|
Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng xuất khẩu gạo từ 6,5 triệu tấn lên 7 triệu tấn trong năm nay
Tại cuộc họp sơ kết về xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2012, kế hoạch xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm và tình hình tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu tổ chức ngày 5-7 tại TPHCM, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết sẽ đẩy mạnh xuất khẩu gạo, bất chấp xu hướng giá gạo trên thị trường thế giới đang ở mức thấp.
Rớt giá vẫn tăng xuất khẩu
Sáu tháng qua, cả nước đã xuất khẩu được gần 3,5 triệu tấn gạo các loại, giảm 12,76% so cùng kỳ năm ngoái. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết 6 tháng qua là thời điểm vô cùng khó khăn khi giá xuất khẩu gạo bình quân giảm hơn 13 USD/tấn so với cùng kỳ.
Theo ông Phong, do các thị trường nhập khẩu gạo đang tạm “no” nên tình hình giá gạo thế giới khó có thể tăng trở lại trong những tháng cuối năm, điều này tác động lớn đến xuất khẩu gạo trong nước. Cụ thể, tại thị trường Philippines, Việt Nam không còn hợp đồng giao gạo (đã ký trước đó 1 triệu tấn), Malaysia cũng đã ký đủ gạo trắng (chỉ còn gạo thơm là có khả năng mua tiếp). Những tháng đầu năm, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng bán cho phía Trung Quốc 1,2 triệu tấn gạo, trong đó đã giao khoảng 900.000 tấn.
Một khó khăn khác cho xuất khẩu gạo của Việt Nam đó là áp lực cạnh tranh với các nước ngày càng lớn. Ấn Độ đang tồn kho lớn đến 33 triệu tấn gạo nên tới đây, nước này không hạn chế xuất khẩu. Còn Thái Lan đang có lượng gạo tồn kho gần 12 triệu tấn, cũng như mùa vụ chính sắp thu hoạch, trong khi họ không còn đủ kho để chứa, buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, vì mục tiêu ổn định giá thu mua lúa, gạo trong nước, không để giảm sâu gây bất lợi cho nông dân như thời gian qua, VFA định hướng từ nay đến cuối năm, phải tìm mọi cách để xuất khẩu gạo càng nhiều càng tốt, bất chấp xu hướng giá gạo trên thị trường thế giới giảm. Qua cân đối, VFA xác định tổng lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu cả năm là 8,3 triệu tấn. Do đó, kế hoạch xuất khẩu cả năm 2012 cũng có điều chỉnh từ 6,5 triệu tấn lên 7 triệu tấn gạo, số còn lại gối đầu sang năm 2013.
Giữ giá cho vụ hè thu
Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đã và đang xuống giống vụ hè thu. Nỗi lo lớn nhất của nông dân vẫn là đầu ra và giá. Về định hướng cho sản xuất trong nước, ông Phạm Văn Bảy cho hay từ nay đến cuối năm sẽ tập trung xuất khẩu gạo cấp cao và gạo cấp trung bình. Đối với gạo cấp thấp, VFA vẫn khuyến cáo chỉ xuất khẩu khoảng 15%-20%, do vậy không nên sản xuất quá nhiều gạo cấp thấp, đặc biệt là vụ hè thu. “Ấn Độ, Myanmar đang xuất khẩu nhiều gạo cấp thấp, giá rẻ nên nếu Việt Nam tiếp tục làm gạo này sẽ thất bại” - ông Bảy lưu ý.
Về việc hỗ trợ cho nông dân, nhiều ý kiến lo ngại khi Nhà nước chỉ mua tạm trữ 500.000 tấn gạo vụ hè thu, trong khi sản lượng ở vụ này là 2,8 triệu tấn. Về việc này, ông Phong lý giải mua tạm trữ gạo phải theo tình hình diễn biến của thị trường. Vụ đông xuân rơi vào quý I không có nhiều hợp đồng và thu hoạch nhanh nên lượng gạo mua tạm trữ đạt 1 triệu tấn. Còn vụ hè thu tới đây, thu hoạch dài, rải đều ra nhiều tháng, việc mua tạm trữ cũng rải đều theo, được cân đối phù hợp nhằm tránh giá lúa bị rớt, gây bất lợi cho nông dân.
VFA hiện cũng đã phân công 92 doanh nghiệp tham gia mua lúa gạo tạm trữ vụ hè thu theo giá thị trường. Trong khi giá lúa đang giảm nhưng kế hoạch mua lúa gạo tạm trữ lại không có giá sàn nên nhiều người lo ngại không khéo giá lúa sẽ giảm tiếp. Ông Phong cho rằng không nhất thiết là lúc nào cũng có lãi, làm sao hạn chế rủi ro, 30% lãi tối thiểu cho nông dân là do Chính phủ đề ra để doanh nghiệp phấn đấu. Lãi 30% này không tính theo từng vụ mà tính cho năm, vụ đông xuân nông dân lãi lớn, còn vụ hè thu này lãi ít hơn một chút.
Kỳ vọng thị trường khó tính
Cách nay vài năm, Hàn Quốc có nhập khẩu gạo của Việt Nam với số lượng 200.000 - 300.000 tấn. Tuy nhiên, do chất lượng không đáp ứng được nên Việt Nam bị mất thị trường này. Tuy nhiên, Hàn Quốc đang có xu hướng trở lại nhập khẩu gạo Việt Nam, mới đây đã ký mua khoảng 30.000 tấn. Tại thị trường Nhật, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết nước này đang có nhu cầu nhập 600.000 tấn gạo chất lượng cao. Ngoài ra, thị trường Đài Loan, Hồng Kông cũng đang có nhu cầu nhập khẩu gạo với số lượng lớn... |
Theo NLĐ
|