|
Thụy Điển trở thành nước thứ ba ở Bắc Âu buộc phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã ảnh hưởng nặng nề tới các đối tác thương mại của những quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu này.
Chính Phủ Thụy Điển hồi tuần trước đã cắt giảm dự báo tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2013 xuống còn 1,1% từ mức 2,7%, trong khi tăng trưởng kinh tế trong năm nay cũng chỉ đạt khoảng 0,9%, thấp hơn mức 1,6% dự báo trước đó.
Theo Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Anders Borg, rõ ràng cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và những tranh cãi xung quanh "vách đá tài chính" ở Mỹ đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và việc làm của Thụy Điển, do đó triển vọng tươi sáng trong năm tới khó có thể xảy ra ở nước này.
Chính phủ trung-tả của Thủ tướng PFredrik Reinfeldt, lên năm quyền từ năm 2006, dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở Thụy Điển sẽ tăng lên 8,2% trong năm 2013 so với mức trung bình 7,7% trong năm nay.
Không chỉ Thụy Điển cảm nhận được tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu mà tại quốc gia láng giềng Đan Mạch cũng đã có động thái tương tự. Chính phủ Đan Mạch đã hạ dự báo tăng trưởng của nước này trong năm tới từ 1,7% dự báo trước đó xuống còn 1,2%, đồng thời cho biết tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ giảm 0,4% thay vì dự báo tăng trưởng 0,9% trong năm nay.
Trong khi đó, nền kinh tế Phần Lan cũng đã rơi vào tình trạng ba quý suy thoái liên tiếp nên chính phủ nước này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2013 xuống còn 0,5%, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 8% trong tháng 10, mức cao nhất trong vòng gần hai năm qua.
Tăng trưởng kinh tế của ba quốc gia Bắc Âu này phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, mà theo ước tính chiếm gần một nửa tổng sản lượng của Thụy Điển, 40% của Phần Lan và 1/3 của Đan Mạch.
Tuy nhiên, ở Bắc Âu vẫn còn có điểm sáng Na Uy, quốc gia giàu dầu mỏ, được dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 3,1% trong năm nay và 2,5% trong năm tới.
Theo Vietnam+
|