5 tháng đầu năm, lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa đạt được sự vượt trội ở 10 góc độ, qua đó đánh giá sơ bộ khả năng xuất khẩu cả năm 2014.
Điểm vượt trội thứ nhất là quy mô xuất khẩu theo thời gian. Các chỉ số thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các tháng trong 5 tháng đầu năm như sau:
Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã đạt gần 58,51 tỷ USD, cao hơn tổng kim ngạch trong cả năm 2009 (57,1 tỷ USD). Bình quân 1 tháng đạt trên 11,7 tỷ USD; trong đó chỉ có tháng 1, tháng 2- là những tháng có Tết Nguyên đán, có ít ngày làm việc hơn, nên đạt thấp hơn mức bình quân chung; còn 3 tháng nay (3, 4, 5) đã vượt qua mốc 12 tỷ USD, riêng tháng 3 lần đầu tiên vượt qua mốc 13 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đầu người năm 2013 đã đạt 1.473 USD, cao gấp gần 1,8 lần năm 2010; như vậy khả năng năm 2014 sẽ đạt khoảng 1.655 USD, cao xấp xỉ gấp 2 lần năm 2010.
Điểm vượt trội thứ hai là tăng trưởng xuất khẩu đạt tốc độ khá cao. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2014 đã tăng 15,4%.
Đây là tốc độ tăng khá cao so với các ngành, lĩnh vực trong cùng thời gian tương ứng.
Điểm vượt trội thứ ba, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt được ở cả hai khu vực (khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài). Nếu những năm trước, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước thường tăng rất thấp, làm cho tỷ trọng của khu vực này giảm xuống còn rất nhỏ (nếu không kể dầu thô chỉ còn chiếm dưới 1/3), thì 5 tháng đầu năm nay đã được cải thiện: khu vực kinh tế trong nước đã tăng hai chữ số (11,9%), chứng tỏ khu vực kinh tế trong nước đã có sự cải thiện về hiệu quả và sức cạnh tranh, đồng thời đã có sự nỗ lực vươn lên để tận dụng cơ hội khi Việt Nam thực hiện mở cửa, hội nhập sâu, rộng hơn.
Điểm vượt trội thứ tư là tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng, trong đó có những mặt hàng chủ lực. Năm 2013 đã có 22 mặt hàng và 5 tháng đầu năm 2014 đã có 12 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (gồm điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dầu thô; thủy sản; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; cà phê; gạo; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù). Kim ngạch 12 mặt hàng này đạt gần 43,23 tỷ USD, chiếm 73,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Lần đầu tiên trong năm 2013 Việt Nam có một mặt hàng là điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch trên 20 tỷ USD và khả năng năm 2014 sẽ có thêm mặt hàng dệt may đạt mốc này.
Điểm vượt trội thứ năm là cơ cấu xuất khẩu theo nhóm hàng đã có sự chuyển dịch tích cực hơn. Tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thô hoặc mới sơ chế đã giảm xuống (từ gần một nửa năm 2005 xuống còn khoảng trên 1/3 năm 2013 và 5 tháng 2014); của hàng chế biến hoặc đã tinh chế đã tăng lên (tương ứng tăng từ trên một nửa lên gần 2/3). Trong nhóm mặt hàng chế biến và tinh chế này, một số mặt hàng có trình độ kỹ thuật – công nghệ khá ra đời và tăng nhanh (như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện…). Chỉ 5 mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm 2014 đã đạt gần 20 tỷ USD, chiếm gần 34% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Điểm vượt trội thứ sáu, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều có xuất khẩu với quy mô khác nhau. Năm 2013 đã có 19 tỉnh/thành phố đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 9 nơi đạt trên 2 tỷ USD (cao nhất là TP Hồ Chí Minh trên 29,43 tỷ USD, tiếp đến là Bắc Ninh gần 25,1 tỷ USD, Bình Dương trên 14,3 tỷ USD, Đồng Nai gần 11 tỷ USD, Hà Nội trên 9,9 tỷ USD, Hải Dương trên 3,5 tỷ USD, Hải Phòng trên 3,4 tỷ USD, Long An trên 2,85 tỷ USD, Bà Rịa- Vũng Tàu trên 2,1 tỷ USD). Lần đầu tiên Việt Nam đã có 2 địa bàn đạt trên 20 tỷ USD. Số địa bàn xuất siêu cao gấp đôi số nhập siêu (42/21). Quý I/2014 đã có 6 địa bàn đạt trên 1 tỷ USD.
Điểm vượt trội thứ bảy là Việt Nam có quan hệ buôn bán với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2013 đã có 27 thị trường đạt từ tỷ 1 USD trở lên, đặc biệt đã có 11 thị trường đạt trên 3 tỷ USD (cao nhất là Hoa Kỳ gần 23,9 tỷ USD, Nhật Bản gần 13,7 tỷ USD, Trung Quốc gần 13,3 tỷ USD, Hàn Quốc trên 6,6 tỷ USD, Malaysia 4,9 tỷ USD, Đức trên 4,7 tỷ USD…)
Quý I/2014 đã có 8 thị trường đạt từ 1 tỷ USD trở lên (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Hong kong, Malaysia. Lần đầu tiên Việt Nam đã có 1 thị trường (là Hoa Kỳ đạt trên 20 tỷ USD. Quý I/2014 đã có 8 thị trường đạt trên 1 tỷ USD.
Điểm vượt trội thứ tám là trong quan hệ buôn bán hàng hóa với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển vị thế từ nhập siêu lớn sang xuất siêu.
Nếu từ năm 2007 nhập siêu bình quân/năm trên 13,4 tỷ USD thì từ năm 2012 đã xuất siêu. Năm 2012 xuất siêu 749 triệu USD; năm 2013 xuất siêu hơn 900 triệu USD; 5 tháng 2014 đạt 1,649 tỷ USD.
Nhiều địa bàn Việt Nam xuất siêu lớn trong năm 2013 (Hoa Kỳ, Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Anh, Đức, Campuchia, Hà Lan, Nhật Bản, Australia, Tây Ban Nha, Áo, Pháp Canada…). Trong quý I/2014 có 7 thị trường mà Việt Nam xuất siêu trên 500 triệu USD (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Hồng Công, Đức, Anh, Hà Lan).
Điểm vượt trội thứ chín là mức nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước trong 5 tháng năm nay đã giảm so với cùng kỳ năm trước cả về mức tuyệt đối (5250 triệu USD so với 5644 triệu USD), cả về tỷ lệ so với xuất khẩu (27,6% so với 33,2%).
Điểm vượt trội thứ mười là xuất khẩu đã vượt dự báo của các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô.
Bắt đầu từ kế hoạch 5 năm (2011-2015) đưa ra chỉ tiêu tốc độ tăng bình quân 1 năm đạt 10%, theo đó 5 năm sẽ tăng trên 61,05%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 72,237 tỷ USD, nhân với tốc độ tăng trên, thì chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2015 sẽ đạt 116,3 tỷ USD. Chỉ tiêu này vượt trước 2 năm (2013 đã đạt 132,1 tỷ USD).
Chỉ tiêu kế hoạch trong mấy năm liền sau đó đều bị thực tế bỏ xa. Ngay trong năm 2014 này, kim ngạch xuất khẩu theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra là tăng 10%, hay đạt 145,3 tỷ USD. Năm tháng đầu năm đã đạt 58,51 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; nhiệm vụ còn lại của năm 2014 là 86,8 tỷ USD, tức là chỉ còn phải tăng chưa đến 6,6%- thấp chưa bằng một nửa tốc độ tăng trong 5 tháng đầu năm. Theo tính toán sơ bộ, ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm sẽ đạt trên 150 tỷ USD và một lần nữa lại vượt khoảng gần 6 tỷ USD so với kế hoạch. Không những thế, khả năng sẽ không nhập siêu như chỉ tiêu kế hoạch (6% xuất khẩu, tương đương với trên 8,7 tỷ USD), mà có thể còn xuất siêu (5 tháng 2014 đã xuất siêu 1649 triệu USD).
Theo Báo điện tử Chính phủ