Ngay trong tháng 7/2013, các dự án bị hằn lún theo vệt bánh xe đều được kiểm định độc lập để phân tích cho rõ nguyên nhân và xác định trách nhiệm đến các cá nhân, tổ chức có liên quan. Nếu nhà thầu làm sai, phải làm lại...
|
Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông |
Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông khẳng định ngay trong tháng 7/2013, sẽ kiểm định độc lập tất cả các dự án xảy ra hằn lún, đồng thời có giải pháp khắc phục triệt để và phân định trách nhiệm rõ ràng.
Tình trạng hằn lún vệt bánh xe xảy ra hết sức nghiêm trọng trên một số quốc lộ, làm ảnh hưởng đến ATGT và lưu thông của phương tiện, là cơ quan chịu trách nhiệm chính về chất lượng công trình giao thông, ông đánh giá thế nào về thực trạng này?
Ngay khi phát hiện một số dự án hiện tượng lún hằn vệt bánh xe cục bộ, lãnh đạo Bộ GTVT đã triệu tập cuộc họp với tất cả các đơn vị liên quan, đánh giá toàn diện, chỉ rõ các nguyên nhân, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu có công trình xảy ra lún mặt đường khẩn trương khắc phục để đảm bảo giao thông. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các dự án, công trình đã và đang triển khai để có giải pháp xử lý kịp thời, tránh xảy ra tình trạng tương tự.
Ông có thể cho biết những nguyên nhân đã được chỉ ra?
Thời gian qua, một số chủ đầu tư, nhà thầu cho rằng nguyên nhân hư hỏng là do khách quan. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn thuyết phục và chỉ đúng một phần. Dù nắng nóng có bất thường, gây chảy nhựa đường nhưng khi thiết kế, các đơn vị tư vấn cũng đã chọn loại nhựa đường có chỉ số cơ lý phù hợp với địa hình và khí hậu để chịu đựng được nhiệt độ của vùng nhiệt đới như nước ta. Còn về xe quá tải, yếu tố này cũng là tác nhân làm đường xuống cấp nhanh. Hiện nay, xe chở xi măng bao, xe chở quặng sắt thường chở tới hơn trăm tấn/xe, vượt tải gấp 2, 3 lần.
Tuy nhiên, Bộ GTVT, Cục QLXD&CLCTGT xác định ngoài nguyên nhân xe vượt tải thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Trong đó, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn phải chịu trách nhiệm khi công trình không đảm bảo. Bộ GTVT cũng không loại trừ yếu tố do chất lượng nhựa nhập khẩu không đồng nhất, chất lượng thiếu ổn định, khả năng chịu nhiệt không phù hợp.
Bộ GTVT xác định nguyên nhân chủ quan là chính, vậy việc phân định trách nhiệm và xử lý những trường hợp để hằn lún mặt đường sẽ được tiến hành ra sao?
Ngoài việc yêu cầu sửa chữa, khắc phục kịp thời để đảm bảo giao thông, Bộ GTVT còn chỉ đạo rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sớm ban hành văn bản quy định trách nhiệm của các chủ thể tham gia công trình, bảo đảm ai sai khâu nào phải chịu trách nhiệm và bỏ tiền làm lại khâu đó. Ngay trong tháng 7/2013, các dự án bị hằn lún theo vệt bánh xe đều được kiểm định độc lập để phân tích cho rõ nguyên nhân và xác định trách nhiệm đến các cá nhân, tổ chức có liên quan. Nếu nhà thầu làm sai, ngoài việc phải làm lại, Cục còn đề nghị Bộ GTVT không tiếp tục cho thi công các dự án khác. Với chủ đầu tư, ban quản lý dự án cũng vậy, nếu sai sẽ đề nghị điều chuyển bớt dự án, quy trách nhiệm rạch ròi.
Nhiều ý kiến cho rằng một số tiêu chuẩn, quy chuẩn về cầu đường, tải trọng xe không còn phù hợp, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi khẳng định là các tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành GTVT đều khá đầy đủ và phù hợp với thông lệ trong nước và quốc tế. Trên thế giới cũng không ai điều chỉnh tiêu chuẩn, quy chuẩn để phù hợp với lưu lượng và tải trọng xe cả. Chỉ có những trường hợp đặc biệt như các đường chuyên dùng ra vào cảng mới được thiết kế theo những tiêu chuẩn riêng cho các xe quá khổ, quá tải. Vấn đề hiện nay là làm sao kiểm soát thật chặt xe quá tải lưu thông trên đường để tăng tuổi thọ đường và tạo hiệu quả hơn trong đầu tư.
Hiện nay, hàng chục dự án mở rộng QL1 đang được triển khai xây dựng, Bộ GTVT có giải pháp gì để không tái diễn tình trạng hằn lún mặt đường xảy ra, thưa ông?
Đây là vấn đề được lãnh đạo Bộ GTVT đặc biệt lưu tâm, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư triển khai các dự án mở rộng QL1 phải đặc biệt chú ý lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát có chất lượng và đã được đánh giá xếp hạng, đồng thời bố trí riêng một gói thầu kiểm định độc lập để đánh giá chất lượng. Quá trình kiểm định này có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng và của Cục QLXD&CLCTGT. Nếu tư vấn kiểm định sai sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Có như vậy mới ngăn ngừa được hiện tượng lún nói riêng và đảm bảo chất lượng công trình nói chung.
Siết khai thác đá và nhập khẩu nhựa đường
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị quản lý chặt việc nhập khẩu nhựa đường và khai thác đá trên thị trường Việt Nam. Theo Bộ GTVT, hiện nay vật liệu sử dụng cho công trình đường bộ gồm hai loại chủ yếu là đá và nhựa đường. Vật liệu đá được sản xuất tại chỗ ở các địa phương rất đa dạng nhưng thiếu sự kiểm soát về số lượng, chất lượng và giá thành.
Còn vật liệu nhựa được nhập từ nhiều nước khác nhau, không ổn định hoặc kém chất lượng, dẫn đến công trình sau khi đã hoàn thành, đưa vào khai thác, tại một số vị trí cục bộ đã xuất hiện hiện tượng hư hỏng, xuống cấp.
Với tình hình trên, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan tăng cường kiểm tra và phối hợp với Bộ GTVT chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác sản xuất đá và nhập khẩu nhựa đường để lành mạnh thị trường cung ứng và tiêu thụ, đảm bảo chất lượng, giá thành hai vật liệu nói trên, góp phần tạo ra các sản phẩm kết cấu hạ tầng giao thông có chất lượng cao, giá thành hợp lý.
|
Cảm ơn ông!
Theo Báo Giao Thông Vận Tải