Home Page About us Transport Yellow Pages Forum VIL
Tracuu
Su Kien



Username
Password
 
Đăng ký mới


Phòng kinh doanh:
028
3513 6399
 

Đăng nhập

     

Xuất khẩu nhiều, lợi ích chưa cao

4/8/2013 10:29:22 AM

Năm 2012 được xem là năm "lịch sử" khi lần đầu tiên sau 19 năm, Việt Nam xuất siêu 284 triệu USD. Thành tích đó có được là nhờ sự đóng góp rất lớn của khối DN FDI, nhất là sự bứt phá XK của các nhóm hàng điện thoại-linh kiện (đạt 12,6 tỉ USD, tăng gần gấp đôi năm 2011) và nhóm điện tử máy tính (đạt 7,9 tỉ USD, tăng tới 69,1% so với năm 2011). 

Xuất nhiều, nhập cũng không ít 

Thế nhưng, khi đi vào phân tích cụ thể từng con số, nhiều chuyên gia chợt "giật mình" khi giá trị thu về cho ngân sách không nhiều như mong đợi. 

Tuy XK được 20,5 tỉ USD cho 2 nhóm hàng trên nhưng DN đã phải chi mất 13,1 tỉ USD để nhập linh kiện đầu vào. Như vậy kim ngạch XK thực tế có 7,4 tỉ USD. Nhìn về khía cạnh thu nhập quốc gia, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn: Chúng ta không được hưởng lợi nhiều vì những nhóm hàng này nặng về gia công, lắp ráp. Mặc dù XK với kim ngạch lớn nhưng chúng ta chỉ được hưởng phí gia công lắp ráp. Đầu vào các mặt hàng này lại hoàn toàn NK nên lợi ích lớn nhất trông thấy là tạo nhiều công ăn việc làm.

Điện thoại di động mang lại giá trị gia tăng lớn nhưng phần lớn các nguyên liệu được nhập từ nước ngoài khiến Việt Nam không thu được nhiều nguồn lợi từ ngành công nghiệp này.

 Phân tích thêm mặt sau của "tấm huy chương" XK này, chúng ta thấy XK điện thoại, linh kiện chủ yếu tập trung vào một "ông lớn" là Samsung. Năm 2011 Samsung XK 6 tỉ USD, năm 2012 XK tới 12,6 tỉ USD. Quý 1-2013, Samsung XK 5,2 tỉ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch XK của Việt Nam. Khu tổ hợp công nghệ cao với vốn đầu tư 3,2 tỉ USD của Samsung tại Thái Nguyên dự báo sẽ đóng góp trên 20 tỉ USD vào kim ngạch XK hàng năm của Việt Nam. 

Những con số XK "khổng lồ" của Samsung sẽ là "quý giá" nếu như DN này không nhập toàn bộ linh kiện từ nước ngoài. Trao đổi với báo giới, TS Lê Đăng Doanh đã từng phân tích: Giá trị ở Việt Nam thu được từ việc XK của Samsung chỉ là 10% và nếu trừ chi phí vận tải... thì giá trị gia tăng thực sự Việt Nam thu về có hơn 2%. Ông Kyshiro Ichikawa, chuyên gia tư vấn đầu tư của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá: Điện thoại di động mang lại giá trị gia tăng lớn nhưng phần lớn các nguyên liệu được nhập từ nước ngoài khiến Việt Nam không thu được nhiều nguồn lợi từ ngành công nghiệp này.

CNHT yếu kém, tỉ lệ nội địa hóa thấp đã khiến Việt Nam đánh mất cơ hội tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế

 Một nghiên cứu mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiệu ứng lan tỏa từ khối FDI sang khu vực DN trong nước rất hạn chế. Các DN FDI NK tới 57,5% hàng hóa, dịch vụ trung gian. Chỉ khoảng 40% hàng hóa, dịch vụ trung gian được mua trong nước và 2% trong số này là từ DN tư nhân trong nước. 

Còn theo Bộ Công Thương, các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được Chính phủ Việt Nam ưu đãi và khuyến khích đầu tư vào Việt Nam thời gian qua như Intel, Foxconn... cũng chưa đem lại nhiều giá trị gia tăng cho Việt Nam. Hầu hết các DN này sản xuất linh phụ kiện phục vụ 100% cho XK. Thực tế hầu hết nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào của các dự án này cũng 100% NK. 

Các nhà sản xuất CNHT ít có động cơ nội địa hóa, lí do họ lựa chọn đầu tư vào Việt Nam chỉ là để tận dụng thị trường lao động rẻ, các ưu đãi của Chính phủ về giá thuê đất, thuế Thu nhập DN... Vì vậy, đây tuy là các dự án có vốn đầu tư rất lớn, tạo nhiều việc làm, nhưng giá trị gia tăng của sản phẩm gần như không có, không giảm nhập siêu, không tạo ra các tác động lan tỏa sang các DN nội địa. Đây là bất cập rất lớn trong các dự án thu hút đầu tư FDI vào CNHT nói riêng và thu hút FDI nói chung hiện nay. 

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân" 

Giá trị gia tăng thu về thấp, trước khi "trách" các DN FDI, Việt Nam cũng nên xem xét vì sao thất bại trong việc làm "vệ tinh" cho các DN FDI có khối lượng XK "khổng lồ" như Samsung. Nguyên nhân có nhiều, nhưng CNHT yếu kém, tỉ lệ nội địa hóa thấp đã khiến Việt Nam đánh mất cơ hội tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM dẫn chứng về việc thiếu và yếu CNHT: Nhiều năm trước tôi có làm việc với một DN Nhật Bản sản xuất rượu sake. Họ muốn mua lúa nếp của Việt Nam để làm rượu cũng không có mà phải sang tận Thái Lan để mua. Một đất nước nông nghiệp mà không trồng lúa nếp thì thật là khó hiểu. Cho nên muốn FDI hiệu quả hơn, Việt Nam cần tập trung thu hút đầu tư vào CNHT. 

Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Cho đến nay CNHT cung cấp cho ngành xe máy được coi là thành công nhất với việc hình thành một hệ thống các nhà cung ứng ngay trong nội địa. Tỉ lệ nội địa hoá các loại xe gắn máy do trong nước sản xuất đã đạt khoảng 85-90%. Hầu hết các linh kiện của xe số, kể cả linh kiện động cơ, đều đã được sản xuất trong nước. Việt Nam hiện đã có hàng trăm DN sản xuất phụ tùng, linh kiện kim loại cho xe máy. 

Nhưng đó chỉ là điểm sáng hiếm hoi. Theo "Điều tra thực trạng hoạt động của các DN Nhật Bản tại châu Á, châu Đại Dương của JETRO", tỉ lệ nội địa hóa tại Việt Nam của các DN Nhật Bản chỉ dừng lại ở 28,7%, còn thấp so với các nước khác ở châu Á. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng: Cần phát triển CNHT với mục tiêu tập trung là nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, thay thế NK, cần khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài sản xuất CNHT dành cho nhu cầu nội địa, với tỉ trọng sử dụng đầu vào tại nội địa cao, giảm dần các công đoạn phải NK. Điều này sẽ có tác động lan tỏa đến các DN trong nước khi trở thành nhà cung ứng cho các DN đầu tư nước ngoài này. 

Theo TS. Lê Đăng Doanh, chúng ta cũng cần phải bàn bạc, phân tích với Samsung cũng như các nhà đầu tư FDI công nghệ cao khác để các DN Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của họ bằng cách cung cấp linh kiện cho họ. Ví dụ các DN Việt Nam có thể làm được hộp xốp, đóng gói, dập vỏ nhựa, ốc vít... cần tìm cách thiết lập "kênh" hợp tác với Samsung. Điều này cần phải được các DN cũng như nhà quản lí chú trọng hơn trong phát triển thương mại năm 2013 cũng như trong dài hạn.

Theo Hải Quan Online

TIN LIÊN QUAN
THÔNG TIN KHÁC
Châu Phi chuộng xe máy Việt Nam (4/8/2013 10:23:59 AM)
Ngành dệt may nâng vị thế để tăng trưởng xuất khẩu (4/5/2013 10:55:03 AM)
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Campuchia tăng mạnh (4/5/2013 10:48:30 AM)
Mỗi tháng phải xuất khẩu hơn 10,7 tỷ USD (4/5/2013 10:41:45 AM)
Cơ hội mới cho hàng thủ công mỹ nghệ (4/4/2013 10:18:08 AM)
Xuất khẩu đến năm 2030: Triển vọng “sáng” (4/4/2013 10:17:34 AM)
Giá gạo xuất khẩu thấp kỷ lục (4/4/2013 10:15:43 AM)
Việt Nam – quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu gỗ và sản phẩm (4/4/2013 10:12:26 AM)
Kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 29,69 tỷ USD (4/3/2013 11:15:33 AM)
Xuất khẩu cà phê của Honduras và Costa Rica giảm trong tháng Ba (4/3/2013 11:14:54 AM)
BÌNH LUẬN

Bình luận của bạn

Nội dung:
Email / Tên / Điện thoại:
 

Bạn thấy giao diện mới của website như thế nào?
Rất đẹp
Đẹp
Bình thường
Không đẹp lắm

VẬN CHUYỂN CONTAINER QUỐC TẾ/NỘI ĐỊA UY TÍN, CHẤT LƯỢNG. HOTLINE: 0903 974 124
CÔNG TY TNHH CÁT TƯỜNG GIANG (CTG LOGISTICS & SHIPPING AGENCIES)

© 2005-2020 Bản quyền thuộc về Viện Logistics Việt Nam (VIL) - Liên hệ quảng cáo
Ghi rõ nguồn "VietnamShipper" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Tầng 25, Pearl Plaza - 561A Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM - Tel: (+84-8) 3513 6399 - Fax: (+84-8) 3513 6359 - Email: admin@vietnamshipper.com