Theo thống kê của ngành chức năng, lượng hàng hóa xuất khẩu của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hằng năm từ 17-18 triệu tấn, trong đó trên 70% phải vận chuyển bằng đường bộ lên cảng Tp.HCM. Lý do: hệ thống cảng tại khu vực ĐBSCL chưa đáp ứng yêu cầu xuất trực tiếp, các cảng biển nằm sâu trong nội địa chỉ tiếp nhận được tàu có tải trọng tối đa 10.000 DWT (vơi tải), lợi dụng thủy triều ra vào do từ cửa sông Soài Rạp đến Cà Mau thông ra biển bồi lắng. Hơn nữa, dịch vụ hậu cần logictics tại cảng chưa được đầu tư đồng bộ, trong khi đa phần hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp (gạo, thủy hải sản) rất cần kho đạt chuẩn để bảo quản tại cảng.
Chờ và… đợi!
Với riêng Cần Thơ, trong khi hàng hóa ở nơi đây không thể xuất trực tiếp qua các cảng mà phải trung chuyển đến TP.HCM làm tốn thêm thời gian, chi phí khiến không ít nhà đầu tư ngán ngại và điều đó làm giảm sức hút trong mời gọi đầu tư vào vùng đất được mệnh danh là Tây đô.
Ông Lê Minh Kháng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, cho biết: Luồng Định An được Cục Hàng hải tiến hành nạo vét nhiều năm qua để cho tàu lớn ra vào sông Hậu. Tuy nhiên, thời gian qua công tác nạo vét chưa đạt kết quả cao. Chỉ sau nạo vét vài tháng, luồng lại bồi lắng, cốt luồng cạn, tàu 10.000 DWT đầy tải không thể ra vào cảng trên sông Hậu. Chỉ năm 2011, nạo vét đạt cốt luồng -4m và đưa vào sử dụng từ tháng 8-2011 đến nay, theo kết quả đo đạc luồng chỉ bồi lắng khoảng 0.5m. Cốt luồng hiện tại đạt -3.5m, tàu 10.000DWT giảm tải có thể lợi dụng thủy triều ra vào sông Hậu (tàu có mớn nước 7-8m). Cục Hàng hải đang trình Bộ GTVT phương án nạo vét 2012, duy trì cốt luồng -4.1m. Theo ông Kháng, luồng Định An là tuyến huyết mạch cho tàu biển vào các cảng trên sông Hậu, trong khi chờ kênh tắt Quan Chánh Bố hoàn thành thì phải duy trì luồng Định An.
Theo quy hoạch chi tiết của Bộ Giao thông Vận tải (Quyết định số 1746/QĐ-BGTVT) về nhóm cảng biển số 6 ở ĐBSCL, xây dựng cảng Cần Thơ thành cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực, các cảng tổng hợp địa phương, các bến cảng chuyên dùng tại khu vực sông Tiền, sông Hậu, bán đảo Cà Mau ven biển Tây và đảo Phú Quốc là cảng vệ tinh. Theo đó, nghiên cứu, triển khai phương án vận tải than nhập cho tàu trên 100.000 DWT phục vụ các trung tâm điện lực; phương án chuyển tải hàng hóa khác cho tàu biển lớn trên 100.000 DWT tại khu vực ngoài khơi sông Hậu. Duy trì luồng cho tàu biển vào sông Hậu, đây là nhánh sông chính nằm ở trung tâm ĐBSCL thuận lợi cho thông thương hàng hóa với Campuchia ra biển Đông từ cửa Định An. Tuy nhiên, như đã nói, hiện luồng cho tàu lớn vào sông Hậu đang là trở ngại lớn trong việc phát huy công năng của các bến cảng khu vực này.
Không chỉ là chuyên chở hàng hóa. Một khi được hình thành tuyến đường thủy quốc tế theo luồng hàng hải nối liền Đông-Tây, vành đai Thái Bình Dương... cho phép tàu trọng tải 10.000- 20.000 tấn lưu thông tới cảng Cần Thơ không chỉ kích hoạt hàng loạt tiềm năng vận tải hàng hóa, dịch vụ liên quan đến xuất nhập khẩu mà còn giúp phát triển du lịch trên nền sông nước - một trong những nhân tố đột phá cho phép khai thác đúng tầm thế mạnh truyền thống của toàn vùng ĐBSCL.
Mở luồng Trần Đề…
“Từ Cảng biển quốc tế đầu tiên nhìn đến tương lai phát triển”: Đây là tên gọi của cuộc hội thảo diễn ra vào cuối năm 2011 tại Sóc Trăng. Chia sẻ với đề xuất của đại diện Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã trình bày tại hội thảo về Thương cảng Bãi Xàu trong quá khứ.
Theo các nhà nghiên cứu, Thương cảng Bãi Xàu ban đầu nằm ở địa điểm nay thuộc ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Tài liệu của nhà văn Sơn Nam, cho biết: Ở vàm Hậu Giang, từ lâu người Miên sống tập trung tại vùng Ba Thắc (Sóc Trăng) trên đất giồng cao ráo, làm ruộng khéo léo, gạo nổi tiếng là ngon. Thay vì chở lên Sài Gòn, thương gia địa phương đứng ra chịu mối với các ghe buôn từ nước ngoài đến. Một thương cảng thành hình từ xưa, phỏng đoán là ở vùng Bãi Xàu (Mỹ Xuyên ngày nay) nơi sông Ba Xuyên (tức rạch Bãi Xàu) ăn thông ra Hậu Giang. Rạch Bãi Xàu rộng 30 tầm (76,8m), sâu 1 tầm 2 thước (3,5m). Từ đây đi 1300 tầm (3328m) có phố Trường Tàu nằm bên trái rạch, thuyền buôn nước ngoài hư hỏng vào đây tu bổ, neo đậu san sát nên mới gọi là Trường Tàu. Ngay từ giữa thế kỉ XVIII, Bãi Xàu đã là một thương cảng quốc tế đúng nghĩa. Nhiều tàu thuyền buôn ngoại quốc và bản xứ thu mua hàng hóa để chở sang bán ở các nước lân cận, đặc biệt là ở thủ đô Nam Vang (Phnom-pênh) của Campuchia. Năm 1902, thực dân Pháp cho dời cảng chợ Bãi Xàu về phía đông bắc gần 2km, ngay đầu kinh Saintard và kinh Tiếp Nhựt, lập chợ Bãi Xàu mới.
Sau năm 1975, hoạt động thương mại ở cảng Bãi Xàu gần như không còn, hầu như bị lãng quên, dẫn đến chỗ giáp nước (ngay chợ Mỹ Xuyên) bị cạn lấp dần và đến năm 1997 thì bị lấp hẳn để mở thêm phố chợ, phần còn lại tuy chưa bị lấp nhưng đã cạn và bị thu hẹp chỉ còn khoảng 8m nên ghe thuyền rất khó di chuyển. Năm 2010, tỉnh Sóc Trăng đã có kế hoạch xây dựng cảng sông trên đầu kinh Saintard, nơi tiếp giáp với rạch Bãi Xàu, thuộc phường 8, thành phố Sóc Trăng. Cảng sông này khi hoàn thành có thể xem như là hậu thân của thương cảng quốc tế Bãi Xàu ngày xưa.
Đại diện UBND tỉnh Sóc Trăng, cho rằng Thương cảng Bãi Xàu (Ba Xuyên) được hình thành vào giữa thế kỷ 18, nằm trong hệ thống các cảng ở Nam bộ, trở thành trung tâm thương mại của khu vực. Nơi đây cung cấp hàng hóa cảng cho các tàu biển mang đi khắp các vùng trong nước và quốc tế. Đây cũng là con đường xuất khẩu lúa gạo đầu tiên ở ĐBSCL. Hiện thương cảng Bãi Xàu không còn nữa, nhưng từ cảng biển quốc tế đầu tiên này cho ta những kinh nghiệm quý báu cho việc phát triển cảng biển tại ĐBSCL hiện nay và tương lai.
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ, nhấn mạnh: Từ thương cảng Bãi Xàu sầm uất năm xưa, chúng ta càng nhận thấy vai trò quan trọng của cảng biển và việc đầu tư, phát triển cảng biển quốc tế cho ĐBSCL. Là vùng đất có nguồn lao động dồi dào, nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng hiện giá trị lao động tại ĐBSCL còn thấp, trình độ học vấn và thu nhập của nhiều người dân còn hạn chế. Phát triển nông nghiệp với xu thế hướng nội, hướng về cảng Sài Gòn trong nhiều thập kỷ qua đã không khai thác được lợi thế so sánh của vùng. ĐBSCL cần có hướng tiếp cận mới cho phát triển kinh tế của vùng, đẩy mạnh phát triển hướng ra biển và có biện pháp nhằm khai thác tốt các tiềm năng kinh tế biển...
Cửa biển Trần Đề
Sau lưng chợ Mỹ Xuyên (huyện Trần Đề) có một đoạn kênh ngắn chừng 600m xuyên qua vòng cung để nối liền con sông. Từ cầu Ông Điệp bắc ngang qua kênh theo tỉnh lộ 8 đi tiếp 30km là tới cửa biển Trần Đề với hàng trăm ghe tàu neo đậu chật kín, đa số là tàu đánh cá của Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu… Cách đó chừng vài trăm thước, cảng cá Trần Đề nhộn nhịp đông vui. Dưới nước là tàu biển san sát, trên bờ lớp lớp xe đông lạnh, từng tốp người cả đàn ông lẫn phụ nữ kẻ bốc xếp, người cân đong. Tàu đánh cá chiếc đưa tôm cá lên, chiếc mang dầu, nước đá, thức ăn xuống chuẩn bị chuyến đi biển dài ngày, chiếc nổ máy rẽ sóng ra khơi.
Đại diện UBND huyện Trần Đề, cho biết: “Có khoảng 500 chiếc tàu đánh bắt xa bờ như vậy ra vô mỗi ngày. Ở đây có đầy đủ dịch vụ hậu cần tàu biển như xăng dầu, nước đá, thực phẩm, bốc xếp, đặc biệt thích hợp ghe tàu neo đậu tránh bão. Từ đây chỉ mất 30 phút là tôm cá vô nhà máy đông lạnh nhờ đường giao thông thuận lợi. Sau đó, thủy sản xuất khẩu cũng sẽ lên đường về cảng Sài Gòn qua đường Nam Sông Hậu vừa hoàn thành, rút ngắn thời gian 7-8 giờ so với trước đây”.
Chia sẻ với tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Độ (Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM), nhìn nhận từ những đúc kết của Thương cảng Bãi Xàu, hiện tại đủ yếu tố tiến hành nghiên cứu, khảo sát để xây dựng cảng nước sâu ở ngoài khơi cửa Trần Đề (Sóc Trăng) để trung chuyển ra-vào hệ thống cảng Cần Thơ và các cảng sông thuận lợi hơn và có hiệu quả hơn. Việc nâng dần độ cao của cồn cát cũng là một triển vọng để phát triển đô thị trên biển ở cù lao này theo hướng đô thị dịch vụ biển. Mở được luồng tàu ra cửa Trần Đề sẽ giải quyết thuận lợi cho việc chuyên chở hàng vạn tấn than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, cũng như thuận lợi việc chuyên chở hàng hóa nông thủy hải sản xuất khẩu của tỉnh và khu vực.
Huỳnh Anh Thư