|
Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ vừa công bố 9 dự báo về kinh tế
toàn cầu trong các năm 2012 và 2013. Đây là những nhận định về triển vọng tăng
trưởng kinh tế các khu vực, chứng khoán, hàng hóa, tỷ giá, chính sách của các
ngân hàng trung ương…
Bức tranh dự báo này kém tươi sáng, cho thấy sự giảm
tốc xa hơn của kinh tế thế giới do ảnh hưởng bất lợi từ các biện pháp cắt giảm
chi tiêu của Mỹ và châu Âu, song song với hoạt động giảm bớt đầu tư của các
doanh nghiệp và tiếp tục sa thải nhân lực của khu vực tài chính.
Dưới đây là 9 dự báo mà Goldman Sachs đã đưa ra,
theo trang Business Insider:
1. Các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục thể hiện
sự vững vàng trước các thách thức
Theo quan điểm của Goldman Sachs, những vấn đề mà
hiện các nước phát triển đối mặt sẽ không ập đến với các nền kinh tế mới nổi
trong 2 năm tới. Lạm phát ở các quốc ga này sẽ giảm tốc và chính sách kinh tế sẽ
dịch chuyển nhiều hơn theo hướng ngăn chặn sự giảm tốc tăng trưởng. Xu hướng
chính sách này đã được khẳng định ở thời điểm cuối năm 2011 này, với việc Ngân
hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần đầu tiên
trong 3 năm.
2. Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sẽ cản trở sự
tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực sử dụng đồng tiền
chung châu Âu sẽ không kết thúc vào cuối năm nay và đầu năm sau. Thay vào đó,
Goldman Sachs cho rằng, cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp tục là một rào cản đối với
tăng trưởng toàn cầu. Theo dự báo của Goldman Sachs, kinh tế thế giới sẽ tăng
trưởng 3,2% trong năm 2012, giảm 0,2 điểm phần trăm so với lần dự báo trước. Khả
năng thấp về việc các nhà chức trách châu Âu đạt được một kế hoạch hành động cụ
thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng bất lợi tới các nền kinh tế phụ thuộc vào thị trường
lục địa già - nhất là khu vực ngân hàng nắm giữ nhiều nợ của khu vực này.
3. Suy thoái rất có khả năng xảy ra ở khu vực
Eurozone
Goldman Sachs dự báo, GDP của khu vực Eurozone sẽ
giảm 0,8% trong năm 2012, ngang với mức suy giảm ở những thời điểm khắc nghiệt
nhất trong thời kỳ suy thoái 1992-1993 tại nhóm nước này. Theo ngân hàng này,
suy thoái nhẹ hiện đã xảy ra ở Anh, khu vực Scandinavia và một số nước
Trung-Đông Âu. Theo Goldman Sachs, trong năm 2013, kinh tế Eurozone sẽ phục hồi
yếu ở mức 0,7%.
4. Thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ có năm
2012 vô cùng khó khăn
Các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs cho rằng,
trong 3-6 tháng tới, các chỉ số Topix của thị trường chứng khoán Nhật, Stoxx
Europe 600 của châu Âu và MSCI AC châu Á-Thái Bình Dương trừ Nhật Bản sẽ cùng
giảm điểm. Thị trường châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất, với mức dự báo giảm
16% trước khi phục hồi chậm chạp. Chỉ số S&P 500 của thị trường Mỹ được dự
báo sẽ biến động yếu trong biên độ hẹp trong 12 tháng tới.
5. Thị trường chứng khoán châu Á sẽ “vượt bão”
tốt hơn so với các khu vực khác
Mặc dù có quan điểm khá bi quan về chứng khoán châu
Âu, Goldman Sachs tin rằng, thị trường khu vực châu Á không bao gồm Nhật Bản là
thị trường có triển vọng tăng điểm tốt nhất, với mức tăng được dự báo 14% trong
cả năm 2012. Goldman Sachs dự báo, thu nhập trên mỗi cổ phiếu tại thị trường
này sẽ tăng 5,6% và 12% lần lượt trong năm 2012 và 2013. Theo lý giải của các
nhà phân tích, giá cổ phiếu thấp hiện nay cùng với mức dự báo còn tương đối
sáng về kinh tế Trung Quốc sẽ tạo đà tăng điểm cho thị trường châu Á.
6. Lợi suất trái phiếu chính phủ sẽ tăng dần
Goldman Sachs dự báo, đường lối chính sách tiền tệ
của các nước phát triển sẽ tiếp tục theo hướng lỏng lẻo như hiện nay trong 2
năm tới và lạm phát tại các nền kinh tế này sẽ ở mức vừa phải. Theo Goldman
Sachs, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sẽ duy trì trên 2% và tăng
dần lên 3,3% vào cuối năm 2013. Lợi suất trái phiếu Đức và Anh cũng sẽ tăng,
trong khi lãi suất cơ bản ở Đức sẽ giảm 0,3 điểm phần trăm.
7. Đồng USD sẽ suy yếu
Về tỷ giá giữa các đồng tiền, các nhà phân tích của
Goldman Sachs dự báo đồng USD sẽ suy yếu nhiều trong 2 năm tới khi các nhà đầu
tư đa dạng hóa các đồng tiền nắm giữ trong danh mục. Chẳng hạn, đồng USD sẽ giảm
giá so với đồng Peso của Mexico (còn 12,5 Peso/USD), đồng Nhân dân tệ của Trung
Quốc (còn 6,13 Nhân dân tệ/USD) và đồng Bảng Anh (còn 0,58 Bảng/USD)…
8. Giá dầu thô sẽ lập kỷ lục mới
Theo Goldman Sachs, trong bối cảnh các hãng sản xuất
dầu lửa gặp khó khăn khi khai thác thêm những mỏ dầu mới sẽ ảnh hưởng tới nguồn
cung và đẩy giá dầu tăng lên trong hai năm tới. Sự tăng giá dầu này còn diễn ra
khi các nền kinh tế mới nổi tiếp tục tăng trưởng và đòi hỏi tiêu thụ nhiều dầu.
Goldman Sachs cho rằng, với mức giá dầu hiện nay, nhu cầu dầu thô đang vượt quá
nguồn cung.
9. Các nhà hoạch định chính sách sẽ có những động
thái “vô tiền khoáng hậu”
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 30/11 vừa
rồi phối hợp hành động bơm thanh khoản vào thị trường cùng các ngân hàng trung
ương lớn khác, Goldman Sachs dự báo các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế
phát triển sẽ còn có những động thái mạnh tay nữa trong hai năm 2012 và 2013.
“Chúng tôi dự báo về một gói QE3 ở Mỹ, việc mua thêm trái phiếu chính phủ của
Ngân hàng Trung ương Anh, và khả năng Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ tiếp tục can
thiệp vào thị trường ngoại hối.
Theo VnEconomy
|