Doanh nghiệp xuất nhập
khẩu ở TP.HCM và cơ quan hải quan phàn nàn, việc nhiều thông tư, nhất là của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang gây phiền hà cho doanh
nghiệp.
Tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và
lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM
tổ chức mới đây, lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM đã thừa nhận, có quá nhiều thông
tư được ban hành trong năm nay, khiến ngành hải quan gặp không ít khó khăn
trong quá trình thực hiện. Điều này đang đi ngược lại với chủ trương về cải
cách thủ tục hành chính của Chính phủ.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng Phòng
Giám sát quản lý (Cục Hải quan TP.HCM) cho biết, nhiều thông tư của Bộ
NN&PTNT đưa ra đã gây khó cho doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ NN&PTNT là cơ
quan đầu tiên ban hành thông tư hướng dẫn Luật An toàn vệ sinh thực phẩm (Thông
tư 55/2011/TT-BNNPTNT), mà không cần nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Cũng vì
thông tư này, mà hàng loạt hàng hóa của doanh nghiệp xuất khẩu chưa có đủ điều
kiện đều mắc kẹt tại cảng. Kế đến, theo Thông tư 62/2011/TT-BNNPTNT của Bộ
NN&PTNT về quản lý thức ăn chăn nuôi, hàng hóa nhập khẩu phải nằm trong danh
mục của Bộ NN&PTNT quy định, nếu không, doanh nghiệp phải đi xin giấy phép.
“Danh mục hướng dẫn tại các thông tư của
Bộ NN&PTNT phần lớn đều dài 10 trang giấy. Vì thế, cán bộ hải quan mất rất
nhiều thời gian dò danh mục hàng hóa được phép xuất, nhập khẩu”, ông Toản bức
xúc.
Bên cạnh đó, nhiều thông tư do các bộ
khác ban hành trong năm nay cũng đang gây khó cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, như
Thông tư số 11/2011/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành ngày 30/8/2011, có hiệu lực
từ ngày 15/11/2011, quy định tiêu chuẩn sản phẩm đối với vật liệu xây dựng,
doanh nghiệp nhập khẩu phải nộp chứng chỉ ISO môi trường của nước nhập khẩu.
Kết quả là, không một doanh nghiệp nào có chứng chỉ này.
“Không biết khi Bộ Xây dựng ban hành
thông tư này có tham khảo ý kiến doanh nghiệp hay không. Riêng ở góc độ hải
quan, chúng tôi không cần ISO về môi trường. Doanh nghiệp chủ yếu bị tắc thủ
tục ở Trung tâm 3 (QUATEST 3), nhưng Trung tâm này cũng gặp khó, bởi không ai
hướng dẫn ISO môi trường là cái gì”, lãnh đạo Cục Hải quan thừa nhận.
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty
cổ phần Thương mại Toàn Lực thắc mắc việc doanh nghiệp nộp thuế nhập khẩu đúng
hạn, nhưng khi mở tờ khai hải quan, thông tin phản hồi từ cơ quan hải quan vẫn
báo doanh nghiệp nộp thuế quá hạn. Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục
Hải quan TP.HCM cho biết, trường hợp của Công ty Toàn Lực là do doanh nghiệp
nộp nhầm đơn vị thụ hưởng. “Có tháng, chúng tôi nhận được 200 - 300 báo cáo
treo do chi cục hải quan khác chuyển đến. Cục Hải quan phải làm 7 động tác mới
có thể chuyển được tiền về đơn vị phát sinh (doanh nghiệp nộp sai)”, ông Nghiệp
nói và khuyến cáo doanh nghiệp khi mở tờ khai hải quan ở đâu, thì nên nộp tài
khoản thụ hưởng ở đó, vì hiện có đến 11 cửa khẩu, do vậy rất dễ bị nhầm lẫn.
Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ
nghệ Gỗ Trường Thành cho biết, Thông tư 108/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính về
tăng thuế xuất khẩu mặt hàng gỗ ghép lên 20%, mặc dù theo mô tả hàng hóa tại
Thông tư này, thì mặt hàng của Gỗ Trường Thành không thuộc phạm vi điều chỉnh,
song Công ty lại đang bị ách tắc vài container tại cảng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nghiệp đã
chỉ đạo cán bộ phụ trách phải có văn bản kiến nghị lên Tổng cục Thuế (Bộ Tài
chính), để sớm có câu trả lời cho doanh nghiệp. Trong trường hợp đợi câu trả
lời quá lâu thì phải có văn bản giải thích cho doanh nghiệp rõ.
Tình trạng hàng hóa bị ách tắc nhiều ở
cảng, trong khi doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực tăng chi phí lưu kho, lãi
suất vốn vay cao… đã dẫn đến hệ quả là đã có nhiều lô hàng, doanh nghiệp tự ý
bán ra thị trường, mà chưa được sự đồng ý của Hải quan.
Trước tình trạng trên, Lãnh đạo Cục Hải
quan TP.HCM cũng chỉ còn cách tư vấn cho doanh nghiệp, khi gặp vướng mắc thì cứ
đến trực tiếp Phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan Thành phố (tại số 2, Hàm
Nghi, quận 1, TP.HCM) để được hướng dẫn giải quyết…
Theo BaoMoi