Những quy định về thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công
ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu đang được Bộ
Kế hoạch - Đầu tư đưa ra lấy ý kiến rộng rãi tại Dự thảo trình Chính phủ do Bộ
này xây dựng.
Khó thành lập mới, giải thể cũng không dễ
Luật Doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn thực hiện đã
quy định về việc thành lập mới, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp. Tuy
nhiên, vì áp dụng chung cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nên Luật
Doanh nghiệp 2005 thiếu những quy định cụ thể về thành lập công ty TNHH MTV do
Nhà nước làm chủ sở hữu.
Việc thành lập mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo quy
định hiện hành chưa đảm bảo tính chặt chẽ. Mục tiêu bảo toàn và nâng cao hiệu
quả sử dụng vốn Nhà nước cũng như vai trò của Nhà nước với tư cách là chủ sở
hữu chưa được chú trọng và quy định rõ.
Trên thực tế, một số bộ, UBND cấp tỉnh và tập đoàn kinh tế
nhà nước có nhu cầu thành lập công ty TNHH một thành viên nhưng gặp khá nhiều
vướng mắc do điều kiện, thủ tục thành lập mới chưa được quy định rõ. Do vậy,
cần thiết phải có một khung khổ pháp lý về điều kiện thành lập mới, tổ chức lại
và giải thể công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước để tránh việc thành
lập tràn lan các công ty này.
Riêng đối với trường hợp giải thể doanh nghiệp, tờ trình của
Bộ Kế hoạch - Đầu tư nêu rõ: Báo cáo của phần lớn các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh,
tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đều cho rằng, trong quá trình tiến hành
giải thể doanh nghiệp có một số khó khăn chủ yếu như sau: việc xác định xử lý
công nợ phải thu, phải trả có nhiều phức tạp; nợ tồn đọng lớn, nợ khó đòi, lỗ
lũy kế kéo dài qua nhiều năm, việc thanh lý tài sản gắn liền với đất gặp nhiều
khó khăn.
Công ty TNHH MTV phải có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng
Đây là một trong những quy định về thành lập mới công ty TNHH
MTV. Đối với một số trường hợp, có thể thấp hơn mức này nếu có ý kiến chấp
thuận của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Dự thảo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng
quy định rõ Công ty TNHH một thành viên được xem xét thành lập mới ở những
ngành, lĩnh vực sản xuất, cung ứng những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho phát
triển KTXH.
Các Công ty TNHH MTV muốn tổ chức lại phải phù hợp với Quyết
định phê duyệt đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, sau khi tổ chức lại, các công ty này phải đảm bảo đủ điều kiện như
đối với trường hợp thành lập mới.
Công ty TNHH MTV bị xem xét giải thể trong các trường hợp
sau: Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết
định gia hạn; Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Kinh doanh thua
lỗ 03 năm liên tiếp và có số lỗ lũy kế bằng 3/4 vốn nhà nước tại công ty trở
lên, nhưng chưa lâm vào tình trạng phá sản; Không thực hiện được các nhiệm vụ
do Nhà nước giao trong thời gian 2 năm liên tiếp sau khi đã áp dụng các biện
pháp cần thiết; Việc tiếp tục duy trì công ty là không cần thiết.
Như vậy, ngoài một số điều kiện đã quy định tại Luật Doanh
nghiệp, dự thảo Nghị định có thêm một số điều kiện về kinh doanh thua lỗ, giải
thể mô hình công ty mẹ-công ty con.
Theo GTVT