Ngành đóng tàu
đang tập trung vào 3 lĩnh vực chính theo chỉ đạo của Chính phủ, tuy nhiên, tìm
được hướng đi đúng để phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu là
không dễ.
Trong hơn 10 năm qua nhiều con tàu đặc chủng có hàm lượng
khoa học lớn được đóng mới thành công tại VN được chủ tàu trong và ngoài nước
đánh giá cao. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, ngành đóng tàu mới chỉ thực
hiện được phần gia công và lắp ráp vỏ, lắp đặt thiết bị lên phần thân tàu.
Theo các chuyên gia ngành đóng tàu, tỷ lệ giá thành cấu thành
lên giá bán con tàu bao gồm vật liệu chính (thép tấm, thép hình, thép
ống) là 20%, vật liệu phụ 5%, thiết bị phần máy tàu 24%, thiết bị boong 20%,
thiết bị điện và phụ kiện 4,5%, thiết bị thông tin và VTD 5%, các chi phí khác,
trong đó có phần không nhỏ là chi phí cho nhân công chiếm 20,5%. Trong đó ngành
đóng tàu của VN mới chỉ tham gia một giá trị gia tăng rất nhỏ là giá nhân công
đóng tàu, vật liệu phụ.
Phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm hạ giá thành sản phẩm và
chủ động trong sản xuất là một hướng đi đúng. Trong thời gian qua, ngành đóng
tàu VN nói chung và Tập đoàn CNTT VN Vinashin nói riêng đã tiến hành xây dựng
hơn 10 đơn vị tham gia vào việc hỗ trợ sản xuất các sản phẩm công nghiệp tàu
thủy.
Bước đầu, các đơn vị này đã xây dựng được cơ sở hạ tầng, dây
chuyền sản xuất lắp ráp chế tạo sản phẩm CNTT. Một số đơn vị cũng đã đi vào sản
xuất và cung cấp cho thị trường nội địa các sản phẩm như nội thất tàu thủy,
xuồng cứu sinh, ống gió, vật liệu hàn và hạt mài làm sạch.
Có những sản phẩm đã đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp được các
chủ tàu nước ngoài lựa chọn như cửa nội thất tàu thủy của Công ty Senjin
Vinashin đã được lắp đặt cho các tàu xuất khẩu của Tập đoàn và một số chủ tàu
nước ngoài đặt mua. Nhà máy lắp ráp động cơ Diesel Bạch Đằng đã lắp ráp thành
công máy chính Mitsubishi lắp cho tàu hàng 22500T của Công ty Vận tải biển VN.
Vinashin cũng đã sản xuất được các vật liệu phụ như que hàn, khí oxy, hạt
mài...
Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm đã được kiểm nghiệm trong
thực tế, nhiều sản phẩm “made in Vinashin” này gặp khó khăn trong tiêu thụ bởi
giá thành cao (vật liệu hàn, hạt mài) mà chất lượng chưa tương xứng.
Các sản phẩm như hệ thống bảng điện, bảng điều khiển đa dạng
nhưng chưa đạt chuẩn cấp chứng chỉ đăng kiểm quốc tế về kiểu loại sản phẩm nên
khó cạnh tranh với các sản phẩm tương tự của nước ngoài. Bên cạnh đó, công tác
tiếp thị sản phẩm còn manh mún, chưa có tầm chiến lược trong tiêu thụ và bán
sản phẩm kể cả trong ngành và ngoài ngành. Không chỉ có vậy, yếu kém lớn nhất
mà các doanh nghiệp này đang phải đối mặt là vấn đề đầu tư và quản lý tài chính
không tốt.
Sở dĩ còn những tồn tại đó là do các doanh nghiệp của
Vinashin chưa xác định được năng lực thực tế nên dẫn đến việc hoạt động sản
xuất kinh doanh về cơ bản là lỗ, không thể cân bằng tài chính, tình trạng nợ
kéo dài.
Các doanh nghiệp này cũng chưa có một cái nhìn dài hơi để
phân tích nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu dẫn đến việc chưa xác định
được loại sản phẩm nào có khả năng cạnh tranh trên thị trường và quy mô đầu tư
sản xuất, công suất sản phẩm, thị trường tiêu thụ như thế nào cho phù hợp.
Tập đoàn CNTT VN cũng chưa xây dựng được một đề án tổng thể
xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển song song với việc quy hoạch phát
triển công nghiệp đóng tàu, các vấn đề về cơ chế tổ chức doanh nghiệp, tiến
trình cổ phần hóa, các cơ chế tài chính, nhân công lao động...
Hiện tại, Vinashin đang tập trung vào 3 lĩnh vực chính là
đóng mới, sửa chữa tàu và phát triển công nghiệp phụ trợ theo tinh thần chỉ đạo
của Chính phủ nhằm đưa ngành đóng tàu ổn định phát triển bền vững. Với riêng
ngành công nghiệp phụ trợ, Tập đoàn đã và đang rà soát, đánh giá thực trạng đầu
tư của các dự án xây dựng cơ sở sảu xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, quy hoạch
lại các đơn vị sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Thiết lập sắp xếp lại cơ
cấu tổ chức các đơn vị sản xuất theo hướng tổng công ty và các đơn vị thành
viên độc lập; Thực hiện cổ phần hóa, xã hội hóa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm
công nghiệp hỗ trợ; Đầu tư để tạo sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt chất lượng
quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; Xây dựng cơ chế về thuế, tài
chính, nguồn nhân lực...; Xác định thị trường cho các sản phẩm; Đánh giá đúng
năng lực, tận dụng năng lực cơ khí của đơn vị đóng tàu tiến tới xác định khả
năng chế tạo sản phẩm cơ khí tàu thủy; Xây dựng kế hoạch tiến độ sản phẩm công
nghiệp hỗ trợ được sử dụng cho thị trường nội địa, tiếp theo hướng ra thị
trường quốc tế; Tìm hiểu, hợp tác với các công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp
hỗ trợ từ các thị trường phát triển...
Nói về vấn đề này, Phó TGĐ Tập đoàn CNTT VN Nguyễn Quốc Ánh
cho biết: Phát triển sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp đóng tàu và
công trình biển là lĩnh vực mới mẻ đối với Tập đoàn CNTT VN trong bối cảnh chịu
sự cạnh tranh quyết liệt của các nhà cung cấp khác trong khu vực và trên thế
giới.
Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng, bằng chiến lược, kế hoạch
phát triển phù hợp công nghiệp hỗ trợ sẽ từng bước khẳng định vị thế trên thị
trường trong nước và tiến tới phát triển hòa nhập với nền kinh tế khu vực và
thế giới.