Bắc Kinh sẽ bãi bỏ cơ quan điều hành ngành vận tải đường sắt quốc gia, với mục đích làm gọn nhẹ bộ máy chính quyền và cũng là một nỗ lực lớn để giải quyết tham nhũng.
Ông Tập Cận Bình, người được bầu làm tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc từ tháng 11 năm ngoái và dự kiến sẽ nhậm chức chủ tịch nước trong tuần này, phát đi thông báo sẽ tinh giản chính phủ, cắt giảm chi tiêu và nâng cao hiệu quả của công cuộc chống tham nhũng. Trong đó, Bộ Đường sắt, cơ quan phụ trách ngành vận tải 1,7 tỷ hành khách trong năm ngoái, là mục tiêu lớn để thực hiện mục tiêu đó.
Theo Xinhua, với kế hoạch cải cách và thay đổi chức năng các cơ quan chính phủ được công bố hôm 10/3, sẽ không còn tồn tại Bộ Đường sắt, phân tách việc quản lý hành chính đường sắt và kinh doanh vận tải đường sắt.
Bộ Đường sắt Trung Quốc quản lý 2,1 triệu công nhân, với hệ thống đường sắt lớn nhất và có tốc độ cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2007, bộ này bị nghi ngờ xuất hiện nhiều hiện tượng tham nhũng.
Năm 2011, Lưu Chí Quân, bộ trưởng Đường sắt khi đó, chính thức bị điều tra. Một nguồn tin làm việc tại bộ này tiết lộ cho Telegraph rằng giá tiền để có một suất công việc trong Bộ Đường sắt lên đến 14.000 USD. Bộ này thường có luật của riêng mình và đến tháng 8 năm ngoái, Bộ Đường sắt cho vận hành tòa án và sở cảnh sát riêng. Ngân quỹ của bộ này lớn hơn cả quân sách quốc phòng năm ngoái, ở mức 74 tỷ USD.
"Trong những năm trở lại đây, đường sắt có những phát triển nhảy vọt nhưng không kết nối trơn tru với các phương thức vận tải khác, và ngoài ra còn những vấn đề khác", ông Mã Khải, quan chức cấp cao trong đảng, người công bố thông tin tinh giản chính phủ, nói.
Ông cũng cho biết thêm, về tổng thể, phần lớn các công việc của chính phủ "chưa được thực hiện", hoặc "thực hiện cẩu thả vì sự lộng hành và tham nhũng", do đó một số khu vực cần phải tăng cường quản lý, trong khi một số khác cần phải tránh "quá nhiều người nấu trong một căn bếp". "Hệ thống hành chính còn nhiều khu vực không phù hợp với nhu vầu của tình hình mới và nhiệm vụ", ông nói thêm.
Ngoài ra, kế hoạch tinh giản biên chế còn có nội dung sáp nhập Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình, cơ quan quản lý chính sách một con, vào Bộ Y tế. Trước đó, Trung Quốc từng từng tinh giản chính phủ vào năm 1982 và 1998. Năm 1982, số cơ quan cấp bộ giảm từ 100 xuống còn 61, năm 1998 số cơ quan cắt giảm là 29. Kế hoạch lần này dự kiến cắt giảm 25 cơ quan.
Ông Tập Cận Bình hứa sẽ chiến đấu với tệ quan liêu và sẽ tăng cường cải cách, giúp phá bỏ một số cơ chế quyền lực, tuy nhiên các nhà phân tích cho biết chưa rõ sẽ có bao nhiêu quan chức sẽ thực sự bị trừng trị. Ở tỉnh Quảng Đông, một số huyện đã đi tiên phong trong việc bãi bỏ các cơ quan địa phương không cần thiết nhưng việc bố trí công việc cho cán bộ cũng là một vấn đề khó khăn. Một huyện phải bố trí việc làm cho cán bộ cũ, dẫn đến việc có 19 phó chủ tịch.
Theo VnExpress