|
Nhiều công ty lớn trên thế giới đang lên kế hoạch cho khả năng tan rã của khối Eurozone (khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu), tờ
Financial Times cho hay.
Theo báo này, lo ngại các nhà chức trách châu Âu
không thể kiểm soát được cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng, lãnh đạo các
doanh nghiệp lớn đã nhận thức được sự cần thiết phải tự bảo vệ trước nguy cơ
ngày càng lớn.
Cách đây ít lâu, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng
thống Pháp Nicolas Sarkozy đã mở ra khả năng Hy Lạp phải rời khối Eurrozone.
Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo châu Âu đặt dấu chấm hỏi bên cạnh sự bền vững
của liên minh tiền tệ 13 năm tuổi này.
“Chúng tôi đã bắt đầu nghĩ tới việc mọi chuyện sẽ
thế nào nếu khối Eurozone tan rã”, ông Andrew Morgan, Chủ tịch tại châu Âu của
hãng rượu mạnh Diageo, nói với Financial Times.
“Nếu các quốc gia rời khỏi đồng Euro, đồng tiền
này sẽ bị phá giá mạnh mẽ, đẩy giá của các thương hiệu nhập khẩu lên mức cực kỳ
đắt đỏ”, ông Morgan nhận định.
Các nhà sản xuất xe hơi, các hãng năng lượng, các
công ty hàng tiêu dùng và các tập đoàn đa quốc gia khác tìm cách giảm thiểu rủi
ro bằng cách chuyển dự trữ tiền mặt Euro thành những khoản đầu tư an toàn. Tập
đoàn Siemens, thậm chí, còn mở riêng một ngân hàng để gửi tiền vào Ngân hàng
Trung ương Châu Âu (ECB).
Một số công ty lớn đã xin tư vấn của chuyên gia về
những hậu quả pháp lý trong trường hợp khối Eurozone đổ vỡ đối với các hợp đồng
thương mại và vay vốn xuyên quốc gia.
Tuy nhiên, các kế hoạch đề phòng mới chủ yếu được
thiết lập ở các công ty lớn. Điều đáng lo ngại là đại đa số các doanh nghiệp vừa
và nhỏ hầu như chưa có sự chuẩn bị nào về tài chính và pháp lý cho kịch bản xấu
của số phận đồng Euro.
“Không thể cho rằng sự đổ vỡ của đồng Euro là điều
không thể. Tất cả những công ty lớn đều phải tính đến khả năng đó”, ông Jean
Pisani-Ferry, Giám đốc tổ chức nghiên cứu Bruegel có trụ sở ở Brussels, Bỉ, nhận
xét.
Một số doanh nghiệp có tầm hoạt động toàn cầu thì
cho rằng việc Eurozone sụp đổ tuy sẽ gây hậu quả xấu, nhưng những hậu quả này
có thể kiểm soát được.
“Chúng tôi đã có phân tích sơ bộ đầu tiên về ảnh
hưởng của kịch bản đồng Euro không còn là đồng tiền của Bồ Đào Nha nữa. Kết luận
là, tác động sẽ không quá lớn đối với công ty của chúng tôi, vì chúng tôi chủ yếu
xuất khẩu xe và nằm trong một tập đoàn toàn cầu”, ông Jürgen Dieter Hoffmann,
Giám đốc tài chính của hãng xe Volkswagen ở Bồ Đào Nha, cho biết.
Một vài lãnh đạo doanh nghiệp Pháp, Italy và Tây
Ban Nha cho biết, họ đã có kế hoạch sẵn sàng cho những biến động lớn về tài
chính và kinh tế. Song theo họ, sự ổn định của khu vực sử dụng đồng tiền chung
này thậm chí còn bị đe dọa nghiêm trọng hơn, nếu như người ta biết rằng các
công ty đang chuẩn bị cho điều xấu nhất!
Theo VnEconomy
|