Sự suy yếu của doanh nghiệp trong giai đoạn này không chỉ làm tăng sức ép lên thu ngân sách Nhà nước mà còn có thể ảnh hưởng đến đà hồi phục tăng trưởng kinh tế vào năm sau.
Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô tháng 4-2013, cho thấy muốn đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% thì cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn.
Doanh nghiệp giải thể vẫn tăng
Trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động, phá sản tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, với hơn 16.600 DN, tăng 16,9% so với năm ngoái. Trước đó, trong 2 năm 2011 và 2012, cả nước có trên 100.000 DN ngừng hoạt động và giải thể. Tình trạng này do sản xuất khó khăn, chi phí cao, sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho vẫn cao, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng (NH) hạn chế, tác động tiêu cực đến nguồn lực của DN.
Tăng trưởng tín dụng dù khả quan hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Theo NH Nhà nước, tính đến giữa tháng 4, tín dụng mới tăng khoảng 1,44% so với cuối năm 2012. Hiện mức lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực khuyến khích ở mức 9% - 12%/năm, còn các lĩnh vực khác phổ biến từ 11% - 15%/năm.
Tuy nhiên, mức lãi suất này chưa đủ hấp dẫn DN vay vốn đầu tư trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế còn yếu. Chưa kể, tỉ lệ nợ xấu cao khiến tín dụng khó tăng mạnh, nhiều NH tiếp tục huy động nhưng chủ yếu để trả nợ những khoản huy động cũ đáo hạn.
Khó khăn trong việc tìm đầu ra, các NH thương mại huy động vốn xong lại tập trung đầu tư tài chính phi tín dụng như mua trái phiếu Chính phủ… “Sự suy yếu của DN trong giai đoạn này không chỉ làm tăng sức ép lên thu ngân sách Nhà nước mà còn có thể ảnh hưởng nhất định đến đà hồi phục tăng trưởng kinh tế vào năm sau” - Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhận xét.
Nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng
Báo cáo cho biết mục tiêu lạm phát 6% - 6,5% của năm nay nhiều khả năng đạt được (4 tháng đầu năm lạm phát ở mức 6,83% so với cùng kỳ), mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% muốn đạt cần có những giải pháp quyết liệt hơn. Tổng cầu và tăng trưởng kinh tế sẽ được khôi phục mạnh hơn khi tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và xử lý nợ xấu cùng với tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước được đẩy nhanh trên thực tế. Vì vậy, những tháng còn lại của năm 2013, chính sách kinh tế vĩ mô nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho DN, cần hỗ trợ cả tổng cầu một cách kịp thời, đúng đối tượng và tính toán đủ liều lượng.
Về tiền tệ, cần tiếp tục hạ lãi suất để giảm chi phí cho DN, kéo mặt bằng lãi vay xuống 9% - 10%/năm nhằm khuyến khích DN vay vốn đầu tư, đẩy mạnh sản xuất. Hiện thanh khoản của NH khá ổn định, lãi suất trên thị trường liên NH ở mức thấp, tập trung chủ yếu vào kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với mức phổ biến từ 3% - 5%/năm. Lạm phát ở mức thấp, thanh khoản NH tốt là cơ sở để lãi suất cho vay có thể giảm thêm 2% - 3% trong thời gian tới.
Để hỗ trợ tổng cầu nền kinh tế, cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là tập trung giải ngân trong quý II những dự án đã có kế hoạch hoàn thành vào năm nay. Cần tiếp tục quản lý chi thường xuyên tiết kiệm, hiệu quả hơn nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách trong bối cảnh thu ngân sách Nhà nước gặp khó khăn.
Theo Người Lao Động