“Liên kết chuỗi trong cung ứng là con đường tất yếu đưa lại sự sản xuất và tiêu thụ ổn định, từng bước nâng cao chất lượng và uy tín của sản phẩm. Tuy nhiên hiện nay mối liên kết đó chưa có được sự gắn kết chặt chẽ và còn nhiều bất cập”. Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia đưa ra trong buổi hội thảo “Kinh nghiệm quản lý chuỗi cung ứng đối với một số mặt hàng thiết yếu” do Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp với Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên giai đoạn III (MUTRAP III) tổ chức sáng ngày 22-2-2012 tại TP.HCM.
Tham dự hội thảo có Ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương; Ông Đỗ Văn Nam, Cục trưởng Cục chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cùng đại diện các Sở, Ban, Ngành và các doanh nghiệp địa phương lân cận TP.HCM
Tại hội thảo, các tham luận đã đánh giá tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, phân tích diễn biến thị trường, các nhân tố tác động, vai trò của chuỗi cung ứng đối với công tác đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trên cơ sở kinh nghiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng hàng hóa, từ các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đầu vào tới các doanh nghiệp sản xuất nhiều kiến nghị đã được nêu lên tại hội thảo.
Bà Bùi Hạnh Thu cho rằng xây dựng chuỗi cung ứng cho một mặt hàng không thể chỉ nên dựa vào từng doanh nghiệp mà cần phải có chiến lược rõ ràng, cụ thể. Doanh nghiệp dù có cố gắng và có tâm huyết đến mấy cũng chỉ thu được kết quả rất hạn chế. Cùng với đó, phải hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng chuỗi cung ứng như tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng để doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối, liên kết với người dân…
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đỗ Văn Nam cho rằng cần nâng cao vai trò của nhà nước trong việc định hướng xây dựng và triển khai các chuỗi liên kết cung ứng. Trước mắt cần có một chiến lược dài hạn để phát triển bền vững trong mối tương quan lợi ích của doanh nghiệp với người sản xuất và rộng hơn là sự cạnh tranh các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam trên tất cả các thị trường. Từ chiến lược này, xây dựng một hệ thống chính sách đầy đủ, đồng bộ và khả thi bao gồm các vấn đề như: đất đai, quy mô sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ, khuyến nông, ưu đãi đầu tư, tín dụng… cũng như những biện pháp đảm bảo hạn chế được sự đơn phương phá vỡ hợp đồng đã ký kết trong các mối liên kết… Có như vậy những mô hình liên kết cung ứng nông sản mới có thể bền vững và thoát khỏi tình trạng là những “mô hình thí điểm” như hiện nay.
Thanh Long