Việc phát triển cơ sở hạ tầng hàng không đang gặp khó khăn vì chưa thu hút được các nguồn lực khác ngoài vốn ngân sách
Năng lực của các cảng hàng không trong nước đã tăng từ mức 6 triệu khách vào năm 2000 lên 52 triệu khách vào năm 2012. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển cảng hàng không và đến nay đã có 25 trong tổng số 26 cảng hàng không nằm trong quy hoạch đã được duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch.
Phân loại để thu hút đầu tư
Theo Cục Hàng không Việt Nam, các chỉ tiêu phát triển chung về mạng đường bay, đội máy bay, mạng cảng hàng không sân bay và hoạt động bay vẫn bám sát quy hoạch Chính phủ phê duyệt. Ngoài Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) đang chiếm 40% thị phần hành khách và 20,2% thị phần hàng hóa quốc tế đi/đến Việt Nam, đã xuất hiện các hãng hàng không tư nhân như VietJet Air, Air Mekong và hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài như Jetstar Pacific. Đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam có mức độ tiện nghi, an toàn cao đã lên đến 98 chiếc, với tuổi trung bình 6,9. Trong đó có 46/98 máy bay thuộc sở hữu của VNA.
Về cơ sở hạ tầng, cả nước đã có 25 trong tổng số 26 cảng hàng không nằm trong quy hoạch đã được duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch. Trong đó, 25% cảng có khả năng tiếp nhận máy bay thân rộng như Boeing 777, 747; 45% cảng có khả năng tiếp nhận máy bay A 320/321 và tương đương. Theo nhận định của Bộ GTVT, do đặc thù đầu tư lớn, hoàn vốn lâu, yêu cầu kỹ thuật cao, lại gắn với việc bảo đảm an ninh quốc phòng nên rất khó thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực hàng không.
Do đó, cần chia các cảng hàng không thành 2 loại: cấp 1 là các cảng hàng không lớn giữ vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng (gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cam Ranh...), cấp 2 là các cảng hàng không sân bay khác. Trong đó, một số cảng có lợi thế về kinh doanh có thể xã hội hóa khai thác thông qua cổ phần hóa hoặc giao cho các nhà đầu tư khai thác. Việc phân loại cảng như trên sẽ khoanh vùng được khu vực nào có thể gọi đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân. Bộ GTVT cũng dự kiến có thể xem xét lùi thời điểm đầu tư đối với một số sân bay nhỏ như Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh sau năm 2020.
Giảm tải cho ngân sách
Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không là giải pháp tối ưu vì đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho hạ tầng hàng không chỉ chiếm 1,8% trong toàn bộ nguồn vốn cấp cho ngành GTVT hằng năm và chỉ đáp ứng 60% nhu cầu vốn thực tế. Khi có cơ chế cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tư nhân rót vốn làm cảng hàng không sẽ góp phần giảm tải cho ngân sách và bảo đảm tiến độ thực hiện quy hoạch phát triển ngành. Không chỉ dừng ở đầu tư hạ tầng hàng không, việc xã hội hóa cần được đẩy mạnh tại doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước là VNA đối với các hạng mục, lĩnh vực có thể cổ phần hóa.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành hàng không với tốc độ tăng trưởng về vận tải ở mức gần 20% liên tục trong nhiều năm, Việt Nam đang triển khai hàng loạt dự án nâng cấp mở rộng cảng hàng không hiện có như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Bài… Trong quá trình này, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn rót vốn như: doanh nghiệp Hàn Quốc muốn xây dựng sân bay Quảng Ninh, doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư sân bay Long Thành, doanh nghiệp Mỹ muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư cảng hàng không ở Đà Nẵng, Khánh Hòa… Tuy nhiên, việc thu hút vốn tư nhân và nước ngoài vào đầu tư hạ tầng hàng không vẫn còn nhiều hạn chế, vì vậy nhiều ý kiến cho rằng cần tháo gỡ sớm về cơ chế chính sách.
Theo Người Lao Động