Mở màn tái cơ cấu ngân hàng
Cuộc hợp nhất giữa các ngân hàng Việt
Nam Tín Nghĩa (VNTN Bank), ngân hàng Đệ Nhất (Ficom Bank) và ngân hàng Thương
mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã chính thức diễn ra. Ngân hàng Đầu tư và Phát
triển Việt Nam (BIDV) sẽ là ngân hàng đóng vai trò đại diện của NHNN tại ngân
hàng mới để tham gia hỗ trợ toàn diện mọi hoạt động sau khi hợp nhất. Như
vậy, sau thời gian gặp khó khăn về thanh khoản và đã được NHNN hỗ trợ, đến
thời điểm này, 3 ngân hàng trên tự nguyện sáp nhập nhằm tăng tính thanh
khoản, tiết giảm chi phí vận hành, tăng khả năng quản trị, đồng thời tăng
tính tự chủ để tạo điều kiện hoạt động mạnh hơn. Theo Thống đốc NHNN, hiện
tại UBND TP. Hồ Chí Minh đang tích cực làm việc với lãnh đạo 3 ngân hàng trên
để bàn về các thủ tục hợp nhất, xác định tên ngân hàng mới và các vấn đề có
liên quan.
Cũng trong sáng 6-12, phát biểu tại Hội
nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết:
NHNN sẽ xây dựng phương án xử lý cụ thể để giảm nhanh các ngân hàng yếu kém
kéo dài theo các phương án thích hợp với chi phí ít nhất, bảo đảm an toàn hệ
thống, không làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ quyền lợi chính
đáng của người gửi tiền và xử lý nghiêm những cá nhân có sai phạm. Sắp tới,
các bên liên quan sẽ tiến hành đánh giá lại hoạt động của cả 3 ngân hàng,
đánh giá các khoản nợ, vốn, tài sản còn lại của các ngân hàng. Và sau khi có
đánh giá chính thức của kiểm toán, NHNN sẽ cân nhắc tỷ lệ tham gia vốn Nhà
nước trong ngân hàng này.
Tâm lý người gửi tiền ổn định
Do các thông tin về việc sáp nhập các
ngân hàng yếu kém để thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, làm lành mạnh
hóa hệ thống ngân hàng đã được công bố khá minh bạch nên sau khi thông tin về
việc sáp nhập 3 ngân hàng được chính thức công bố hầu như không gây ra nhiều
sự xáo trộn về tâm lý đối với khách hàng.
Chị Nguyễn Hồng M. Một khách hàng đang
có tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng SCB cho biết: Chị đang có tài khoản tiền
gửi tại Ngân hàng SCB, tuy nhiên chị không lo lắng vì cho rằng "đã được
NHNN và đại diện của NHNN là BIDV đứng đằng sau”. "Không những thế việc
công bố thông tin sáp nhập này còn làm minh bạch, công khai đánh tan mọi lời
xì xào về các ngân hàng yếu kém gần đây”.
Đánh giá về việc hợp nhất 3 ngân hàng,
TS Lê Thẩm Dương, Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: có 3
thành công mà NHNN đã đạt được. Thời điểm sáp nhập hoàn toàn hợp lý, cách làm
hoàn toàn tốt, và cuối cùng là khiến cho chỉ số tác động niềm tin của khách
hàng vào hệ thống NHTM ngày càng cao. Việc sáp nhập này không hề vội vã, thời
cơ và thời điểm chín muồi. Thông điệp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng từng
được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh
rất kỹ từ trước đó. Việc sáp nhập của NHNN cần được ủng hộ.
Có nhiều cách để thực hiện cách tái cơ
cấu và sáp nhập. Nhưng thành công của NHNN là đã đưa ra được một mô hình tái
hợp hợp lý. NHNN sẽ hỗ trợ cho vay để đảm bảo tính thanh khoản. Đồng thời
NHNN chỉ định Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giữ vai trò đại
diện phần vốn Nhà nước tại ngân hàng mới. Việc sáp nhập đã dựa trên hai bước
làm căn bản: bước 1, từ từ ổn định ngân hàng, bước 2, tạo ra tính thanh khoản
tốt.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giám
sát tài chính quốc gia cũng khẳng định, việc 3 ngân hàng hợp nhất chỉ là bước
1, tính lâu dài cần bàn là sự tham gia của BIDV như thế nào. Từ đó mới tạo ra
được sự chuyển biến tích cực cho thị trường. Ông Ngoạn cho rằng, chỉ sáp nhập
không thôi chưa đủ nhưng chắc chắn thương vụ này là tín hiệu tích cực trong
tái cơ cấu nói riêng và hệ thống tài chính nói chung. Ông Ngoạn cũng cho
biết, quá trình tái cơ cấu còn dài, hết quý 1 năm 2012, việc đánh giá hiệu
quả các ngân hàng sẽ hoàn tất. Từ đó, mới định hình được các bước đi, chiến
dịch cụ thể.
Thúy
Hằng
VNTN banks:
Tính đến hết quý III-2011, vốn điều lệ 3.399 tỷ
đồng. Tổng tài sản 58.939 tỷ đồng. Theo báo cáo của ngân hàng, đến hết
tháng 9-2011 nợ xấu là 419 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn lên đến
374 tỷ đồng, chiếm 89,2% nợ dưới chuẩn. Khách hàng gửi tiền chính của VNTN
là khách hàng cá nhân chiếm 71% lượng tiền gửi, khoảng 25.000 tỷ đồng.
Ficom bank:
Cũng tính đến cuối tháng 9-2011 tổng tài sản
17.104 tỷ đồng, trong đó vốn huy động đạt 8.799 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của
Ficom Bank đến hết năm 2010 là 2,20% tổng dư nợ cho vay.
SCB bank:
Tổng tài sản là 77.983 tỷ đồng, trong đó vốn chủ
sở hữu gần 5.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt 42.171 tỷ đồng, và khoản nợ
Chính phủ và NHNN lên đến 2.156 tỷ đồng, trong khi con số đầu năm chỉ là
717,8 tỷ đồng. Đặc biệt, có 7.907 tỷ đồng đầu tư chứng khoán, tăng mạnh so
với mức 6.038 tỷ đồng đầu năm.
(Theo báo cáo của
NHNN và thông tin trên website của 3 ngân hàng)
|
|