Việt Nam cần có những bước đi khẩn trương trong tái cấu trúc
nền kinh tế đặc biệt là các lĩnh vực đầu tư công, tài chính - ngân hàng và
doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nguy cơ khủng hoảng hoàn toàn có thể xảy ra nếu
không có những hành động kịp thời.
Đây là một trong số những cảnh báo được đưa ra tại Hội nghị
Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) cho Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy tái cơ cấu
kinh tế và giảm nghèo”, diễn ra hôm 6.12 tại Hà Nội.
Theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria
Kwakwa, cuộc khủng hoảng tại châu Âu và sự yếu kém của nền kinh tế Mỹ cho thấy
tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những năm tới không có nhiều triển vọng và
vì thế VN cũng phải đối mặt với một môi trường bên ngoài khá khó khăn trong
2012 và những năm sau đó. Điều quan trọng VN cần có là ý chí chính trị mạnh mẽ
để nhanh chóng cụ thể hóa việc tái cơ cấu này và thúc đẩy việc thực thi một
cách đáng tin cậy.
Đánh giá cao những thành tựu về ổn định và cải cách kinh tế
của VN nhưng ông Sanjay Kalra, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng
chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái cần tập trung xây dựng lòng tin vào tiền
đồng và kỳ vọng lạm phát thấp hơn... Đại diện IMF cũng nhấn mạnh việc cải cách
DNNN ở Việt Nam là rất quan trọng để giảm rủi ro cho nền kinh tế và tăng trưởng
dài hạn.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết
trong năm 2012 Việt Nam không lựa chọn mục tiêu tăng trưởng cao mà tiếp tục duy
trì tăng trưởng GDP ở mức 6% (tương đương 2011) để góp phần ổn định kinh tế vĩ
mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Thủ tướng nói rằng, năm 2012,
Việt Nam có khả năng kiểm soát lạm phát ở khoảng 9%. Lãi suất tín dụng của hệ
thống ngân hàng cũng có xu hướng giảm cùng với việc giảm CPI.
Kết thúc Hội nghị CG chiều 6.12, tổng số vốn ODA mà các nước
và tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam trong năm tài khóa 2012 được công bố là
7,386 tỉ USD, thấp hơn so với mức 7,9 tỉ USD của 2010. Riêng Nhật Bản cung cấp
1,9 tỉ USD.
Theo TNO