Tài chính ngân hàng và một số doanh nghiệp ở thị trường ngách là mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư Nhật Bản khi tiến hành mua bán, sáp nhập tại Việt Nam.
Công ty Dữ liệu và Phân tích StoxPlus vừa công bố báo cáo toàn cảnh M&A Việt Nam năm 2012 và đầu 2013. Theo báo cáo này, quy mô thị trường mua bán và sáp nhập tại Việt Nam năm qua đạt 4,9 tỷ USD với tổng số 157 thương vụ, giảm đáng kể so với năm 2011 (6,3 tỷ USD và 267 thương vụ). Lý do là hoạt động M&A giữa các nhà đầu tư trong nước đã không còn sôi động như trước trong khi đó, các tập đoàn nước ngoài vẫn duy trì tổng giá trị các thương vụ ở mức 3,5 tỷ USD, bằng với năm 2011.
Trong quý I/2013, quy mô thị trường đạt khoảng 676 triệu USD với 14 thương vụ. Trong đó, có các thương vụ điển hình như Tập đoàn khách sạn Minor International mua lại hai khu nghỉ dưỡng Life Heritage Resort Hội An và Life Resort Quy Nhơn với giá 16 triệu USD; Công ty Berli Juker mua công ty Ichiban chuyên về đậu hũ với giá 4,7 triệu USD...
Các tập đoàn tới từ Nhật Bản vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong việc đầu tư cổ phần vào các doanh nghiệp Việt Nam. Tổng giá trị M&A năm 2012 của nhà đầu tư Nhật Bản đạt 1,15 tỷ USD với 14 thương vụ (năm 2011 đạt 941 triệu USD với 21 thương vụ). Trong đó, giá trị chủ yếu đến từ thương vụ ngân hàng BTMU đầu tư chiến lược 743 triệu USD vào Vietinbank và Sumitomo Life Insurance chi trả HSBC 340 triệu để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tập đoàn Bảo Việt.
Bên cạnh các thương vụ khủng, nhà đầu tư Nhật Bản cũng đã và đang tìm kiếm các doanh nghiệp Việt ở những thị trường ngách chuyên sản xuất kinh doanh một nhóm sản phẩm nhất định và các ngành phụ trợ như dịch vụ ăn uống, bao bì thực phẩm...
Nguồn: StoxPlus
Theo StoxPlus, điểm nhấn của thị trường M&A năm 2012 và đầu 2013 là sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn trong khối ASEAN. Các công ty này tham gia M&A mạnh trong ngành vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng với tổng cộng 15 thương vụ, tổng giá trị 643,4 triệu USD (năm 2011 chỉ có 6 thương vụ với 127 triệu USD). Một số quốc gia điển hình tham gia vào các thương vụ trong năm 2012 gồm Thái Lan, Philipines, Singapore và Malaysia.
Những tập đoàn tham gia mua lại doanh nghiệp Việt đều nhiều tiềm lực, dư tiền mặt và hệ số đòn bẩy tài chính thấp hoặc có thể tiếp cận vốn rẻ hơn Việt Nam. Các công ty được mua lại đều có đặc điểm chung là khó khăn về tài chính do chịu chi phí vốn đắt đỏ, đòn bẩy tài chính quá cao.
Trong khi các hoạt động M&A của khối ngoại đối với doanh nghiệp Việt diễn ra khá sôi động thì quy mô ở khối nội trong năm 2012 chỉ bằng một nửa 2011. Nguyên nhân chủ yếu là từ sự suy giảm chuyển nhượng các dự án bất động sản.
Tổng giám đốc Công ty StoxPlus, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, M&A trong nước hiện vẫn là câu chuyện hợp nhất ngành theo chiều dọc của các thương hiệu lớn như Masan Group trong ngành hàng tiêu dùng, Tập đoàn Đất Xanh trong việc mua lại các dự án bất động sản, Hùng Vương trong ngành thủy sản...
Ông Thuân nhận định, năm 2013 và 2014, thị trường mua bán chuyển nhượng vẫn tiếp tục sôi động bởi xu hướng chuyển dịch từ đầu tư trực tiếp nước ngoài sang hình thức gián tiếp qua M&A. Hơn nữa, bối cảnh trong nước cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có mức định giá hấp dẫn. Bên cạnh đó, một số yếu tố về pháp lý đã thông thoáng hơn. Điển hình, ở ngành ngân hàng, Chính phủ đã nới room cho khối ngoại sở hữu cổ phần trong một số nhà băng yếu kém. Tâm lý của nhiều chủ doanh nghiệp cũng đã cởi mở hơn trong rất nhiều thương vụ chuyển nhượng cổ phần chi phối gần đây.
Tuy nhiên, theo StoxPlus trong thời gian tới những thương vụ lớn trong các ngành chủ chốt như ngân hàng, hàng tiêu dùng sẽ mất nhiều thời gian hơn do quan ngại về suy thoái kinh tế của Việt Nam. Ngược lại các thương vụ quy mô trung bình ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ có những lợi thế đặc thù về sản phẩm, thị trường và thương hiệu sẽ có điều kiện thực hiện M&A hơn.
Theo VnExpress