Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam hoàn chỉnh Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng
trình Bộ Chính trị trước ngày 20/12/2011.
Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ
tháng 11 năm 2011 vừa được Chính phủ ban hành, Chính phủ thống nhất nhận định:
Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, tập trung, kịp thời và có hiệu quả của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp và đồng thuận của cả hệ thống chính
trị, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội nước ta
11 tháng năm 2011 đã có những chuyển biến và đạt một số kết quả tích cực. Tốc độ
tăng chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục giảm, tháng 11 là 0,39%, ước cả năm tăng khoảng
18%, xuất khẩu 11 tháng tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước, ước cả năm tăng gấp
3 lần chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ nhập siêu giảm mạnh, 11 tháng là 10,2%, thấp hơn
nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch. Cán cân thanh toán có bước được cải thiện, thị
trường ngoại tệ tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng so với năm 2010. Tăng
trưởng GDP ước đạt 6% là mức cao trong điều kiện phải tập trung kiềm chế lạm
phát, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân, đặc biệt là ở khu vực miền
núi, hải đảo, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt được quan tâm.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho rằng nền kinh tế
nước ta còn một số hạn chế, yếu kém cần tiếp tục khắc phục. Kinh tế vĩ mô chưa
thật ổn định. Lạm phát và lãi suất tín dụng tuy có giảm nhưng vẫn ở mức khá
cao; thanh khoản của ngân hàng và của cả nền kinh tế còn khó khăn, nợ xấu có dấu
hiệu tăng lên; nhu cầu ngoại tệ và sức ép về tỷ giá vào cuối năm khá lớn. Thị
trường bất động sản, thị trường chứng khoán trầm lắng. Doanh nghiệp còn gặp nhiều
khó khăn trong tiếp cận vốn, sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng… nếu
không tháo gỡ kịp thời, sản xuất sẽ trì trệ, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng,
tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2011 và tạo
tiền đề cho năm 2012, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành thực hiện các biện pháp
tài chính tiền tệ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng
trưởng; có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường quản lý giá,
khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông...
Đặc biệt trong phiên họp vừa qua, Chính phủ
thảo luận và cho ý kiến về các Đề án: tái cơ cấu đầu tư; tái cấu trúc doanh
nghiệp nhà nước và Phương án tổng thể tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn
2011-2015 có tính đến 2020; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn
2011-2015 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo
đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhà nước và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
trình.
Chính phủ khẳng định mục tiêu tái cơ cấu đầu
tư nhằm giảm tỷ trọng đầu tư công, huy động các nguồn lực của mọi thành phần
kinh tế để đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao hiệu quả đầu tư, thu
hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền trong cả nước, góp phần cải thiện
và nâng cao đời sống nhân dân; mục tiêu tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trọng
tâm là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước là nhằm nâng cao hiệu quả
hoạt động và thực hiện tốt hơn vai trò của doanh nghiệp nhà nước; mục tiêu cơ cấu
lại hệ thống các tổ chức tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển
lành mạnh, tăng cả về quy mô và chất lượng, quản lý minh bạch hệ thống, từng bước
nâng cao tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh; không còn tổ chức tín dụng
yếu kém, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính, Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhà nước và Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến đóng góp của
các Thành viên Chính phủ khẩn trương hoàn thiện các đề án trên, trong đó từng đề
án cần xác định rõ mục tiêu tổng thể, yêu cầu, định hướng và những giải pháp chủ
yếu, Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước phải bao gồm phương án tổng thể tái
cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015 có tính đến 2020, báo cáo Thủ
tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 12 năm 2011.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến, Bộ Tài
chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn chỉnh Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp
nhà nước và Đề án cơ cấu lại hệ thống
các tổ chức tín dụng trình Bộ Chính trị trước ngày 20/12/2011.
Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam trên cơ sở các đề án trên, tổng hợp thành Đề án tổng thể
tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trình Chính phủ trước
khi báo cáo Quốc hội.
Theo Vnmedia