Việc tìm lối cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu được kỹ sư Doãn Mạnh Dũng đề xuất thông qua việc mở rộng luồng Trần Đề đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Đề xuất hợp tác BOT
Vừa qua, Hội biển TP HCM đã phối hợp với Trường Đại học GTVT TPHCM tổ chức buổi báo cáo đánh giá đề tài “Giải pháp khả thi luồng Trần Đề” của kỹ sư Doãn Mạnh Dũng. Đây là đề tài mà cá nhân kỹ sư Dũng và nhiều nhà khoa học kinh tế biển tâm huyết hơn 10 năm qua.
Đã có nhiều phương án đưa ra như nạo vét cửa Định An, đào kênh Quan Chánh Bố, song theo kỹ sư Dũng việc có thêm một luồng thứ 2 cho tàu biển vào sông Hậu là không hề thừa vì nhu cầu vận chuyển hàng xuất nhập khẩu của khu vực này trong tương lai là rất lớn.
Để chứng minh cho các giải pháp khả thi về luồng Trần Đề, tác giả Doãn Mạnh Dũng đã vận dụng khoa học quốc tế về Cực Lôriolic trong cơ học lý thuyết, mô hình động năng dòng hoàn lưu tầng đáy tác động vào bờ biển, chiều quay của bão ở Bắc và Nam bán cầu, cũng như việc hình thành các luồng, cảng biển nước sâu trên thế giới và Việt Nam... để giải thích về điều kiện tự nhiên hình thành luồng Trần Đề ở Sóc Trăng. Qua phân tích các yếu tố cho thấy, độ sâu luồng tự nhiên tại luồng Trần Đề ở mức thấp nhất là 4,8m.
Từ đó kỹ sư Doãn Mạnh Dũng cho rằng, với độ sâu tự nhiên kết hợp với thuỷ triều thì luồng Trần Đề có thể cho tàu 10.000DWT đầy tải ra vào với xác suất khoảng 131 ngày trong năm. Nếu được nạo vét thì có thể đáp ứng cho tàu 20.000DWT ra vào với xác suất ngày trong năm còn cao hơn.
Theo kỹ sư Doạn Mạnh Dũng, kinh phí cho việc nạo vét luồng Trần Đề khoảng 30 triệu USD. Phương án khả thi là thành lập Công ty CP Tư vấn và đầu tư vận tải biển Việt Nam để thực hiện theo hình thức BOT mà không sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước.
Cần khảo sát thực tiễn
Đánh giá về “Giải pháp khả thi luồng Trần Đề” của tác giả Doãn Mạnh Dũng, thuyền trưởng Tiếu Văn Kinh, Chủ tịch CLB Thuyền trưởng Việt Nam cho rằng, việc nghiên cứu thêm một luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu là rất cần thiết.
Tuy nhiên, theo ông Kinh, tác giả chỉ mới đưa ra các con số mang tính định tính, chưa có những con số mang tính định lượng thuyết phục. Bởi thực tế, nếu nhìn vào bản đồ cũng có thể thấy là có đường đi cho tàu biển vào sông Hậu. Quan trọng là luồng đó có vĩnh viễn không hay phải nạo vét hàng năm. “Cần có con số thống kê về độ sâu luồng của nhiều năm trước và hiện nay để so sánh, chứng minh đó là độ sâu vĩnh viễn hay tạm thời theo quy luật bồi lắng”, ông Kinh nói.
Trong khi đó, ông Bùi Thanh Tùng, nguyên là cán bộ của Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam còn nghi ngờ về độ sâu luồng tự nhiên mà tác giả Doãn Mạnh Dũng đưa ra. Bởi thực tế khảo sát của Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam trước đây thì luồng Trần Đề chỉ sâu 1,7m. “Nếu độ sâu thấp nhất tự nhiên của luồng Trần Đề là 4,8m thì có thể đề xuất Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam thả phao để cho tàu đi thử”.
Nguyên Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật Hải quân, ông Nguyễn Văn Lợi cũng ủng hộ lý thuyết mà tác giả Doãn Mạnh Dũng đưa ra, tuy nhiên cần có sự kiểm tra giữa lý thuyết và thực tế. Để cho tàu đi được ngoài độ sâu luồng cần có nhiều yếu tố khác như hướng luồng, thuỷ triều, gió... “Cần khảo sát nhiều năm với nhiều chỉ số khác nhau chứ không chỉ một yếu tố là độ sâu luồng”, ông Lợi đề nghị.
Nhìn chung, các nhà khoa học đều thống nhất quan điểm cần nghiên cứu về luồng Trần Đề để đề xuất thêm một luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Tuy nhiên, đây chỉ mới là ý tưởng, cần xây dựng thành một đề tài “Nghiên cứu luồng Trần Đề” để các nhà khoa học thảo luận, đóng góp ý kiến phản biện. “Các nhà khoa học phải thống nhất với nhau về quan điểm và phương án khả thi trước khi trình cơ quan chức năng”, thuyền trưởng Tiếu Văn Kinh kết luận.
Theo GTVT