương hiệu mới dừng lại ở mức tự phát theo ngành hàng và doanh nghiệp chứ chưa có một chiến lược tầm cỡ quốc gia.
Và, các khâu dịch vụ bán hàng như mở hệ thống bán hàng, dịch vụ hậu mãi, dịch vụ lưu kho vẫn còn yếu…
Một cái khó nữa cho hàng Việt ra nước ngoài chính là thiếu tính đại chúng, đầu tư quá nhiều vào hàng “độc” và mang tính chất to tát.
Một doanh nhân Việt kiều ở Canada cho biết, tại một cuộc triển lãm hàng xuất khẩu của Việt Nam tại nước này, có những sản phẩm rất đẹp, làm rất công phu nhưng rất ít người mua như các mặt hàng tượng khắc gỗ, tranh sơn mài, các đồ trang trí bằng đá….Đây là những sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc nhưng nếu đưa ra nước ngoài lại thiếu tính kinh tế. Bởi, nếu có mang sang châu Âu thì trong hàng triệu người may ra mới có vài người mua và cũng không biết bao giờ họ mới mua lại lần hai.
“Vì thế, với kinh nghiệm của một người sống và kinh doanh lâu năm ở nước ngoài, tôi khuyên các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng vào những mặt hàng, sản phẩm mang tính chất tiêu thụ đại chúng, nhiều người mua, nhiều người dùng, thải hồi nhanh…
Ngoài ra, hàng Việt cũng cần phải tập trung giải quyết hai vấn đề chính là mẫu mã bao bì và chiến lược phân phối thì mới có cơ hội thành công trên thị trường quốc tế”, vị doanh nhân này nêu quan điểm.
Theo vneconomy
|